Chi phí cưỡng chế thi hành án gồm những khoản nào?

Chi phí cưỡng chế thi hành án là một vấn đề phát sinh khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Vậy chi phí cưỡng chế thi hành án bao gồm những khoản nào? Hãy cùng tôi tìm hiểu quy định của pháp luật về khoản chi phí cưỡng chế thi hành án qua bài viết dưới đây.

Chi phí cưỡng chế thi hành án bao gồm những gì?

Chi phí cưỡng chế thi hành án bao gồm những gì?

Cưỡng chế thi hành án dân sự là gì?

Cưỡng chế là dùng quyền lực của Nhà nước để bắt buộc người khác phải thực hiện những việc trái với ý muốn của họ, phục tùng một mệnh lệnh thực hiện một nghĩa vụ, trách nhiệm theo quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, cưỡng chế thi hành án được hiểu là việc dùng quyền lực Nhà nước để thi hành án dân sự, tức là bắt buộc phải thi hành án, nhằm bảo đảm thi hành trên thực tế quyền, nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Bởi lẽ bản án, quyết định đã được tuyên có hiệu lực pháp luật thì các đương sự phải tự nguyện thi hành, nếu không tự nguyện thì Nhà nước cưỡng chế bắt buộc phải thi hành.

Biện pháp cưỡng chế thi hành án

Biện pháp cưỡng chế thi hành án là biện pháp thi hành án dân sự sử dụng quyền lực Nhà nước với mục đích buộc người phải thi hành án dân sự thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án theo đúng thủ tục thi hành án.

Đặc điểm của biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự gồm các đặc điểm chính sau:

  • Thể hiện quyền lực Nhà nước. Chỉ cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền mới có thẩm quyền tiến hành cưỡng chế
  • Là một biện pháp thi hành án dân sự
  • Được áp dụng đối với nhiều đối tượng
  • Được áp dụng thông qua thực hiện quyết định có hiệu lực bắt buộc thi hành

Theo Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 bao gồm các biện pháp sau:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
  • Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

>>> Xem thêm: Cưỡng chế là gì?

Thời gian cưỡng chế thi hành án dân sự

Thời gian thực hiện việc cưỡng chế thi hành án

Thời gian thực hiện việc cưỡng chế thi hành án

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 đã quy định rõ:

  • Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án.
  • Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này.

Như vậy, trong trường hợp mà người phải thi hành án có đủ điều kiện để thi hành án nhưng họ không tự nguyện thi hành, ngược lại tránh né việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 và Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014, thời gian cưỡng chế thi hành án được quy định như sau:

  • Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn này người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
  • Cơ quan thi hành án không được áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự đối với người bị thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

>>Xem thêm: Thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án

Chi phí phải chịu khi cưỡng chế thi hành án

Quy định về những khoản chi phí phải chịu

Quy định về những khoản chi phí phải chịu

Căn cứ theo 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi năm 2014) và Thông tư 200/2016/TT-BTC quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự do Bộ Tài chính, các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án được quy định cụ thể với 04 đối tượng: người phải thi hành án, người được thi hành án, người thứ ba trong thi hành án và Ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Người phải thi hành án chịu

  • Chi phí thông báo về cưỡng chế trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, báo chí), chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án (cán bộ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội và các thành phần khác).
  • Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu; thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án.
  • Chi phí cho việc định giá, định giá lại tài sản, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản như chi phí thẩm định giá, thẩm định giá lại tài sản, chi phí liên quan đến việc định giá trong trường hợp chấp hành viên thực hiện việc xác định giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014; chi bồi dưỡng cho các thành viên họp xác định giá, xác định giá lại tài sản; chi giám định tài sản; chi phí bán đấu giá tài sản.
  • Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; cho thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.
  • Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu: Cho thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, thuê địa điểm và các khoản chi phí thực tế hợp pháp khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu; Chi bồi dưỡng cho các đối tượng trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu.
  • Chi phí bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành quy định tại điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định 62/2015/NĐ-CP).
  • Chi phí kê biên, xử lý tài sản tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
  • Các khoản chi phí khác do pháp luật quy định phục vụ cho cưỡng chế.
  • Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì người phải thi hành án phải chịu mọi chi phí về việc cưỡng chế thi hành án. Cơ quan thi hành án có thể xét miễn hoặc giảm chi phí cưỡng chế thi hành án đối với từng trường hợp cụ thể.

Người được thi hành án dân sự phải chịu

  • Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá.
  • Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.
  • Chi phí kê biên, xử lý tài sản tương ứng với tỷ lệ số tiền, tài sản mà họ thực nhận.
  • Trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không đúng thì người đó phải thanh toán các khoản chi phí thực tế do việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đó.

Người thứ ba trong thi hành án phải chịu

  • Người thứ ba đang quản lý tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá mà bị cưỡng chế thi hành án thì phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
  • Người thứ ba là tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

Ngân sách Nhà nước phải chịu

  • Chi phí định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;
  • Chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp chủ động thi hành án;
  • Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ theo quy định khoản 1 Điều 43 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.
  • Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật

Trường hợp đương sự  được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án được quy định cụ thể tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP như sau:

  • Đương sự thuộc diện có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để sinh sống bình thường hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn hoặc thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài được xét giảm 1/2 chi phí cưỡng chế thi hành án phải nộp;
  • Đương sự thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng đã thi hành được ít nhất 1/2 chi phí cưỡng chế thì có thể được xét miễn chi phí cưỡng chế thi hành án còn lại.

Luật sư tư vấn về cưỡng chế thi hành án dân sự

  • Tư vấn các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự
  • Tư vấn về cưỡng chế thi hành án hình sự đối với cá nhân, pháp nhân thương mại
  • Đại diện liên hệ, làm việc trực tiếp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Tư vấn các vấn đề liên quan.

Trên đây là thông tin giải đáp về những khoản chi phí phải chịu khi cưỡng chế thi hành án. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan, hoặc cần luật sư dân sự tư vấn, giải đáp quý khách vui lòng gọi điện qua hotline 1900.633.716 của Văn Phòng Luật L24H để được để được tư vấn hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn.

>>Xem thêm: Tư vấn giải quyết tranh chấp tài sản bị cưỡng chế thi hành án

Scores: 4.5 (10 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,920 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716