Mẫu hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa mới nhất 2024

Mẫu hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa là một trong những công cụ pháp lý quan trọng giúp đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình giao dịch thương mại. Khi thực hiện giao dịch mua bán về hàng hóa thì các bên thường lựa chọn áp dụng hình thức hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa để đưa ra các định hướng cơ bản trước khi ký kết hợp đồng chính thức khác nhằm đảm bảo tính pháp lý, tránh các tranh chấp hợp đồng có thể phát sinh. Để hiểu rõ hơn về bản chất hợp đồng và tham khảo mẫu hợp đồng nguyên tắc hàng hóa mới nhất, Luật L24H xin kính mời quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Mẫu hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa

Mẫu hợp đồng nguyên tắc trong mua bán hàng hóa

Hợp đồng nguyên tắc là gì?

Hiện nay, pháp luật không đưa ra định nghĩa chính xác về hợp đồng nguyên tắc. Hợp đồng nguyên tắc ra đời do nhu cầu của các bên trong giao dịch, đặc biệt là giao dịch thương mại.

Theo quy định Điều 385 Bộ Luật Dân sự 2015 hợp đồng được quy định là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”. Nguyên tắc về luật pháp, đó là một quy tắc phải được hoặc thường là phải tuân theo.

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng nguyên tắc là một loại hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên nhưng không quy định cụ thể một vấn đề nào mà chỉ mang tính chất định hướng, được xem là hợp đồng cơ sở để ký kết hợp đồng chính thức. Hợp đồng nguyên tắc được gọi với cái tên khác là thỏa thuận nguyên tắc.

Bản chất hợp đồng nguyên tắc chính là giao dịch có điều kiện trong tương lai. Khi phát sinh một sự kiện, hành động cụ thể nào đó thì các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng nguyên tắc đã lập mới phát huy hiệu lực.

>>> Tham khảo thêm về: Hợp đồng nguyên tắc là gì?

Các điều khoản cần có trong hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa.

Hợp đồng mua, bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân hoặc giữa thương nhân với tổ chức, cá nhân khác, theo đó bên bán giao hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán, còn bên mua nhận hàng hóa và thanh toán cho bên bán.

Để hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa có hiệu lực cần phải tôn trọng các điều kiện, nội dung của hợp đồng.

Chủ thể ký kết hợp đồng

Chủ thể ký kết trong hợp đồng sẽ bao gồm 2 chủ thể: Cá nhân, tổ chức. Vì vậy cần xác định rõ chủ thể sẽ tham gia ký kết là chủ thể nào. Nếu chủ thể là tổ chức thì người ký hợp đồng phải là đại diện hợp pháp của tổ chức

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa

Đối tượng của hợp đồng, số lượng, khối lượng hoặc giá trị quy ước đã thỏa thuận.

Trong đó:

  • Đối tượng của hợp đồng là điều khoản về tên hàng;
  • Điều khoản về số lượng xác định bằng các đơn vị tính số lượng, trọng lượng, khối lượng, chiều dài diện tích

Chất lượng, chủng loại, yêu cầu kỹ thuật hàng hóa

Chất lượng hàng hóa được ghi trong hợp đồng là các đặc tính, các quy cách, tác dụng hiệu suất. Nghĩa là xác định các tính chất hữu ích bên trong và hình thái bên ngoài của hàng hóa bao gồm các thuộc tính tự nhiên và ngoại hình của hàng đó trong hợp đồng mua bán chất lượng là cơ sở để hai bên mua bán, đàm phán về giao nhận hàng và quyết định mức giá cả của hàng hóa.

Nếu chất lượng không phù hợp với thỏa thuận, bên mua có quyền đòi bồi thường thiệt hại sửa chữa thay thế hàng đến mức có thể từ chối nhận hàng và hủy bỏ hợp đồng.

Giá cả hàng hóa

Giá cả là một điều khoản đặc biệt quan trọng, là điều khoản trung tâm của hợp đồng. Các bên mua bán đều tranh thủ đặt giá cả có lợi cho phía mình.

Thời hạn và phương thức thanh toán

Điều khoản này cần quy định rõ thời hạn thanh toán, đồng tiền thanh toán, hình thức thanh toán và các tài liệu chứng từ làm căn cứ để thanh toán.

