Thủ tục yêu cầu thi hành bản án dân sự là một thủ tục tố tụng nhằm thực hiện những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thủ tục này được dùng để buộc đương sự chấp hành theo quyết định hoặc bản án dân sự. Bài viết dưới đây, Luật L24H sẽ cung cấp thông tin pháp lý về cách thức nộp hồ sơ , quy trình, thủ tục thực hiện để yêu cầu thi hành bản án dân sự, xin mời tham khảo.
Thủ tục yêu cầu thi hành bản án dân sự có hiệu lực
Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định như sau:
- Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
- Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
- Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Theo đó, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định dân sự có hiệu lực.
Đơn yêu cầu thi hành bản án dân sự
Mẫu đơn yêu cầu thi hành án dân sự
Căn cứ theo khoản 1 Điều 31 Luật thi hành án Dân sự 2008 (sửa đổi,bổ sung 2014), đơn yêu cầu theo Mẫu số: D 01-THADS (Ban hành theo Thông tư số: 04/2023/TT-BTP ngày 14/08/2023 của Bộ Tư pháp) có các nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
- Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
- Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
- Nội dung yêu cầu thi hành án;
- Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
- Ngày, tháng, năm làm đơn
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
>>>Xem thêm:Mẫu đơn yêu cầu thi hành án dân sự
Nộp đơn thi hành án dân sự ở đâu?
Đương sự nộp đơn thi hành án dân sự đến Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền (cấp huyện, cấp tỉnh hoặc quân khu theo quy định tại Điều 35 Luật thi hành án Dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014)
Để nộp đơn thi hành án dân sự, người yêu cầu thi hành án có thể thực hiện theo một trong hai cách sau:
Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện đến cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu.
CSPL: Điều 31 Luật thi hành án Dân sự 2008 (sửa đổi,bổ sung 2014)
Trình tự, thủ tục yêu cầu thi hành bản án dân sự
Hồ sơ
- Đơn yêu cầu thi hành án dân sự: Mẫu số: D 01-THADS ban hành theo Thông tư số: 04/2023/TT-BTP
- Bản án/ quyết định được thi hành có hiệu lực
- Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân
- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có)
Trình tự, thủ tục
Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự sẽ thực hiện các thủ tục sau:
Bước 1: Kiểm tra tính hợp lệ của đơn yêu cầu thi hành án và các tài liệu kèm theo,
Bước 2: Tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc thi hành án:
Bước 3: Ra quyết định thi hành án
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 26 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.
- Đối với quyết định quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 26 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014 thì phải ra ngay quyết định thi hành án.
- Đối với quyết định quy định tại điểm e khoản 2 Điều 26 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014 thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.
Bước 4: Gửi quyết định thi hành án:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
- Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án
Bước 5: Thông báo về việc thi hành án:
- Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
- Thời hạn thông báo thi hành án là 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Bước 6: Xác minh điều kiện thi hành án
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án, mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh.
- Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Bước 7: Cưỡng chế thi hành án
- Biện pháp cưỡng chế thi hành án được áp dụng khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án người phải thi hành án có điều kiện để thi hành án mà không tự nguyện thi hành án
Bước 8: Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án: sau khi thanh toán chi phí thi hành án và khoản tiền thuê theo khoản 5 Điều 155 Luật Thi hành án dân sự, số tiền thi hành án được thanh toán theo thứ tự sau:
- Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;
- Án phí;
- Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định
Bước 9: Kết thúc thi hành án
Theo quy định tại điều 52 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau:
- Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
- Có quyết định đình chỉ thi hành án.
CSPL: Điều 31 – Điều 52 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014
Luật sư hướng dẫn thủ tục thi hành án dân sự
Tư vấn về thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự
- Tư vấn, hướng dẫn viết đơn, nộp đơn, đóng án phí, yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, các thủ tục khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo,…
- Đưa ra giải pháp định hướng tối ưu hóa quyền lợi khách hàng.
- Soạn thảo văn bản pháp lý theo vụ việc hoặc theo yêu cầu
- Làm việc với cơ quan nhà nước trong các thủ tục tố tụng dân sự và khi khách hàng thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo những vấn đề liên quan.
- Đại diện theo ủy quyền cho khách hàng thực hiện các công việc theo yêu cầu
Yêu cầu thi hành án dân sự là quyền của đương sự. Để thực hiện quyền này, người yêu cầu thi hành án cần thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để thực hiện việc yêu cầu thi hành án dân sự một cách hiệu quả nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bài viết trên Luật L24H đã cung cấp thông tin pháp lý về thủ tục yêu cầu thi hành bản án dân sự, nếu có thắc mắc cần luật sư tư vấn luật dân sự hỗ trợ hoặc muốn sử dụng Dịch vụ luật sư giải quyết thi hành án dân sự vui lòng liên hệ qua Hotline 1900.633.716 để được luật sư dân sự hướng dẫn tư vấn trực tuyến miễn phí.