Thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Bình Dương là hoạt động được nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các thương nhân nước ngoài tăng cường đầu tư thể hiện bằng việc nhiều công ty, văn phòng đại diện nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Bài viết này, Luật L24h cung cấp cho Quý khách hàng quy định pháp luật Việt Nam và giới thiệu dịch vụ tư vấn về vấn đề này .
Thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài
Điều kiện thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài
Căn cứ Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, điều kiện cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài như sau:
- Công ty nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhân;
- Công ty nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
- Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của công ty nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
- Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc công ty nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).
Vậy, công ty nước ngoài muốn được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Bình Dương hay bất kỳ tỉnh thành nào trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ các điều kiện trên.
Các trường hợp không cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài
Căn cứ Điều 14 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, cơ quan cấp Giấy phép không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho công ty nước ngoài trong những trường hợp sau:
- Thương nhân nước ngoài không đáp ứng đủ các điều kiện thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam.
- Thương nhân nước ngoài chỉ kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Thương nhân nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian 02 năm, kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
- Có bằng chứng cho thấy việc thành lập Văn phòng đại diện công ty nước ngoài gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường.
- Nộp hồ sơ không hợp lệ và không bổ sung đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Như vậy, nếu công ty nước ngoài thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Trình tự, thủ tục thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài
Thẩm quyền giải quyết
Căn cứ Điều 5 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện như sau:
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao thực hiện việc cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
- Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là Ban quản lý) thực hiện việc cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đặt trụ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Như vậy, tùy từng trường hợp khác nhau, doanh nghiệp nước ngoài muốn thành lập văn phòng đại diện có thể nộp hồ sơ đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Hồ sơ cần chuẩn bị
Căn cứ Điều 10 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, để yêu cầu cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài, đại diện có thẩm quyền của công ty nước ngoài cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như sau:
- Đơn đề nghị thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam;
- Bản hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi công ty nước ngoài thành lập xác nhận;
- Văn bản bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện của công ty nước ngoài;
- Bản dịch công chứng báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
- Bản dịch công chứng hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng đại diện;
- Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện bao gồm:
- Hợp đồng thuê văn phòng sao y chứng thực;
- Bản công chứng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên cho thuê (nếu thuê của doanh nghiệp cần cung cấp thêm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh bất động sản);
- Ngoài ra, địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện công ty nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh lao động và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật
Lưu ý: Toàn bộ hồ sơ cấp phép thành lập văn phòng đại diện do công ty mẹ ký và đóng dấu hồ sơ. Trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài không có dấu thì toàn bộ hồ sơ phải hợp pháp hóa lãnh sự.
Như vậy, đại diện có thẩm quyền của công ty nước ngoài phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm các tài liệu nêu trên khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định
Thủ tục thực hiện
Căn cứ Điều 11 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện:
Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép nơi dự kiến đặt Văn phòng đại diện.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết hồ sơ:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.
- Trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
- Trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP và trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Cơ quan cấp Giấy phép, Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép thành lập Văn phòng đại diện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Bước 3: Nhận kết quả đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện từ cơ quan chức năng.
Tham khảo thêm về: Thủ tục thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài
Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Bình Dương
Để hỗ trợ khách hàng thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của Công ty nước ngoài, Luật L24H cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý sau:
- Tư vấn các điều kiện để công ty nước ngoài được cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện;
- Tư vấn, hướng dẫn các thủ tục xin cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện đầy đủ, theo đúng trình tự pháp luật quy định;
- Soạn thảo văn bản, đơn từ và hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ;
- Nhận đại diện theo ủy quyền để thay mặt khách hàng thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện;
- Khiếu nại, tố cáo trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền có hành vi hành chính trái quy định pháp luật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
- Giải đáp các vướng mắc trong suốt quá trình xin cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện.
Luật sư tư vấn thành lập Văn phòng đại diện
Như vậy, việc thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Bình Dương phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về điều kiện, hồ sơ, thủ tục. Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Bình Dương sẽ giúp Quý khách hàng thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép nhanh chóng, thuận lợi. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào hoặc đặt lịch tư vấn, vui lòng liên hệ chúng tôi qua 1900633716 để được Luật sư tư vấn doanh nghiệp hỗ trợ.