Hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi một bên vắng mặt

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi một bên vắng mặt được tiến hành như thế nào đang là một trong những vấn đề thắc mắc trong nhiều vụ tranh chấp đất đai. Thông thường về nguyên tắc các bên sẽ hòa giải tại Ủy ban Nhân dân xã trước khi khởi kiện và buổi hòa giải này cũng thường vắng mặt một bên. Việc vắng mặt một bên thì trình tự thủ tục xử lý có thể sẽ có một vài thay đổi. Cùng Luật L24H tìm hiểu thông tin mới nhất qua bài viết này nhé!

Giải quyết tranh chấp đất đai khi một bên vắng mặt

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Theo quy định pháp luật, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai được tiến hành gồm các bước như sau:

Bước 1: Hòa giải tại Ủy ban Nhân dân

Khác với Tranh chấp liên quan đến đất đai như tranh chấp về thừa kế di sản là quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất… không phải thông qua thủ tục hòa giải tại Ủy ban Nhân dân xã thì đối với Tranh chấp đất đai về nguyên tắc sẽ phải thông qua buổi hòa giải tại UBND xã.

Theo đó, Điều 202 Luật Đất đai 2013 có quy định về việc buộc phải hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện đến Tòa án có thẩm.

Như vậy, bước đầu tiên của thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai là một trong các bên có tranh chấp sẽ nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Nếu Hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có thể lựa chọn hình thức giải quyết là khởi kiện tại Tòa án Nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hoặc yêu cầu Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Trường hợp các bên lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp là khởi kiện tại Tòa án thì sau khi có biên bản hòa giải không thành thì một trong các bên tranh chấp có thể tiến hành khởi kiện. Khi tiến hành khởi kiện, người khởi kiện cần chuẩn bị các hồ sơ gồm:

  • Đơn khởi kiện theo Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
  • Biên bản hòa giải có chứng nhận của Ủy ban nhân dân xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.
  • Các tài liệu, chứng cứ liên quan khác.

Bước 3: Nộp đơn khởi kiện

Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 bằng các phương thức:

  • Gửi trực tiếp tại Tòa án.
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính.
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 4: Xem xét, xử lý đơn khởi kiện

Căn cứ Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện:

  • Tòa án nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.
  • Khi nhận đơn do người khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trong trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 5: Tòa án thụ lý và giải quyết

Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định, sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ xem xét:

  • Nếu hồ sơ chưa đủ thì Tòa án yêu cầu đương sự bổ sung thêm những tài liệu, chứng cứ liên quan cần thiết.
  • Nếu hồ sơ đầy đủ thì Tòa án thông báo cho đương sự biết để nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Thẩm phán thụ lý vụ án khi người nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Bước 6: Giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự

Tòa án tiến hành giải quyết tranh chấp theo trình tự thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

>> Xem thêm: Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp đến Tòa án có thẩm quyền

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp đến Tòa án có thẩm quyền

Thời hạn thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền

Căn cứ khoản 3 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 40 Điều 2 tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP), thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai và thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như sau:

  • Hòa giải tranh chấp đất đai là không quá 45 ngày.
  • Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là không quá 45 ngày.
  • Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là không quá 60 ngày.
  • Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là không quá 90 ngày.
  • Cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai là không quá 30 ngày.

Lưu ý, thời gian trên được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.

Như vậy, tùy vào từng cấp thẩm quyền giải quyết mà thời hạn thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai được pháp luật quy định thực hiện tối thiểu 100 ngày.

Giải quyết tranh chấp đất đai khi khởi kiện tại Tòa án

Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Thời hạn chuẩn bị xét xử thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án về tranh chấp đất đai sẽ không quá 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.

Bên cạnh đó, Phiên tòa sơ thẩm sẽ được diễn ra trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Như vậy, khoảng thời hạn nhanh nhất để có thể đến Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tranh chấp đất đai là 05 tháng 08 ngày chưa tính đến hồ sơ khởi kiện bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung,  vụ án không bị gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử cũng như không bị tạm đình chỉ giải quyết.

Hướng giải quyết tranh chấp đất đai khi một bên vắng mặt

Tại buổi hoà giải UBND xã

Căn cứ khoản 1 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai thì việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã chỉ được thực hiện khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trong trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì việc hòa giải coi như không thành.

Vậy nên, nếu một bên đương sự vắng mặt đến hai lần khi hòa giải thì UBND cấp xã sẽ lập biên bản hòa giải không thành. Khi có biên bản hòa giải không thành, bên đương sự còn lại có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp tranh chấp đất đai.

Tại phiên tòa dân sự

Triệu tập lần 1

Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Bên cạnh đó, Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

Cơ sở pháp lý: Điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Triệu tập lần 2

Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

  • Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
  • Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
  • Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Như vậy, tùy vào vị trí đương sự là nguyên đơn hay bị đơn mà khi vắng mặt lần 1, lần 2 tại phiên tòa thì sẽ có các phương hướng xử lý như trên.

>> Xem thêm: Người bị kiện được vắng mặt mấy lần

Tòa án triệu tập đương sự 2 lần để giải quyết tranh chấp

Tòa án triệu tập đương sự 2 lần để giải quyết tranh chấp

Tư vấn giải quyết tranh chấp đất khi một bên vắng mặt

  • Tư vấn thủ tục giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất
  • Tư vấn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án.
  • Soạn thảo đơn, hồ sơ khởi kiện và chuẩn bị các tài liệu liên quan.
  • Soạn thảo văn bản tố tụng liên quan trong suốt quá trình tố tụng.
  • Tư vấn các vấn đề pháp lý về thừa kế, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

>>Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai

Như vậy, khi một bên tranh chấp vắng mặt tại buổi hòa giải sẽ là cơ sở để buổi hòa giải được xem xét là không thành. Bài viết trên, Luật L24H đã thông tin đến quý bạn đọc về hậu quả pháp lý khi một bên tranh chấp vắng mặt tại buổi hòa giải hoặc tại phiên tòa cũng như thời hạn thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào cần LUẬT SƯ ĐẤT ĐAI TƯ VẤN bạn có thể liên hệ qua số Hotline 1900.633.716 để được hướng dẫn kịp thời miễn phí.

Scores: 5 (49 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,831 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716