Trình tự thủ tục bồi thường thu hồi đất theo quy định mới nhất 2024

Trình tự thủ tục bồi thường thu hồi đất được thực hiện khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc theo các căn cứ khác theo quy định pháp luật. Việc nắm rõ các quy định pháp luật đất đai về bồi thường thu hồi đất, giải phóng mặt bằng giúp người dân chủ động tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Nguyên tắc bồi thường và thủ tục bồi thường thu hồi đất sẽ được trình bày qua bài viết dưới đây.

Trình tự thủ tục bồi thường thu hồi đất

Trình tự thủ tục bồi thường thu hồi đất

Thế nào là thu hồi đất?

Theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.

Nhà nước tiến hành thu hồi đất theo quy định tại Điều 16 Luật Đất đai 2013 được thực hiện khi:

  • Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
  • Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
  • Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Như vậy, không phải lúc nào Nhà nước cũng được thu hồi đất của người dân mà cần phải thuộc diện thu hồi theo quy định tại Điều 16, từ Điều 61 đến 65 Luật Đất đai năm 2013.

Các nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Căn cứ theo Điều 74 Luật đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:

  • Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thườngquy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.
  • Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất;
  • Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 75 Luật Đất đai 2013 thì xét về đủ điều kiện được bồi thường như sau:

  • Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp.
  • Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp.
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
  • Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận thừa kế quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp
  • Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp.
  • Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp.

>>Xem thêm: Quy định về mức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất

Sau khi có Thông báo thu hồi đất, cơ quan có thẩm quyền thực hiện Điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất để xác định diện tích, loại đất và giá trị tài sản từ đó lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bồi thường về đất, tài sản

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường theo quy định tại Điều 88 Luật Đất đai 2013.

Tại quy định ở Điều 75 Luật Đất đai năm 2013, điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như đã đề cập ở trên.

Nếu người đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được bồi thường theo Điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP:

  • Khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 101 và Điều 102 của Luật Đất đai, các Điều 20, 22, 23, 25, 27 và 28 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được bồi thường về đất.
  • Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng tiền thì số tiền bồi thường phải trừ khoản tiền nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

>> Xem thêm: Đất không có giấy chứng nhận có được bồi thường khi bị thu hồi?

Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi

Khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài việc được bồi thường theo quy định thì hộ gia đình, cá nhân người sử dụng đất còn được xem xét hỗ trợ ổn định đời sống hoặc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối trong một số trường hợp cụ thể.

Luật quy định các đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP bổ sung tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP với các điều kiện tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP):

  • Đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013 và điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP;
  • Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất.

Căn cứ khoản 1 Điều 84 Luật Đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

  • Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

  • Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ mà nguồn thu nhập chính là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh; trường hợp người có đất thu hồi còn trong độ tuổi lao động thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

Hỗ trợ, tái định cư

Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 83 Luật đất đai năm 2013 được hướng dẫn bởi Điều 22 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP về hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở. Theo đó được thực hiện như sau:

  • Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu quy định tại Điều 27 của Nghị  định số 47/2014/NĐ-CP thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất
  • Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy mô diện tích đất ở thu hồi, số nhân khẩu của hộ gia đình và điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp

Căn cứ khoản 2 Điều 85 Luật Đất đai năm 2013 quy định nguyên tắc lập và thực hiện dự án tái định cư được quy định như sau:

  • Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.
  • Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.

Ngoài ra, việc bố trí tái định cư được thực hiện theo quy định tại Điều 86 Luật Đất đai năm 2013 như sau:

  • Thứ nhất, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho người có đất ở thu hồi thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư.

Nội dung thông báo gồm địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà tái định cư; dự kiến bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi.

  • Thứ hai, Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng.

Phương án bố trí tái định cư đã được phê duyệt phải được công bố công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư

  • Thứ ba,Giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
  • Thứ tư, Trường hợp người có đất thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu.

Quy định về suất định cư tối thiểu được quy định chi tiết tại Điều 27 Nghị định 47/2014/NĐ-CP.

Như vậy, sau khi được cấp đất tái định cư, người sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tuy nhiên, chủ thể bồi thường và mức bồi thường có thể khác biệt nếu bồi thường thu hồi đất thuộc một trong các trường hợp tại Điều 87 Luật Đất đai năm 2013.

Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

>> Xem thêm: Người Việt ở nước ngoài bị thu hồi đất có được hỗ trợ tái định cư

Khi không được bồi thường đúng luật cần làm gì?

Tại khoản 1 Điều 2014 Luật đất đai năm 2013 quy định: người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Do đó, trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có đủ căn cứ cho rằng việc bồi thường của Nhà nước khi thu hồi đất là không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật

>> Xem thêm: Khiếu nại về bồi thường thu hồi đất

 

Tư vấn bồi thường thu hồi đất theo quy định mới nhất

  • Tư vấn quy định về mức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất;
  • Tư vấn bồi thường thiệt hại về nhà và tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất;
  • Tư vấn bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất;
  • Tư vấn về cách xác định giá đất đền bù đất khi bồi thường thu hồi đất;
  • Tư vấn giải quyết tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
  • Tư vấn trình tự, thủ tục bồi thường thu hồi đất;
  • Hỗ trợ tư vấn, soạn thảo đơn khiếu nại, khởi kiện đối với các quyết định hành chính của cơ quan quản lý đất đai;
  • Đại diện Quý khách hàng làm việc với các cơ quan có thẩm quyền.

Tư vấn trình tự thủ tục bồi thường thu hồi đất

Tư vấn trình tự thủ tục bồi thường thu hồi đất

>>> Tham khảo thêm: Trình tự thủ tục cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng

Trình tự thủ tục bồi thường thu hồi đất được nhà nước quy định khá rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Người dân cần nắm bắt được những nội dung cần thiết để biết mình có đáp ứng các điều kiện được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất hay không. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình bồi thường về đất hay hỗ trợ tái định cư cũng như vướng mắc khi làm đơn khiếu nại, Quý khách hàng có thể liên hệ ngay cho chúng tôi qua hotline: 1900.633.716 để được luật sư tư vấn vấn luật đất đai giải đáp kịp thời và chính xác nhất.

>>> Tham khảo thêm về dịch vụ: Luật sư tư vấn bồi thường về đất đai khi nhà nước thu hồi đất

Scores: 4.7 (11 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,914 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716