Trường hợp nào được miễn, giảm phí thi hành án dân sự đã được pháp luật quy định khá cụ thể. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và chuyển đến giai đoạn thi hành án thì có trường hợp, người được cũng như người phải thi hành án dân sự sẽ được miễn, giảm hoặc không phải chịu phí thi hành án. Bài viết sau đây tôi sẽ giúp cho quý bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề mức thu phải nộp hoặc không phải nộp đối với loại phí này.
Một số trường hợp sẽ được giảm phí thi hành án
Phí thi hành án dân sự là gì?
Theo quy định, Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền theo bản án, quyết định của tòa án.
Trong đó, Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
Có thể thấy, pháp luật quy định đối tượng phải nộp phí thi hành án dân sự là người được thi hành án, cụ thể là người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.
Cơ sở pháp lý (CSPL): khoản 2, 7 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).
Người phải nộp phí thi hành án dân sự
Như đã đề cập bên trên, người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của tòa án thì phải nộp phí thi hành án, kể cả trường hợp người được thi hành án không phải là người đã nộp đơn yêu cầu thi hành án. Bên cạnh đó, căn cứ khoản 8 Điều 6 Thông tư 216/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành , quy định rằng đối với những vụ việc người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó các đương sự tự nguyện thi hành án trong thời hạn tự nguyện thi hành án.
Một số chủ thể sẽ phải nộp phí theo quy định
Đối với chi phí thi hành án sẽ được quy định như sau:
Thứ nhất, Người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
- Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;
- Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; cho thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;
- Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
Thứ hai, Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
- Chi phí định giá lại tài sản nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá;
- Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.
Thứ ba, Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:
- Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá;
- Chi phí xác minh điều kiện thi hành án;
- Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ;
- Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
CSPL: Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014).
Mức thu phí thi hành án dân sự là bao nhiêu?
Theo Điều 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC, ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự, như sau:
Thứ nhất, khoản 1 Điều 4 quy định rằng người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự sau:
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 190.000.000 đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 220.000.000 đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng;
- Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.
Thứ hai, đối với vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.
Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500.000.000 đồng và phải thanh toán cho ông A 200.000.000 đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án dân sự mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:
Số phí thi hành án dân sự ông A phải nộp là: 3% x 200.000.000 đồng = 6.000.000 đồng;
Số phí thi hành án dân sự bà B phải nộp là: 3% x (500.000.000 đồng – 200.000.000 đồng) = 9.000.000 đồng.
Thứ ba, đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi hành án dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.
Thứ tư, đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định tại khoản 1 Điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư này (theo đó thì tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự).
Thứ năm, trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận.
>> Xem thêm: Mẫu đơn yêu cầu thi hành án dân sự
Miễn, giảm phí thi hành án dân sự
Miễn phí thi hành án dân sự
Trường hợp được miễn phí thi hành án nhưng phải kèm thủ tục
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư số 216/2016/TT-BTC, ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự, quy định Người được thi hành án được miễn phí thi hành án dân sự trong trường hợp sau đây:
- Được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng;
- Thuộc diện neo đơn được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận; thuộc diện tàn tật hoặc ốm đau kéo dài có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận;
- Người được thi hành án xác minh chính xác sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án.
Như vậy, nếu Người được thi hành án dân sự thuộc các trường hợp trên thì sẽ không phải nộp phí thi hành án nhưng phải thông qua bước thủ tục nộp hồ sơ.
Giảm phí thi hành án dân sự
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư số 216/2016/TT-BTC, ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự, quy định Người được thi hành án được giảm phí thi hành án dân sự trong trường hợp sau đây:
- Giảm đến 80% phí thi hành án dân sự đối với người có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn hộ nghèo và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận;
- Giảm 30% phí thi hành án dân sự tương ứng với số tiền thực nhận từ việc xử lý tài sản của người phải thi hành án mà người được thi hành án xác minh chính xác khi yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án mà không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại;
- Giảm 20% phí thi hành án dân sự trong trường hợp quy định tại điểm b khoản này nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại.
Như vậy, nếu Người được thi hành án dân sự thuộc các trường hợp trên thì sẽ được giảm phí thi hành án nhưng phải thông qua bước thủ tục nộp hồ sơ.
Hồ sơ để được miễn, giảm phí thi hành án dân sự
Theo quy định thì để được miễn, giảm phí thi hành án dân sự, đương sự phải làm Đơn đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự, kèm theo các tài liệu có liên quan chứng minh điều kiện miễn, giảm.
Bên cạnh đó, Đơn đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự kèm theo các tài liệu liên quan được nộp cho tổ chức thu phí. Trường hợp đơn, tài liệu chưa đầy đủ thì tổ chức thu phí sẽ hướng dẫn người yêu cầu bổ sung theo quy định.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Thủ trưởng tổ chức thu phí có trách nhiệm xem xét, ra quyết định miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư này hoặc thông báo bằng văn bản cho người phải nộp phí biết về việc họ không được miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự và nêu rõ lý do.
Ngoài ra, việc xét miễn, giảm phí thi hành án dân sự thực hiện đối với từng quyết định thu phí thi hành án dân sự, trừ trường hợp người được xét miễn, giảm phí thi hành án dân sự thuộc trường hợp người được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp Luật ưu đãi người có công với cách mạng.
Bên cạnh đó, Mẫu đơn đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự là Mẫu số D07-THADS đơn đề nghị về việc miễn, giảm phí thi hành án được ban hành kèm theo thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục về quản lý hành chính và nghiệp vụ trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ tư pháp ban hành.
CSPL: khoản 3,4 Điều 7 Thông tư số 216/2016/TT-BTC, ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.
Tư vấn về việc miễn, giảm phí thi hành án dân sự
- Tư vấn các vấn đề pháp luật về phí thi hành án dân sự;
- Hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý khác liên quan đến thủ tục miễn, giảm phí thi hành án dân sự
- Soạn thảo hồ sơ miễn, giảm phí thi hành án dân sự
- Tư vấn, hỗ trợ các vấn đề trong quá trình thi hành án dân sự;
- Soạn thảo đơn yêu cầu thi hành án theo yêu cầu, đơn đề nghị xác minh điều kiện thi hành án và các đơn từ khác có liên quan hỗ trợ cho quá trình thi hành án dân sự.
>> Xem thêm: Mẫu đơn xin hoãn thi hành án dân sự
Như vậy, bài viết trên đã phần nào giúp cho quý bạn đọc hiểu hơn về các trường hợp được miễn, giảm cũng như không phải chịu phí thi hành án dân sự. Nếu Quý khách hàng còn thắc mắc hoặc cần Luật sư tư vấn luật dân sự miễn phí, hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài trực tuyến 1900.633.716 để được Luật sư tư vấn lắng nghe và tận tình giải đáp. Xin cảm ơn.