Hội đồng trọng tài lao động là chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019. Những thắc mắc xoay quanh chủ thể này như: tiêu chuẩn trọng tài viên, Hội đồng trọng tài do ai thành lập, có bao nhiêu thành viên,…được nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc này, đồng thời cung cấp quy định pháp luật liên quan đến Hội đồng trọng tài lao động.
Hội đồng trọng tài lao động
Điều kiện, tiêu chuẩn trọng tài viên lao động
Để trở thành một trọng tài viên lao động, cá nhân phải đáp ứng đủ 05 điều kiện, tiêu chuẩn luật định sau:
- Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, công tâm.
- Có trình độ đại học trở lên, hiểu biết pháp luật và có ít nhất 05 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
- Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành bản án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
- Được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề cử làm trọng tài viên lao động.
- Không phải là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án.
Căn cứ pháp lý: Điều 98 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (sau đây gọi là Nghị định 145/2020/NĐ-CP).
Thành lập Hội đồng trọng tài lao động
Hội đồng trọng tài lao động do ai thành lập
Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập với nhiệm kỳ 05 năm, bao gồm các Trọng tài viên được bổ nhiệm theo quy định pháp luật, trong đó:
- Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm trọng tài viên lao động, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
- Thư ký Hội đồng là công chức Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được bổ nhiệm trọng tài viên lao động, là thường trực của Hội đồng, làm việc theo chế độ chuyên trách;
- Thành viên khác của Hội đồng là các trọng tài viên lao động còn lại, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 101 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Thẩm quyền thành lập Hội đồng trọng tài
Hội đồng trọng tài lao động bao nhiêu thành viên
Số lượng thành viên của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 thành viên, bao gồm số lượng ngang nhau do các bên đề cử, cụ thể:
- Tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Tối thiểu 05 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử;
- Tối thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 185 Bộ luật Lao động 2019.
Bổ nhiệm trọng tài lao động
Việc bổ nhiệm trọng tài viên lao động được thực hiện như sau:
- Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đề cử người tham gia làm trọng tài viên lao động gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề cử, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, thẩm định, đồng thời đề cử trọng tài viên lao động để tổng hợp chung, trình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định bổ nhiệm trọng tài viên lao động để tham gia Hội đồng trọng tài lao động.
Căn cứ pháp lý: khoản 1, 2, 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Hồ sơ đề cử
Hồ sơ đề cử trọng tài viên lao động bao gồm:
- Văn bản đề nghị của cơ quan đề cử;
- Đơn đề nghị tham gia làm trọng tài viên lao động của người được đề cử;
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế;
- Bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ liên quan.
Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 99 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Trách nhiệm của Hội đồng trọng tài lao động
Hội đồng trọng tài lao động có các trách nhiệm sau:
- Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích;
- Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ở nơi sử dụng lao động không được đình công;
- Giải quyết tranh chấp lao động khác theo quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;
- Định kỳ hằng năm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh kết quả hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.
Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 101 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của hội đồng trọng tài lao động
Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động sau:
- Tranh chấp lao động cá nhân;
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền;
- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Căn cứ pháp lý: Điều 189, Điều 193, Điều 197 Bộ luật Lao động 2019.
Tham khảo thêm một số tình huống tranh chấp lao động, hướng giải quyết tranh chấp Luật L24H đã chia sẻ:
- Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
- Giải quyết tranh chấp lao động tập thể
- Giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài
Tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài lao động
Một số lĩnh vực luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài lao động:
- Tư vấn điều kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài lao động;
- Tư vấn hồ sơ, thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lao động;
- Tư vấn thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lao động;
- Xác định căn cứ giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tập thể;
- Tư vấn phương án giải quyết tranh chấp lao động tối ưu;
- Luật sư soạn thảo văn bản pháp lý hỗ trợ trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động;
- Luật sư tham gia phiên làm việc với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động để bảo vệ quyền lợi khách hàng
>>Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư tranh tụng
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp lao động
Trọng tài lao động là một phương thức giải quyết tranh chấp lao động mà pháp luật cho phép áp dụng. Người lao động, người sử dụng lao động cần hiểu rõ và tuân theo quy định về phương thức này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bài viết trên đây, Luật L24H đã cung cấp thông tin cụ thể về Hội đồng Trọng tài, nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào cần tư vấn luật lao động hoặc sử dụng Dịch vụ luật sư lao động tư vấn tranh chấp lao động, vui lòng liên hệ qua số điện thoại: 1900633716 để được luật sư chuyên môn tư vấn hỗ trợ kịp thời hiệu quả nhất.