Quy định về Hợp đồng đào tạo nghề và chi phí đào tạo mới nhất

Quy định về Hợp đồng đào tạo và chi phí đào tạo được đông đảo người lao động, người sử dụng lao động quan tâm khi ngày nay, việc tập nghề, học nghề, cử người lao động đi đào tạo ngày càng phổ biến. Nắm rõ các quy định này sẽ giúp chủ thể giao kết hợp đồng tránh các vi phạm không đáng có. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho Quý khách hàng quy định pháp luật lao động về hợp đồng đào tạo nghề và việc chi trả chi phí đào tạo.

Quy định về Hợp đồng đào tạo và chi phí đào tạo

Quy định hợp đồng đào tạo nghề và chi phí đào tạo

Quy định pháp luật về hợp đồng đào tạo nghề

Thế nào là hợp đồng đào tạo nghề

Căn cứ theo khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, Hợp đồng đào tạo nghề là sự giao kết bằng văn bản về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Đối với trường hợp học nghề, tập nghề thì phải ký hợp đồng đào tạo. Căn cứ theo khoản 1 Điều 39 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Hợp đồng đào tạo là sự giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lớp đào tạo nghề, tổ chức, cá nhân với người học tham gia các chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại điểm a, b, c và d Điều 40 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và trong trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp.

Điều kiện hợp đồng đào tạo nghề có hiệu lực

Để hợp đồng đào tạo nghề, hợp đồng đào tạo có hiệu lực thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, điều kiện về chủ thể hợp đồng:

  • Đối với trường hợp giao kết hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động và người lao động thì điều kiện chủ thể tương tự như điều kiện về chủ thể khi giao kết hợp đồng lao động, có năng lực pháp luật dân sự đầy đủ.
  • Đối với trường hợp giao kết hợp đồng đào tạo tạo giữa đơn vị đào tạo, doanh nghiệp với người tập nghề, học nghề thì người học nghề, tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, tập thể thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì phải đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.

Thứ hai, việc ký kết hợp đồng phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí và trung thực, không được trái pháp luật

Thứ ba, việc học nghề, tập nghề hoặc khóa đào tạo cho người lao động không vi phạm nghề cấm, không trái đạo đức xã hội.

Thứ tư, điều kiện về hình thức hợp đồng:

  • Đối với hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động và người lao động thì phải lập thành văn bản.
  • Đối với hợp đồng đào tạo giữa đơn vị đào tạo, doanh nghiệp với người học nghề, tập nghề thì có thể bằng lời nói hoặc văn bản.

Ngoài ra, hợp đồng đào tạo với người tập nghề, học nghề thì không quá 03 tháng.

Thứ năm, về nội dung hợp đồng, hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau:

  • Nghề đào tạo;
  • Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
  • Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
  • Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
  • Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
  • Trách nhiệm của người lao động.

Căn cứ pháp lý: Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Điều 61, Điều 62 Bộ luật Lao động 2019.

Tham khảo thêm:

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng đào tạo nghề

Hợp đồng đào tạo nghề chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  • Hợp đồng đã được hoàn thành, tức là người lao động đã hoàn thành khóa học và thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng;
  • Theo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng của các bên;
  • Người lao động giao kết hợp đồng chết, công ty giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng do chính người lao động, công ty đó thực hiện;
  • Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
  • Hợp đồng không thể thực hiện được do khóa đào tạo không còn.

Căn cứ pháp lý: Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Chấm dứt hợp đồng đào tạo nghề

Chấm dứt hợp đồng đào tạo nghề

Quy định pháp luật về chi phí đào tạo

Chi phí đào tạo nghề bao gồm những gì?

Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ, bao gồm:

  • Chi phí trả cho người dạy;
  • Tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành;
  • Các chi phí khác hỗ trợ cho người học;
  • Tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học;
  • Chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo đối với trường hợp được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019

Chi phí đào tạo do ai chi trả

Căn cứ theo khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019,, chi phí đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài cho người lao động sẽ do người sử dụng lao động, doanh nghiệp nhận người tập nghề, học nghề chi trả.

Doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì hợp đồng có nội dung gì?

Doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì giữa doanh nghiệp và người được nhận (người tập nghề, người học nghề) sẽ giao kết hợp đồng đào tạo với các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, bao gồm:

  • Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;
  • Địa điểm đào tạo;
  • Thời gian hoàn thành khóa học;
  • Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
  • Thanh lý hợp đồng;
  • Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
  • Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
  • Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;
  • Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo;
  • Trong trường hợp, hợp đồng đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề tại doanh nghiệp thì phải có thêm thỏa thuận về thời gian bắt đầu được trả công và mức tiền công trả cho người học theo thời gian.

Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 39 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Tham khảo thêm bài viết: Có phải bồi thường chi phí đào tạo khi không có cam kết

Người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo nghề trong trường hợp nào?

Người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:

Nếu trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề thỏa thuận điều khoản về hoàn trả chi phí đào tạo thì người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo theo đúng thỏa thuận;

Nếu trong hợp đồng không có cam kết mà người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật trong thời gian đào tạo hoặc sau khi đào tạo thì người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 62, Điều 40 Bộ luật Lao động 2019.

>>> Xem thêm: Khi nào người lao động phải bồi thường chi phí đào tạo?

Hợp đồng đào tạo nghề không quy định về chi phí đào tạo có bị xử phạt không?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau:

  • Ngành nghề đào tạo;
  • Thời gian, địa điểm và tiền lương trong thời gian người lao động được đào tạo;
  • Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
  • Chi phí liên quan đến đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
  • Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi thực hiện chương trình đào tạo;
  • Trách nhiệm của người lao động khi cho người lao động thực hiện chương trình đào tạo.

Như vậy, chi phí đào tạo là một trong các nội dung chủ yếu trong hợp đồng đào tạo nghề, nếu không có điều khoản này trong hợp đồng thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền theo một trong các mức sau:

  • Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Mức phạt tiền này áp dụng cho cá nhân, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp đôi.

Căn cứ pháp lý: Điều 6, Điều 14 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Xem thêm: Trách nhiệm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đào tạo

Luật sư tư vấn soạn thảo về hợp đồng đào tạo nghề và chi phí đào tạo

Một số lĩnh vực luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng đào tạo nghề và chi phí đào tạo như sau:

  • Tư vấn về điều kiện giao kết hợp đồng đào tạo nghề;
  • Tư vấn về hiệu lực hợp đồng đào tạo nghề;
  • Tư vấn soạn thảo hợp đồng đào tạo nghề đúng quy định pháp luật;
  • Tư vấn các loại chi phí đào tạo trong hợp đồng đào tạo nghề;
  • Tư vấn điều khoản hoàn trả chi phí đào tạo trong hợp đồng đào tạo nghề.
  • Hỗ trợ soạn thảo hợp đồng đào tạo nghề, các tài liệu, văn bản có liên quan đến đào tạo nghề;
  • Tư vấn giải quyết tranh chấp bồi thường phí đào tạo
  • Tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động liên quan đào tạo nghề.

Luật sư lao động tư vấn soạn thảo hợp đồng đào tạo nghề

Luật sư lao động tư vấn soạn thảo hợp đồng đào tạo nghề

Quy định pháp luật về hợp đồng đào tạo nghề và chi phí đào tạo là nội dung quan trọng mà các bên cần quan tâm khi ký hợp đồng đào tạo nghề. Nắm rõ các quy định này giúp các bên giao kết hợp đồng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Nếu có thắc mắc về bài viết hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn hợp đồng, vui lòng liên hệ Luật L24H qua số hotline 1900.633.716 để được Luật sư chuyên môn trực tiếp tư vấn hỗ trợ.

Scores: 4.9 (36 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,842 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716