  • Thời hạn thanh toán: Các bên có thể quy định trong một khoảng thời gian phù hợp nhất để bên người mua có thể thanh toán được toàn bộ tiền hàng cho phía bên người bán. Thời hạn thanh toán có thể là trả trước, trả sau hoặc trả ngay.
  • Hình thức thanh toán: Có nhiều phương thức thanh toán khác nhau, mỗi phương thức có những ưu nhược điểm khác nhau. Cần nghiên cứu kỹ để chọn phương thức thanh toán thích hợp.

Cơ chế chuyển giao quyền và nghĩa vụ

Chuyển giao quyền:

Theo Điều 62 Luật thương mại 2005 quy định: “Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao”.

Trong trường hợp có quy định rõ ràng về việc dịch chuyển quyền sở hữu thì sẽ thực hiện việc dịch chuyển quyền sở hữu sẽ theo thỏa thuận của các bên.

Chuyển giao nghĩa vụ:

Theo quy định tại Điều 370 Bộ luật dân sự 2015 khi thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa thì chúng ta có quyền được chuyển giao nghĩa vụ trong hợp đồng cho bên thứ ba, nhưng phải được sự đồng ý của bên thứ ba, trừ những nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ.

Sau khi nhận chuyển giao nghĩa vụ từ bên có nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ sẽ trở thành bên có nghĩa vụ.

Mẫu hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa mới nhất

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG NGUYÊN TẮC MUA BÁN HÀNG HÓA

(Số: ……………./HĐNTBH)

Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015 số 91/QH/2013 ngày 24/11/2015

– Căn cứ Luật Thương mại 2005 Số: 36/2005/QH11

– Căn cứ vào nhu cầu và khả năng hai bên

Hôm nay, ngày………….tháng………….năm………………Tại………………

Chúng tôi gồm có:

Bên bán: ……………………………………………………………………

Địa chỉ: ……………………………………………………………………

Điện thoại: …………………………………………………………………

Fax: …………………………………………………………………………

Mã số thuế: …………………………………………………………………

Tài khoản số: ………………………………………………………………

Do ông (bà): …………………………………………………………………

Chức vụ: ……………………………………………………………làm đại diện.

Bên mua: ……………………………………………………………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………

Điện thoại: ……………………………………………………………………

Fax: ……………………………………………………………………………

Mã số thuế: ……………………………..………………………………………

Tài khoản số: ……………………………..……………………………………

Do ông (bà): ……………………………………………………………………

Chức vụ:  …………………………………………………………làm đại diện.

Hai Bên cùng đồng ý ký kết Hợp đồng nguyên tắc bán hàng với các điều khoản sau:

Điều 1. Các điều khoản chung

1.1. Hai Bên cùng có quan hệ mua bán với nhau theo quan hệ bạn hàng trên cơ sở hai Bên cùng có lợi.

1.2. Trong khuôn khổ Hợp đồng này, hai Bên sẽ ký tiếp các Hợp đồng mua bán hoặc Đơn đặt hàng (Bằng văn bản, điện thoại và thư điện tử) đối với từng lô hàng cụ thể. Chi tiết hàng hóa, số lượng, giá cả, giao hàng, phương thức thanh toán và các điều khoản khác (nếu có) sẽ được chỉ rõ trong các Hợp đồng mua bán, Đơn đặt hàng tương ứng.

1.3. Thứ tự ưu tiên thực hiện là các bản sửa đổi bổ sung của Hợp đồng mua bán.

1.4. Hợp đồng nguyên tắc bán hàng. Điều khoản nào trong Hợp đồng mua bán mâu thuẫn với các điều khoản trong Hợp đồng này thì sẽ thực hiện theo các điều khoản được quy định trong Hợp đồng này.

Điều 2. Hàng hóa

2.1. Hàng hóa do bên Bán cung cấp đảm bảo đúng chủng loại, chất lượng và các thông số kỹ thuật của Hãng cấp hàng/Nhà sản xuất.

2.2. Chi tiết về hàng hóa sẽ được các Bên chỉ rõ trong các Hợp đồng mua bán trong khuôn khổ của Hợp đồng này.

Điều 3. Giao nhận hàng hóa

3.1. Số lượng hàng hóa, địa điểm giao nhận, chi phí vận chuyển được quy định cụ thể trong các Hợp đồng mua bán hoặc đơn đặt hàng.

