Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã là bao lâu?

Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND Xã là bao lâu? Tranh chấp đất đai là một trong những loại tranh chấp phức tạp nên trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp rất chặt chẽ. Điều này được thể hiện ở cả khâu tiền tố tụng lẫn trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp đất đai tại Tòa. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã cũng như hệ quả pháp lý của công tác hòa giải.

Hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã

Hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã

Các loại tranh chấp về đất đai

Tranh chấp đất đai

Căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 có quy định Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Khái niệm này quá rộng và không xác định rõ ràng về đối tượng tranh chấp trong tranh chấp đất đai

Thực chất, tranh chấp đất đai hay còn gọi là tranh chấp Quyền sử dụng đất là sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các chủ thể sử dụng đất trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất của một hoặc nhiều thửa đất nhất định

Tranh chấp liên quan đến đất đai

Tranh chấp liên quan đến đất đai là tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự liên quan đến đất đai.

Một số tranh chấp liên quan đến đất đai phổ biến có thể kể đến như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến Quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho,…); tranh chấp về di sản thừa kế là Quyền sử dụng đất; tranh chấp tài sản chung là Quyền sử dụng đất giữa vợ và chồng khi ly hôn;…

Hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã có bắt buộc không?

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì Nhà nước khuyến khích các bên trong tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc hòa giải ở cơ sở. Trong trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là một trong những trường hợp trả lại đơn khởi kiện

Đồng thời, căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị Quyết 04/2017/NĐ-CP, đối với tranh chấp đất đai mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp thì được xác định chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Như vậy, hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã là điều kiện bắt buộc trước khi khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đất đai.

Thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai

  • Hòa giải tranh chấp đất tại cấp cấp xã thuộc thẩm quyền thuộc Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Theo đó, chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. (khoản 2, 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013)
  • Đối với hòa giải tranh chấp đất đai trong quá trình tố tụng giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và thẩm phán sẽ là người điều hành phiên hòa giải (khoản 4 Điều 210 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

Hệ quả pháp lý của công tác hòa giải tranh chấp đất đai

Thứ nhất, Đối với hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã

Căn cứ vào khoản 4, 5 Điều 202 Luật Đất đai 2013; khoản 2, 4 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 57 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Nghị định 136/2018/NĐ-CP thì hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã sẽ có những hậu quả pháp lý sau:

  • Kết quả hòa giải phải được lập thành biên bản. Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành
  • Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tại khoản 5 Điều 202 Luật Đất đai 2013
  • Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

Như vậy, hòa giải tại Ủy ban Nhân nhân cấp xã như là một bên trung gian tổ chức và ghi nhận kết quả hòa giải chứ không được ra quyết định công nhận hay phân định Quyền sử dụng đất trong tranh chấp đất đai.

Thứ hai, Đối với hòa giải trong quá trình tố tụng giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án.

Cơ sở pháp lý: điểm d khoản 3 Điều 203 và Điều 212 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

  • Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải, biên bản phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia phiên họp, chữ ký của Thư ký Tòa án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên họp
  • Trong trường hợp hòa giải thành thì hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
  • Các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.
  • Trong trường hợp hòa giải không thành thì thẩm phán ra quyết định đưa vụ ra xét xử

Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai

Căn cứ khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013, điểm a khoản 3 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã là không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

>>> Xem thêm: Thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ có thể bao gồm các tài liệu sau:

  • Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các giấy tờ được quy; định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 (nếu có);
  • Trích lục thửa đất;
  • Căn cước công dân
  • Các giấy tờ khác có liên quan.

Bước 2: Một bên hoặc các bên tranh chấp gửi đơn đến Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải

Bước 3: Khi nhận được đơn đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai Ủy ban Nhân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

  • Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất
  • Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai
  • Tổ chức cuộc họp hòa giải

Bước 4: Lập biên bản hòa giải

Cơ sở pháp lý: điểm a, c khoản 1; khoản 2; khoản 4 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 57 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

Mẫu biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã

Mẫu biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã

>>> Xem thêm: Mẫu đơn tranh chấp đất đai gửi Ủy ban nhân dân xã giải quyết

Tư vấn thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai

  • Tư vấn cơ quan có thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai;
  • Hướng dẫn và chuẩn bị hồ sơ để gửi cơ quan có thẩm quyền hòa giải tranh chấp;
  • Soạn đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
  • Tư vấn về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định.

Luật sư hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ hòa giải tranh chấp đất đai

Luật sư hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ hòa giải tranh chấp đất đai

>>> Xem thêm: Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai

Hòa giải trong tranh chấp đất đai rất là cần thiết bởi nó giữ gìn được các mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên, giảm áp lực lên cơ quan giải quyết tranh chấp và mang tính khả thi hơn. Bên cạnh đó, hòa giải là thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai ra Tòa. Vì vậy, nếu khách hàng nào đang gặp những vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai cả về mặt nội dung lẫn mặt tố tụng thì có thể liên hệ Luật L24H qua Hotline: 1900.633.716 để được các Luật sư đất đai tư vấn tận tình trực tuyến miễn phí.

Scores: 4.5 (28 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,837 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716