Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án là quy trình cần thực hiện để giải quyết tranh chấp liên quan đến kinh doanh thương mại bằng hình thức Tòa án. Việc những đối tượng có hoạt động liên quan đến thương mại nắm rõ các kiến thức pháp luật sẽ giúp tranh chấp của họ được giải quyết nhanh chóng hơn khi phát sinh tranh chấp. Bài viết dưới đây sẽ giúp Quý khách hàng nắm rõ thông tin hơn về vấn đề này.
Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án
Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại
Để giải quyết một tranh chấp thương mại, các bên có thể tiến hành thông qua các hình thức như sau:
- Thương lượng giữa các bên.
- Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
- Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.
Cơ sở pháp lý: Điều 317 Luật Thương mại 2005
Ưu – nhược điểm giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án
Mỗi phương thức đều có ưu và nhược điểm riêng biệt, đối với phương thức giải quyết bằng Tòa án thì sẽ có những mặt tốt và mặt hạn chế như sau:
Ưu điểm:
- Phán quyết của Tòa án ban hành có tính cưỡng chế cao
- Sẽ khắc phục và phát hiện các sai sót trong quá trình giải quyết, xét xử qua nguyên tắc 2 cấp xét xử
- Được quyền kháng cáo khi bản án chưa được thi hành
- Án phí thấp hơn so với lệ phí Trọng tài
Nhược điểm:
- Thời gian, thủ tục giải quyết tại Tòa khá lâu
- Xét xử công khai không phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh (sẽ để lộ bí mật kinh doanh…)
Như vậy, trong khi việc thương lượng giữa các bên hay hòa giải bởi một bên trung gian khác đề cao sự thỏa thuận giữa các đương sự nhằm đưa ra hướng giải quyết một cách nhanh chóng thì Tòa án – một cơ quan xét xử của Nhà nước sẽ giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục đã được đề ra. Quyết định của Tòa án sẽ mang tính bắt buộc thực hiện nhưng vẫn cân bằng lợi ích cho các bên, không ưu tiên quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ đối tượng nào trừ một số trường hợp đặc biệt.
Trình tự giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án
Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án sẽ được thực hiện theo trình tự thủ tục của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Thẩm quyền giải quyết
Khi có tranh chấp xảy ra trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc đặt trụ sở. Đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc phải uỷ thác tư pháp thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Cơ sở pháp lý: Điều 35, Điều 37, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
>> Tham khảo thêm về: Giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài
Tòa án giải quyết tranh chấp kinh doanh
Hồ sơ thực hiện
Khi thực hiện khởi kiện để cơ quan Tòa án có thẩm quyền thì người khởi kiện cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây
- Đơn khởi kiện được soạn theo mẫu số 23-DS ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017;
- Giấy tờ pháp lý (Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, các giấy tờ pháp lý khác có liên quan,…)
- Tài liệu chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình là có cơ sở và hợp pháp: Hợp đồng, đơn đặt hàng, biên bản giao nhận, phiếu xuất kho…
Căn cứ pháp lý: Khoản 4 và khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Xem thêm bài viết: Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại
Thủ tục khởi kiện
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện. Có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi hồ sơ khởi kiện thông qua bưu điện (cơ sở pháp lý điều 190, BLTTDS 2015)
Bước 2: Phân công thẩm phán xem xét đơn
Khoản 2 Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 3: Thụ lý vụ án
- Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
- Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
(Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)
Bước 4: Tiến hành hòa giải
Nguyên tắc tiến hành hòa giải thực hiện theo Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015,
Bước 5: Chuẩn bị xét xử
Bước 6: Đưa vụ án ra xét xử ở phiên tòa sơ thẩm.
Thời hạn giải quyết
Chuẩn bị xét xử: Tùy vào tính chất của từng vụ việc mà thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ khác nhau, đối với tranh chấp thương mại thì thời hạn là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, có thể gia hạn không quá 01 tháng
Mở phiên tòa xét xử: Kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong thời hạn 01 tháng Tòa án phải mở phiên tòa. Nếu có lý do chính đáng thì thời hạn là 02 tháng.
Căn cứ pháp lý: khoản 1, khoản 4 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
Thời hạn giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Xem thêm bài viết về: Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Tòa án
Một số lĩnh vực luật sư tư vấn giải quyết đối với tranh chấp kinh doanh thương mại:
- Tư vấn, giải đáp thắc mắc về vấn đề tranh chấp kinh doanh thương mại.
- Tư vấn trình tự thủ tục, cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.
- Hỗ trợ chuẩn bị các hồ sơ cần thiết khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại.
- Hỗ trợ soạn thảo đơn yêu cầu khởi kiện cũng như các văn bản khác có liên quan
- Một số công việc khác theo yêu cầu của khách hàng.
Luật sư trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại:
- Thay mặt khách hàng chuẩn bị các hồ sơ cần thiết khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại;
- Tham gia bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng trong suốt quá trình tố tụng;
- Trực tiếp làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong quá trình kinh doanh, các bất đồng mâu thuẫn thường xuyên xảy ra. Điều đó dẫn đến những lợi ích cũng như quyền lợi người làm kinh doanh không ít lần bị xâm phạm và thiệt hại. Nếu có bất kỳ thắc mắc liên quan đến vấn đề cần luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại hoặc sử dụng dịch vụ luật sư của Luật L24H có thể liên hệ với chúng tôi qua 1900633716 để được luật sư doanh nghiệp hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.