3.2. Hàng hóa có thể giao một lần hay nhiều lần tùy theo hai Bên thỏa thuận. Bằng chứng giao hàng gồm có:

  1. a) Hóa đơn bán hàng hợp lệ.
  2. b) Biên bản giao nhận: ghi rõ số lượng hàng, số hóa đơn bán hàng, số kg/số kiện.

Điều 4. Giá cả và phương thức thanh toán

4.1. Các doanh nghiệp là bạn hàng của bên Bán sẽ được hưởng chế độ mua theo giá thống nhất với mọi bạn hàng theo chính sách giá của Công ty ………………………………

4.2. Đơn giá, tổng trị giá hàng hóa, thuế VAT, sẽ được ghi cụ thể trong Hợp đồng mua bán được ký kết bởi hai Bên.

4.3. Phương thức thanh toán và thời hạn thanh toán được quy định cụ thể trong từng Hợp đồng mua bán.

4.4. Thanh toán bằng tiền ………., tỷ giá thanh toán là tỷ giá trung bình cộng giữa tỷ giá bán ra của ………………………….. và tỷ giá bán ra của thị trường tự do công bố tại thời điểm thanh toán.

4.5. Nếu bên Bán cấp cho bên Mua một hạn mức tín dụng, hai bên sẽ ký tiếp một Thỏa thuận tín dụng, Thỏa thuận tín dụng cũng nằm trong khuôn khổ của Hợp đồng nguyên tắc bán hàng. Trong trường hợp này, thời hạn hạn thanh toán được thực hiện căn cứ vào Thỏa thuận tín dụng đã ký kết. Nếu bên Mua sử dụng quá hạn mức tín dụng trong thỏa thuận, bên Bán có quyền từ chối cung cấp hàng cho đến khi Bên mua thực hiện việc thanh toán theo Thỏa thuận tín dụng đó.

Điều 5. Trách nhiệm của các Bên

5.1 Bên Bán:

  1. a) Đảm bảo cung cấp hàng hóa đúng chủng loại, chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật của Hãng cấp hàng/Nhà sản xuất.
  2. b) Định kỳ cung cấp cho Bên mua các thông tin về sản phẩm như: Danh mục và Catalogue sản -phẩm hiện có, giá cả sản phẩm, dịch vụ đối với khách hàng…vv.
  3. c) Tư vấn cho Bên mua về sản phẩm và dịch vụ của Nhà cung cấp/Nhà sản xuất.
  4. d) Đào tạo, giới thiệu sản phẩm mới (nếu có).
  5. e) Hỗ trợ Bên mua trong công tác tìm hiểu và xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm…
  6. f) Thực hiện đúng các cam kết được ghi trong Hợp đồng.

5.2 Bên Mua:

  1. a) Đảm bảo thanh toán đúng thời hạn đã thỏa thuận trong Hợp đồng này cũng như trong Thỏa thuận tín dụng.
  2. b) Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Pháp luật Việt nam về quản lý và lưu thông hàng hóa. Bên bán không chịu trách nhiệm về các vi phạm pháp luật này của bên mua.
  3. c) Thực hiện đúng các cam kết được ghi trong Hợp đồng.

Điều 6. Cung cấp và trao đổi thông tin giữa hai Bên

6.1. Để lập hồ sơ Bạn hàng, hai bên cung cấp cho nhau các thông tin sau:

  • Tên doanh nghiệp
  • Địa chỉ giao dịch chính thức
  • Vốn
  • Tên tài khoản
  • Số tài khoản
  • Tên ngân hàng
  • Người được cử là Đại diện giao dịch trực tiếp của hai Bên (họ tên, chức vụ, chữ ký)

và Bên mua cung cấp thêm cho Bên bán các giấy tờ công chứng sau:

  • Giấy phép đăng ký kinh doanh
  • Quyết định thành lập doanh nghiệp
  • Quyết định bổ nhiệm Giám đốc và Kế toán trưởng
  • Quyết định ủy quyền ký thay Giám đốc và hoặc Kế toán trưởng (nếu có)

6.2. Hai bên thống nhất trao đổi thông tin thông qua các Đại diện liên lạc. Trong trường hợp nhân viên được ủy quyền giao dịch được ghi trên không được quyền tiếp tục đại diện trong việc giao dịch với Bên kia, hai bên cần có thông báo kịp thời, chính thức bằng văn bản/email/fax, gửi người đại diện liên lạc bên kia ngay lập tức và phải được đại diện liên lạc Bên kia xác nhận đã nhận được thông báo đó, nếu không, Bên gây thiệt hại phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi hoàn chi phí thiệt hại cho Bên kia do việc chậm thông báo trên gây ra.

