Một số tình huống bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phổ biến nhất

Một số tình huống bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là vấn đề đặt ra nhằm xác định trách nhiệm pháp lý trong từng trường hợp cụ thể đối với một cá nhân khi họ có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của một cá nhân khác. Bài viết sau đây sẽ giúp quý khách hàng tìm hiểu cụ thể hơn về các tình huống bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tình huống bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Tình huống bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định như sau:

  • Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
  • Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
  • Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định như sau:

  • Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
  • Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
  • Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Năng lực bồi thường thiệt hại của cá nhân

Theo quy định tại Điều 586 BLDS 2015, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gồm:

  • Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường;
  • Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này; Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình;
  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Một số tình huống bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Các tình huống về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cụ thể như sau:

Thứ nhất, bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng tại Điều 594 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
  • Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Khái niệm phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22, Bộ luật Hình sự năm 2015:

  • Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
  • Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Như vậy, việc bồi thường thiệt hại cho vượt quá phòng vệ chính đáng dựa trên hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Thứ hai, bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết tại Điều 595 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
  • Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại

Căn cứ vào khoản 1 Điều 171 Bộ luật Dân sự năm 2015: Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn. Theo đó, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là tình trạng một người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

Thứ ba, bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra theo Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
  • Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Như vậy, việc bồi thường thiệt hại được đặt ra trong 02 trường hợp sau:

  • Người tự uống rượu hoặc dùng chất kích thích khác gây thiệt hại cho người khác;
  • Người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khấc làm người khác gây thiệt hại.

Thứ tư, bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015: Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khi người của pháp nhân gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao thì dù người đó có lỗi hay không có lỗi, pháp nhân vẫn phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Sau khi đã bồi thường cho người bị thiệt hại, pháp nhân có quyền yêu cầu người của pháp nhân có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra theo Điều 598 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
  • Tại Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý
  • Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
  • Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
  • Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

Theo đó, thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra phải được bồi thường theo quy định và được xác định là trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thứ sáu, bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra theo Điều 560 Bộ luật Dân sự 2015: Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, chủ thể phải bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra là cá nhân, pháp nhân nếu thiệt hại gây ra do thực hiện công việc được giao. Tuy nhiên người làm công sẽ phải hoàn trả tiền cho người thuê lao động tùy vào việc người làm công có lỗi hay không. Nếu người làm công có lỗi, thì phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền bồi thường cho người thuê lao động, nếu người làm công không có lỗi thì không cần hoàn trả.

Thứ bảy, bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo Điều 561 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
  • Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
  • Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
  • Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
  • Tại Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường
  • Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.

Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thuộc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ bảy, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Như vậy, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng của chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người thứ ba khi họ có lỗi để súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho cá nhân hoặc các tổ chức khác. Thiệt hại do súc vật gây ra sẽ bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thứ tám, bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra theo Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Như vậy, bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra có thể thiệt hại về vật chất, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và người bị thiệt hại phải được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thứ chín, bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra theo Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 :

  • Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
  • Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Như vậy, khi nhà cửa, công trình gây thiệt hại do lỗi của người thi công, thì người thi công phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cùng với chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người quản lý. Mức bồi thường của người thi công phụ thuộc vào mức độ lỗi và thỏa thuận với chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người quản lý.

Thứ mười, bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể Tại Điều 606 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Cá nhân, pháp nhân xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.
  • Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường khi thi thể bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá ba mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể là việc yêu cầu chủ thể xâm phạm thi thể phải thực hiện nghĩa vụ bằng một khoản tiền nhất định. Khoản tiền đó là các chi phí mà những người thân thích của cá nhân đã chết bỏ ra để tìm kiếm bộ phận thi thể bị mất, khắc phục các thiệt hại.

Thứ mười một, bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả theo Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.
  • Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo đó, mồ mả có thể hiểu một cách khái quát nhất chính là nơi chôn cất, an táng của người đã chết hay di vật của họ. Hành vi xâm phạm đến mồ mả chính là việc xâm phạm đến phần mộ của người khác nhằm gây hư hỏng, hủy hoại hay chiếm đoạt tài sản trong phần mộ được chôn cất. Tất cả những hành vi gây thiệt hại do xâm phạm mồ mả đều trở thành căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015: Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Theo đó, buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại mà mình gây ra, bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và về tinh thần cho người tiêu dùng.

Như vậy, pháp luật đã quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo từng tình huống cụ thể từ Điều 594 đến Điều 608 của Bộ luật Dân sự 2015.

Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện được xác định như sau: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Thủ tục khởi kiện

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện

Nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng một trong các phương thức sau

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia (nếu có).

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện

Thứ nhất, tiếp nhận đơn khởi kiện:

  • Nếu nộp trực tiếp, Tòa án cấp ngay giấy xác nhận đơn cho người khởi kiện
  • Nếu nộp theo đường dịch vụ bưu chính, Tòa án gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn
  • Nếu nộp bằng phương thức gửi trực tuyến, Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia (nếu có)

Thứ hai, xử lý đơn khởi kiện. Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Bước 3: Thụ lý đơn khởi kiện

Khi xét thấy hồ sơ khởi kiện đầy đủ và vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán sẽ ra thông báo cho người khởi kiện thực hiện thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng kể từ ngày thụ lý. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng.

Bước 5: Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng

Bước 6: Thẩm phán ban hành bản án hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bước 7: Kháng cáo và kháng nghị (nếu có)

Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án

  • Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
  • Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

(Cơ sở pháp lý: Điều 588; Khoản 1 Điều 190; Điều 195; Điểm a  Khoản 1 Điều 203; Điều 270 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Luật sư tư vấn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Để tư vấn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Luật L24H cung cấp các dịch vụ bao gồm:

  • Tư vấn về căn cứ xác định trách nhiệm và nguyên tắc giải quyết yêu cầu bồi thường đối với các tình huống bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
  • Hướng dẫn cách xác định mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
  • Tư vấn chi tiết về thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
  • Hỗ trợ soạn thảo văn bản, đơn từ và chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
  • Đại diện khách hàng khởi kiện giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
  • Đại diện tham gia tố tụng tại Tòa án giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Tham khảo thêm trường hợp: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Luật sư tư vấn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Luật sư tư vấn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Có thể nói, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được pháp luật quy định một cách cụ thể. Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại được đặt ra nếu người bị thiệt hại có yêu cầu và xác định được thiệt hại đã xảy ra do bên gây thiệt hại. Nếu quý khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư dân sự tư vấn tranh chấp, yêu cầu bồi thường vui lòng liên hệ qua hotline 1900.633.716 của Luật L24H để được Luật sư tư vấn giải đáp hỗ trợ kịp thời.

Scores: 4.8 (14 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,926 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716