Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân

Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là vấn đề được nhiều người lao động, công ty quan tâm khi tranh chấp lao động ngày càng nhiều. Trừ một số trường hợp luật định, hòa giải là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho Quý khách hàng quy định về trình tự, thủ tục hòa giải của tranh chấp lao động cá nhân.

Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân

Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân

Thế nào là tranh chấp lao động cá nhân?

Theo quy định thì tranh chấp lao động cá nhân được hiểu là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa người lao động với người sử dụng lao động trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động.

Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019.

Tranh chấp lao động cá nhân có buộc phải hòa giải?

Tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

  • Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
  • Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Như vậy, về nguyên tắc thì tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải hòa giải bởi Hòa giải viên lao động trừ một số trường hợp ngoại lệ luật định nêu trên.

Căn cứ pháp luật: khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.

Tham khảo thêm về: Mẫu đơn đề nghị hòa giải tranh chấp lao động

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động 2019, hòa giải viên lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Hòa giải viên lao động được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động cá nhân.

Theo quy định tại Điều 95 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì việc cử hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ hòa giải do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện theo phân cấp trong quy chế quản lý hòa giải viên lao động. Do đó, thẩm quyền hòa giải viên lao động sẽ phụ thuộc vào phân cấp trong quy chế mỗi địa phương.

Một hòa giải viên lao động phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định pháp luật về hòa giải viên lao động:

  • Thứ nhất, về chủ thể, hòa giải viên lao động phải là công dân Việt Nam có năng lực dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt;
  • Thứ hai, về năng lực, hòa giải viên lao động phải có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan đến quan hệ lao động;
  • Thứ ba, về lý lịch tư pháp: hòa giải viên lao động không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 184 Bộ luật Lao động 2019, Điều 92 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Tham khảo thêm về: Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân

Hồ sơ hòa giải

Hồ sơ yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

  • Đơn yêu cầu hòa giải;
  • Bản sao công chứng, chứng thực căn cước công dân, chứng minh thư của người có yêu cầu;
  • Hợp đồng lao động;
  • Tài liệu khác liên quan đến tranh chấp.

Trình tự hòa giải

Trình tự hòa giải tranh chấp lao động cá nhân được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu hòa giải

Các bên trong tranh chấp gửi đơn yêu cầu hòa giải tới hòa giải viên hoặc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Như trình bày trên thì việc cử hòa giải viên lao động thực hiện nhiệm vụ hòa giải do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện theo phân cấp trong quy chế quản lý hòa giải viên lao động.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, theo phân cấp quản lý, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phân loại và có văn bản cử hòa giải viên lao động giải quyết theo quy định.

Trường hợp hòa giải viên lao động trực tiếp nhận đơn yêu cầu từ đối tượng tranh chấp đề nghị giải quyết thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận đơn, hòa giải viên lao động phải chuyển cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đang quản lý hòa giải viên lao động để phân loại xử lý.

Bước 2: Tiến hành Phiên họp hòa giải

  • Tại phiên họp hòa giải, các bên tranh chấp đều phải có mặt, các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
  • Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.
  • Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
  • Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
  • Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.
  • Biên bản hòa giải thành và biên bản hòa giải không thành đều phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân, hòa giải viên phải kết thúc việc hòa giải.
  • Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Như vậy, về cơ bản thủ tục hòa giải sẽ gồm các bước trên.

Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 181, khoản 2, 3, 4 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo thủ tục hòa giải

Theo quy định thì thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định và người có yêu cầu có thể chứng minh thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Căn cứ pháp lý: khoản 1, 4 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019.

Thời hiệu yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân

Thời hiệu yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động cá nhân

Tranh chấp lao động cá nhân hòa giải không thành thì làm gì?

Trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

  • Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết;
  • Yêu cầu Tòa án giải quyết.

Căn cứ pháp lý: khoản 7 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Một số lĩnh vực luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

  • Tư vấn thủ tục khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, thủ tục hòa giải lao động, trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại…
  • Tư vấn điều kiện khởi kiện vụ án lao động cá nhân
  • Soạn thảo hồ sơ, giấy tờ liên quan trong quá trình tố tụng.
  • Tư vấn quyền khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân
  • Tư vấn thời hiệu khởi kiện vụ án lao động cá nhân
  • Xác định căn cứ giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
  • Đưa ra hướng xử lý vấn đề nhằm giúp khách hàng giải quyết tranh chấp lao động
  • Soạn thảo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu,…chuẩn bị hồ sơ liên quan đến thủ tục khởi kiện
  • Soạn thảo đơn khiếu nại, đơn tố cáo hành vi vi phạm của cơ quan tố tụng khi quyền lợi của khách hàng bị xâm phạm;
  • Đại diện khách hàng tham gia Giải quyết tranh chấp lao động tại các cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động

Như vậy, thủ tục hòa giải là thủ tục bắt buộc đối với tranh chấp lao động cá nhân, trừ trường hợp pháp luật quy định là không bắt buộc hòa giải. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến quy định về thủ tục hòa giải hoặc muốn được tư vấn giải quyết vấn đề của mình, vui lòng liên hệ Luật L24H qua số điện thoại tổng đài: 1900633716 để được Luật sư tư vấn luật lao động tư vấn trực tiếp miễn phí.

Scores: 4.9 (30 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,833 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716