6.3. Trong trường hợp có sự thay đổi về những thông tin liên quan đến quá trình giao dịch giữa hai Bên như: thay đổi trụ sở làm việc, thay đổi mã số thuế, thay đổi tài khoản…vv hai Bên phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho nhau trước khi phát sinh việc mua bán mới.

Điều 7. Bảo hành sản phẩm

Bên Bán bảo hành tất cả các sản phẩm bán ra theo tiêu chuẩn bảo hành của Hãng cấp hàng/ Nhà sản xuất về bảo hành sản phẩm. Để được bảo hành, các sản phẩm phải có phiếu bảo hành của Công ty …………………… và Bên mua phải tuân thủ các quy định đã được ghi trên phiếu bảo hành.

Điều 8. Dừng giao hàng hoặc hủy bỏ Hợp đồng trước thời hạn

8.1. Bên bán có quyền dừng giao hàng khi Bên mua đã sử dụng hết hạn mức tín dụng hoặc Bên mua chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ quá hạn được ký kết trong Thỏa thuận tín dụng giữa hai Bên. Trong trường hợp này, Bên mua có trách nhiệm thanh toán ngay theo quy định và chỉ khi Bên bán xác nhận việc thanh toán trên thì Hợp đồng mới được tiếp tục thực hiện.

8.2. Nếu Bên nào muốn chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn thì phải thông báo trước cho Bên kia và hai Bên phải có xác nhận bằng văn bản, đồng thời hai bên tiến hành quyết toán hàng hóa và công nợ. Biên bản thanh lý Hợp đồng có xác nhận bởi cấp có thẩm quyền của các Bên mới là văn bản chính thức cho phép Hợp đồng này được chấm dứt.

8.3. Nếu Bên nào đơn phương hủy bỏ Hợp đồng làm thiệt hại đến quyền lợi kinh tế của Bên kia thì bên đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên kia.

Điều 9. Cam kết chung

9.1. Bên Mua là Bạn hàng của Bên Bán và không Bên nào được thay mặt hay mang danh nghĩa của Bên kia giao dịch với khách hàng.

9.2. Không Bên nào được sử dụng một tên gọi nào đó mà có thể bao hàm rằng trụ sở chính của Bên kia là trụ sở của mình.

9.3. Hai Bên cam kết thực hiện đúng những điều ghi trên Hợp đồng này. Nếu một trong hai Bên cố ý vi phạm các điều khoản của Hợp đồng này sẽ phải chịu trách nhiệm tài sản về các hành vi vi phạm đó.

9.4. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, hai Bên cố gắng cùng nhau bàn bạc các biện pháp giải quyết trên tinh thần hòa giải, có thiện chí và hợp tác. Nếu vẫn không thống nhất cách giải quyết thì hai Bên sẽ đưa vụ việc ra Tòa án …………………………., toàn bộ chi phí xét xử do Bên thua chịu.

9.5. Quyết định của Tòa án sẽ mang tính chung thẩm và có giá trị ràng buộc các Bên thi hành. Trong thời gian Tòa án thụ lý và chưa đưa ra phán quyết, các Bên vẫn phải tiếp tục thi hành nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo quy định của Hợp đồng này.

Điều 10. Hiệu lực của Hợp đồng

10.1. Hợp đồng nguyên tắc này có giá trị …….. tháng kể từ ngày ký kết. Hết thời hạn trên, nếu hai Bên không có ý kiến gì thì Hợp đồng được tự động kéo dài …….. tháng tiếp theo và tối đa không quá ……. năm.

10.2. Hợp đồng này chỉ chính thức hết hiệu lực khi hai Bên đã quyết toán xong toàn bộ hàng hóa và công nợ theo điều 8.2 nói trên.

10.3. Các Hợp đồng bán hàng, Thỏa thuận tín dụng cũng như các sửa đổi, bổ sung được coi như các phụ lục và là một phần không thể tách rời của Hợp đồng này.

Hợp đồng Nguyên tắc bán hàng này được lập thành 04 bản, mỗi bên giữ 02 bản có giá trị pháp lý như nhau.

                       BÊN BÁN                                                               BÊN MUA

>>> Tải xuống: Mẫu hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa

Các lưu ý khi ký kết hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa

Lưu ý khi soạn thảo hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa

Lưu ý khi soạn thảo hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa

Về chủ thể:

  • Với chủ thể là cá nhân, thì phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật để tham gia vào quan hệ mua bán.
  • Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một bên chủ thể có thể là thể nhân hoặc pháp nhân nước ngoài, nên việc xác định tư cách chủ thể của hợp đồng sẽ phụ thuộc vào pháp luật của Quốc gia nơi chủ thể đó đăng ký. Do vậy, khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài, cần có sự tham vấn hoặc hỗ trợ bởi Luật sư kinh tế quốc tế có nhiều kinh nghiệm và uy tín để tránh bị lừa đảo

Về giá cả:

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa cần làm rõ được các yếu tố cấu thành trong giá bán đã bao gồm các chi phí phát sinh (như chi phí giao hàng, bảo hiểm, thuế …….) hay chưa.
  • Hợp đồng cũng cần có các quy định cụ thể về phương thức và thời gian thanh toán để đảm bảo rằng, bên mua sẽ có nghĩa vụ thanh toán một cách đầy đủ, đúng hạn. Quy định này còn là cơ sở để xác định nghĩa vụ thanh toán khoản tiền phạt trả chậm trong trường hợp vi phạm.

Về cơ chế chuyển giao quyền và nghĩa vụ:

  • Nếu trong hợp đồng MBHH không có quy định, thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa sẽ là thời điểm tài sản được chuyển giao, tức là thời điểm mà bên mua hoặc đại diện hợp pháp của bên mua nhận được tài sản từ bên bán.

Luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa

Với đội ngũ Luật sư kinh nghiệm và các luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực hợp đồng, Luật L24H sẽ giúp đỡ khách hàng trong những vấn đề:

  • Tư vấn các quy định của pháp luật và việc áp dụng trong thực tiễn liên quan đến các điều khoản trong hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa;
  • Tư vấn hỗ trợ đàm phán, soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa
  • Nghiên cứu tài liệu liên quan, tìm hiểu thông tin liên quan về các bên của hợp đồng trong các trường hợp cụ thể theo yêu cầu của khách hàng từ đó đưa ra giải pháp tư vấn tối ưu cho việc soạn thảo và ký kết hợp đồng, đảm bảo lợi ích tối đa cho khách hàng;
  • Tư vấn, giải thích nội dung liên quan đến hợp đồng nguyên tắc cho khách hàng;
  • Tư vấn toàn diện các vấn đề liên quan đến hợp đồng của doanh nghiệp, theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng và tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan.
  • Hỗ trợ việc soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng;
  • Hỗ trợ vấn đề phát sinh sau quá trình ký kết hợp đồng.

>>> Tìm hiểu thêm về trường hợp: Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Luật sư tư vấn hỗ trợ trong lĩnh vực hợp đồng

Luật sư tư vấn hỗ trợ trong lĩnh vực hợp đồng

Để đảm bảo tính hợp pháp và bảo vệ quyền lợi tối đa, bạn nên tham khảo và áp dụng mẫu hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa chuẩn mà chúng tôi đã cung cấp trong bài viết. Đồng thời, hãy chú ý đến các thủ tục hợp đồng cũng như tuân thủ đúng quy trình pháp lý khi thực hiện giao dịch. Nếu có bất kỳ khó khăn hay thắc mắc trong quá trình lập hợp đồng, đừng ngần ngại liên hệ với đội ngũ luật sư chuyên tư vấn soạn thảo hợp đồng của Luật L24H qua số hotline 1900.633.716 hoặc email info@luat24h.com.vn đễ được hỗ trợ kỹ hơn. Xin chân thành cảm ơn quý khách đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của chung tôi.

Một số bài viết liên quan có thể bạn đọc quan tâm:

Scores: 5 (11 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,929 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716