Đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự là quyết định của tòa án làm chấm dứt hoạt động tố tụng giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm. Thông thường, việc đình chỉ vụ án không phải vì luật sư, bị đơn vắng mặt tại phiên tòa mà vì lý do khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin giúp quý khách hiểu thêm về vấn đề này.
Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự
Đình chỉ và tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự có giống nhau không?
Đình chỉ xét xử và tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau vì:
- Tạm đình chỉ là quyết định tạm ngừng mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án. Về hậu quả pháp lý: Tạm định chỉ chỉ tạm thời chấm dứt hoạt động tố tụng cho đến khi có quyết định phục hồi (tiếp tục hoạt động tố tụng).
- Đình chỉ là quyết định chấm dứt mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án. Về hậu quả pháp lý: Đình chỉ vụ án sẽ làm chấm dứt hoạt động tố tụng đối với vụ án
Căn cứ pháp lý: Điều 288, Điều 289 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Các trường hợp đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự
Giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, nếu rơi vào các trường hợp sau đây vụ án dân sự đó sẽ bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ:
- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế
- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.
- Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo
- Người kháng cáo rút một phần kháng cáo
- Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị
- Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật
Như vậy, khi xảy ra các trường hợp trên, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa sẽ ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
Căn cứ pháp lý: Điều 217, Điều 289 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
>>> Tham khảo thêm về: Nếu nguyên đơn chết thì vụ án có bị đình chỉ hay không?
Giai đoạn xét xử phúc thẩm
Theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tại phiên tòa phúc thẩm, việc tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 288 và Điều 289 của Bộ luật này.
Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó (khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 299 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự
Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn trong xét xử phúc thẩm dân sự như là:
- Giai đoạn chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm: Người có thẩm quyền ra quyết định sẽ là Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa.
- Giai đoạn đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm: Người có thẩm quyền ra quyết định sẽ là Hội đồng xét xử phúc thẩm.
Căn cứ pháp lý: Khoản 2, khoản 3 Điều 289 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Bao lâu quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm có hiệu lực?
Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự sẽ có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp.
Căn cứ pháp lý: Khoản 4 Điều 289 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Thời gian quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự có hiệu lực
Luật sư tư vấn về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự
Khi đến với Luật L24H, luật sư sẽ tư vấn các vấn đề về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự như:
- Tư vấn quy định pháp luật về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự
- Tư vấn quy trình, thủ tục rút đơn kháng cáo
- Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo đơn từ để rút đơn kháng cáo
- Tư vấn thủ tục đề nghị tòa đình chỉ giải quyết vụ án
- Tư vấn thủ tục khiếu nại, tố cáo trong trường hợp cá nhân/cơ quan có thẩm quyền đình chỉ, tạm đình chỉ không đúng theo quy định của pháp luật
- Đại diện theo ủy quyền rút kháng cáo
Luật sư tư vấn về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự
Như vậy, khi Tòa án đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm thì kết quả vụ án ở giai đoạn sơ thẩm sẽ được công nhận theo quyền và nghĩa vụ đã được ấn định trong bản án dân sự. Vì vậy, để tránh mất quyền lợi của bản thân, người kháng cáo cần hiểu rõ quy định của pháp luật về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự. Nếu quý khách vẫn còn thắc mắc hoặc cần sự hỗ trợ vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900.633.716 để được hỗ trợ dịch vụ luật sư dân sự giỏi – giải quyết tranh chấp dân sự sớm nhất.
Một số bài viết liên quan có thể bạn đọc quan tâm: