Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được xác lập, tồn tại, phát triển hoặc chấm dứt trên cơ sở quy định của các quy phạm pháp luật. Thông qua các quan hệ pháp luật, pháp luật được thực hiện trong đời sống xã hội. Trên thực tế, có rất nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề này như thế nào là quan hệ pháp luật hay quan hệ pháp luật xuất hiện khi nào, yếu tố cấu thành, các phân loại quan hệ pháp luật.
Quan hệ pháp luật là gì?
Hiểu về quan hệ pháp luật như thế nào?
Quan hệ pháp luật là quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật quy định mối quan hệ tương hỗ giữa các bên chủ thể xác định, trong đó các bên chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật sẽ có các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể.
Phân loại quan hệ pháp luật
Căn cứ vào đối tượng và phương pháp điều chỉnh của pháp luật
Quan hệ pháp luật được phân chia tương ứng với các ngành luật
- Quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật hình sự,…
- Quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, quan hệ pháp luật tố tụng hình sự,…
- Quan hệ pháp luật sở hữu trí tuệ, quan hệ pháp luật kinh doanh thương mại…
Căn cứ vào việc xác định chủ thể trong quan hệ pháp luật
Chủ thể trong quan hệ pháp luật để phân thành quan hệ pháp luật tuyệt đối và quan hệ pháp luật tương đối
- Quan hệ pháp luật tuyệt đối là quan hệ pháp luật trong đó một chủ thể được xác định và luôn có quyền, chủ thể còn lại là bất kỳ cá nhân, tổ chức khác và luôn có nghĩa vụ (ví dụ quan hệ sở hữu tài sản, quan hệ quyền tác giả,..).
- Quan hệ pháp luật tương đối là quan hệ pháp luật có hai bên tham gia được xác định cụ thể, có các quyền và nghĩa vụ đối ứng nhau (quan hệ hợp đồng, quan hệ hôn nhân,…)
Mức độ quy định cụ thể của quy phạm pháp luật
Căn cứ về quy định pháp luật về chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể phân chia quan hệ pháp luật thành:
- Quan hệ pháp luật chung là quan hệ pháp luật không quy định về chủ thể cụ thể trong quan hệ đó. Ví dụ quan hệ phát sinh từ hiến pháp, từ luật chung.
- Quan hệ pháp luật cụ thể là quan hệ mà pháp luật quy định rõ chủ thể cụ thể với các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể.
- Quan hệ pháp luật cụ thể được hình thành trên cơ sở quan hệ pháp luật chung.
- Quan hệ pháp luật chung là cơ sở pháp lý để hình thành quan hệ pháp luật cụ thể.
Đặc điểm quan hệ pháp luật
- Quan hệ pháp luật hình thành trên cơ sở quy phạm pháp luật.
- Quan hệ pháp luật thể hiện mối quan hệ của hai loại ý chí: ý chí của Nhà nước và ý chí của chủ thể.
- Chủ thể tham gia quan hệ pháp luật luôn được xác định và có các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định.
- Quan hệ pháp luật được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế của nhà nước.
Yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật
Yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật
Chủ thể
- Không phải bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng đều có thể tham gia vào quan hệ pháp luật. Song không phải tất cả các chủ thể có khả năng nhận thức đều có thể được coi là có thể tham gia vào các quan hệ pháp luật. Để có thể tham gia quan hệ pháp luật, các chủ thể phải đáp ứng một số điều kiện nhất định về năng lực chủ thể pháp luật, cụ thể là cá nhân, tổ chức phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi phù hợp để tham gia vào các quan hệ đó và thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ pháp lý theo quy định.
- Đối với chủ thể quan hệ pháp luật là cá nhân: Năng lực pháp luật của cá nhân là khả năng để cá nhân đó có quyền và nghĩa vụ dân sự. Còn năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng mà cá nhân đó bằng hành vi của mình để xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. (Căn cứ khoản 1 Điều 16, Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015)
- Đối chủ thể quan hệ pháp luật là tổ chức: Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi của tổ chức sẽ xuất hiện đồng thời khi tổ chức đó thành lập theo quy định của pháp luật và chấm dứt tư cách pháp lý khi bị phá sản, giải thể. (Căn cứ khoản 2,3 Điều 86 Bộ luật Dân sự 2015)
Nội dung của quan hệ pháp luật
Nội dung của quan hệ pháp luật là tổng thể quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể tham gia trong quan hệ đó. Trong đó:
- Quyền của chủ thể tham gia: Chủ thể thực hiện quyền của mình thông qua việc thực hiện các hành vi trong khuôn khổ pháp luật cho phép; yêu cầu các chủ thể khác thực hiện các nghĩa vụ pháp lý để đảm bảo thực hiện được các quyền pháp lý của mình hoặc yêu cầu chủ thể khác thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ pháp lý của họ; yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ lợi ích chính đáng của mình khi lợi ích đó bị xâm hại
- Nghĩa vụ của chủ thể tham gia: Chủ thể tham gia phải xử sự theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền pháp lý của chủ thể khác và phải chịu trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật.
Khách thể
- Khách thể của quan hệ pháp luật là những lợi ích vật chất, tinh thần và các lợi ích khác mà chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật mong muốn đạt được.
- Khách thể trong quan hệ pháp mà các bên hướng đến có thể là tài sản vật chất, lợi ích phi vật chất hay hành vi xử sự của con người.
Luật sư tư vấn xác định quan hệ pháp luật
Tư vấn tranh chấp pháp luật
- Tư vấn cách xác định quan hệ pháp luật tranh chấp cho khách hàng khi có tranh chấp xảy ra;
- Hỗ trợ soạn thảo văn bản, đơn khởi kiện dân sự, bản tự khai, đơn từ khác phù hợp trong từng quan hệ pháp luật cụ thể;
- Tư vấn các vấn đề pháp lý khác liên quan trong quá trình tham gia vào quan hệ pháp luật phổ biến như giao dịch, tranh chấp, thủ tục hành chính;
- Luật sư tranh tụng tham gia vào quan hệ pháp luật tranh luận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Quan hệ pháp luật là một nội dung cơ bản, quan trọng. Bởi lẽ, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng pháp luật nội dung khi giải quyết tranh chấp. Nếu quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu luật sư tư vấn pháp luật các vấn đề pháp lý liên quan, hãy vui lòng liên hệ đến hotline 1900.633.716 để được luật sư tư vấn giải đáp miễn phí.
Một số bài viết liên quan có thể bạn đọc quan tâm: