Trích xuất người trong vụ án hình sự là gì? Thời hạn trích xuất

Trích xuất người trong vụ án hình sự là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo cho vụ án hình sự được tiến hành chặt chẽ thông qua những dữ liệu thu thập được từ lệnh trích xuất người. Đồng thời, trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân trong vụ án hình sự nhằm giúp cho sự có mặt của những người được triệu tập đến phiên tòa được đầy đủ. Bài viết dưới đây của Luật L24H sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Trích xuất người trong vụ án hình sự

Trích xuất người trong vụ án hình sự

Trích xuất người trong vụ án hình sự được hiểu là gì?

Người trong vụ án hình sự được đề cập đến là người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành án (phạm nhân).

Trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam được hiểu là việc đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi cơ sở giam giữ trong thời gian nhất định theo lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền để thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự, khám bệnh, chữa bệnh, thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự, thực hiện quyền, nghĩa vụ khác do luật định.

Cơ sở pháp lý: khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

Trích xuất phạm nhân được hiểu là việc thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019 đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định.

Cơ sở pháp lý: khoản 17 Điều 3 Luật Thi hành án Hình sự 2019.

Các trường hợp thực hiện việc trích xuất người

Việc trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp:

  • Phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
  • Đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
  • Gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
  • Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo sự thỏa thuận giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

Khi thực hiện các hoạt động quy định trong các trường hợp nêu trên bên trong khu vực cơ sở giam giữ thì thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam mà không cần lệnh trích xuất (Theo khoản 5 Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015).

Việc trích xuất phạm nhân được thực hiện khi:

  • Để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử;
  • Để phục vụ yêu cầu quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, khám bệnh, chữa bệnh hoặc để chăm sóc con của phạm nhân đang ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân phải đưa đi khám và điều trị bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ sở pháp lý: khoản 2,3 Điều 40 Luật Thi hành án Hình sự 2019

Người bị tạm giam, tạm giữ được trích xuất để điều tra

Người bị tạm giam, tạm giữ được trích xuất để điều tra

Thời hạn trích xuất người trong vụ án hình sự

Đối với người đang chấp hành án

Thời hạn trích xuất phạm nhân được quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC:

Văn bản yêu cầu trích xuất phạm nhân của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có các nội dung bắt buộc trong đó bao gồm mục đích và thời hạn trích xuất; cơ quan, đơn vị được phân công nhận và áp giải phạm nhân được trích xuất; cơ sở giam giữ nơi nhận, quản lý phạm nhân trong thời gian trích xuất.

Ngoài ra, tại Điều 7 của Thông tư trên quy định về việc gia hạn trích xuất phạm nhân. Trong các trường hợp như:

  • Phạm nhân được trích xuất là bị can, bị cáo trong vụ án do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất đang thụ lý, khi hết thời hạn trích xuất mà vẫn đang tiến hành một trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với phạm nhân đó;
  • Phạm nhân được trích xuất đã bị Tòa án xét xử, khi hết thời hạn trích xuất bản án mới chưa có hiệu lực pháp luật hoặc bản án đó đã có hiệu lực pháp luật nhưng cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất chưa nhận được quyết định thi hành án của Tòa án;
  • Phạm nhân được trích xuất không phải là bị can, bị cáo trong vụ án do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất đang thụ lý, khi hết thời hạn trích xuất mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vẫn chưa đạt mục đích trích xuất và vẫn có nhu cầu tiếp tục trích xuất phạm nhân đó để giải quyết vụ án.

Như vậy, pháp luật không quy định thời hạn tối đa được trích xuất phạm nhân. Nhưng qua đó sẽ khống chế mức tối đã trích xuất và gia hạn trích xuất phạm nhân không vượt quá thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân được trích xuất.

Đối với người đang bị tạm giữ, tạm giam

Pháp luật không quy định cụ thể thời hạn trích xuất người bị tạm giam là bao lâu mà chỉ giới hạn rằng thời hạn trích xuất và gia hạn trích xuất không được dài hơn thời hạn tạm giữ, tạm giam còn lại. Cụ thể được quy định tại đoạn 3 khoản 4 Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015:

  • Khi chưa hết thời hạn trích xuất nhưng đã hoàn thành mục đích trích xuất hoặc hết thời hạn trích xuất, người có yêu cầu trích xuất bàn giao người được trích xuất cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải để giao người được trích xuất cho cơ sở giam giữ’
  • Trừ trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được trả tự do theo bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Nếu có nhu cầu tiếp tục trích xuất thì phải có lệnh gia hạn trích xuất.
  • Thời hạn trích xuất và gia hạn trích xuất không được dài hơn thời hạn tạm giữ, tạm giam còn lại.

>>> Xem thêm: Thời hạn tạm giam, tạm giữ trong giai đoạn điều tra

Thẩm quyền trích xuất người trong vụ án hình sự

Về thẩm quyền trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam như sau:

Theo khoản 3 Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, thẩm quyền trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam được quy định thuộc về Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam. Cụ thể trường hợp các chủ thể này được ra lệnh trích xuất như sau:

  • Ra lệnh trích xuất để khám, chữa bệnh và phục vụ công tác giam giữ; ra lệnh trích xuất hoặc quyết định cho gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do luật định;
  • Thực hiện lệnh trích xuất hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc các tổ chức nhân đạo.

Về thực hiện trích xuất phạm nhân được thực hiện như sau:

Trường hợp phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Theo Khoản 2 Điều 40 Luật Thi hành án Hình sự 2019:

  • Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an;
  • Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam cấp quân khu;
  • Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam hoặc phạm nhân do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trực tiếp quản lý.

Theo Khoản 3 Điều 40 Luật Thi hành án hình sự 2019, trường hợp phục vụ yêu cầu quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, khám bệnh, chữa bệnh hoặc để chăm sóc con của phạm nhân đang ở cùng mẹ thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện sẽ ra lệnh trích xuất .

Luật sư tư vấn về trích xuất người bị tạm giam

Trích xuất người bị tạm giam bao gồm nhiều vấn đề bắt buộc về thời hạn, thẩm quyền cũng như các nghĩa vụ của người bị tạm giam. Luật sư của L24H sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các công việc như:

  • Luật sư tư vấn về thời hạn và thẩm quyền trích xuất người trong vụ án hình sự.
  • Luật sư tư vấn để người được trích xuất gặp thân nhân, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp để thực hiện một số quyền, nghĩa vụ do quy định của pháp luật.
  • Luật sư tư vấn về chế độ, chính sách đối với phạm nhân và con của phạm nhân trong thời gian trích xuất theo quy định của pháp luật.
  • Luật sư tư vấn về các chế độ quản lý giam giữ, chế độ ăn, ở, sinh hoạt đối với phạm nhân.
  • Luật sư tư vấn về điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân được trích xuất nếu đủ điều kiện.

Tư vấn về trích xuất người trong tố tụng hình sự

Tư vấn về trích xuất người trong tố tụng hình sự

Trích xuất người trong vụ án hình sự là hoạt động trong tố tụng hình sự được pháp luật quy định chi tiết các trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện. Tùy đối tượng được trích xuất và trường hợp được trích xuất mà cơ quan khác nhau sẽ có thẩm quyền thực hiện. Vậy nên, trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu Luật sư Tư vấn luật Hình Sự miễn phí qua điện thoại xin vui lòng liên hệ qua Hotline 1900633716 để được hỗ trợ kịp thời.

>>> Tham khảo thêm về: Dịch vụ luật sư hình sự

Scores: 4.7 (15 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,831 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716