Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định hiện nay

Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định cụ thể trong Luật Thi hành án Dân sự. Người phải thi hành án khi có đủ điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành thì các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng để bảo vệ quyền lợi của chủ thể liên quan. Bài viết dưới đây Luật L24H sẽ cung cấp các thông tin về quy định, các biện pháp, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự hiện nay.

Cưỡng chế thi hành án dân sự hiện nay

Cưỡng chế thi hành án dân sự hiện nay

Quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự

Khái niệm cưỡng chế thi hành án dân sự

Căn cứ khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi 2014, hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án có điều kiện nhưng không thi hành án thì bị cưỡng chế.

Như vậy, cưỡng chế thi hành án dân sự diễn ra sau khi hết thời hạn tự nguyện mà người phải thi hành án không thi hành mặc dù có điều kiện

Căn cứ cưỡng chế thi hành án

Theo quy định tại Điều 70 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi năm 2014 thì căn cứ cưỡng chế thi hành án bao gồm:

  • Bản án, quyết định;
  • Quyết định thi hành án;
  • Quyết định cưỡng chế thi hành án trừ trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án và quyết định của Tòa án đã kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào một trong các căn cứ trên để ra quyết định thi hành án dân sự.

>>> Tham khảo thêm: Khi nào sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành án dân sự

Các biện pháp cưỡng chế thi hành án

Căn cứ Điều 71 Luật Thi hành án Dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014, có 6 biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, bao gồm:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
  • Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành án trên được áp dụng theo quy định của pháp luật tùy vào từng trường hợp cụ thể và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng hoặc bên thứ ba có thẩm quyền để đảm bảo rằng quyết định của tòa án được thực hiện một cách công bằng và đúng luật.

Chấp hành viên tiến hành thi hành án dân sự

Chấp hành viên tiến hành thi hành án dân sự

Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án

Cưỡng chế thi hành án dân được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án.

Căn cứ Điều 46 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014: Hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

Bước 2: Lập kế hoạch cưỡng chế

Nội dung kế hoạch bao gồm: Tên người phải thi hành án; biện pháp cưỡng chế; thời gian, địa điểm thực hiện cưỡng chế; phương án cưỡng chế; lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế và dự toán chi phí cưỡng chế (khoản 2 Điều 72 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi năm 2014)

Bước 3: Gửi quyết định cưỡng chế thi hành án.

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác
  • Kế hoạch cưỡng chế sẽ được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an cùng cấp và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án dân sự.

Cơ sở pháp lý: Điều 38 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi năm 2014

Bước 4: Thông báo về việc cưỡng chế thi hành án

Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Thông báo thông qua các hình thức sau:

  • Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
  • Niêm yết công khai;
  • Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng

Cơ sở pháp lý: Điều 39 Luật Thi hành án Dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014

Bước 5: Tiến hành cưỡng chế thi hành án.

Bước 6: Thực hiện thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án

Căn cứ Điều 47 Luật Thi hành án Dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014, sau khi trừ phí thi hành án, thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:

  • Tiền cấp dưỡng; tiền lương dùng để thi hành án, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;
  • Án phí, lệ phí Tòa án;
  • Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

Bước 7: Kết thúc thi hành án

Thi hành án dân sự đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau:

  • Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
  • Có quyết định đình chỉ thi hành án.

Cơ sở pháp lý: Điều 52 Luật Thi hành án Dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014

Bước 8: Xác nhận kết quả thi hành án

Căn cứ Điều 53 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi 2014, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án

>>> Tham khảo thêm trường hợp: Bị cưỡng chế thu hồi đất trái luật phải làm sao?

Luật sư tư vấn về thi hành án dân sự

Luật sư tư vấn thi hành án dân sự

Luật sư tư vấn thi hành án dân sự

Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là một phần quan trọng trong thi hành án vì chúng đảm bảo rằng người phải thi hành án thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, việc áp dụng phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực của pháp luật Việt Nam. Nếu có vấn đề nào liên quan đến các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự hoặc cần tư vấn, giải đáp các bạn có thể liên hệ Văn phòng Luật L24H qua hotline 1900.633.716 để được để được luật sư dân sự tư vấn hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

Scores: 4.6 (25 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,836 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716