Văn bản quy phạm pháp luật là một hình thức pháp luật thành văn được thể hiện qua các văn bản chứa được các quy phạm pháp luật do cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Bài viết dưới đây của Luật L24H sẽ cung cấp cho quý bạn đọc một số vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là gì?
- Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
- Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình – thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
- Cơ sở pháp lý: Điều 2, khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
Chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành, cụ thể:
- Quốc hội: ban hành Hiến pháp, Bộ luật, Luật, Nghị quyết.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội: ban hành pháp lệnh, nghị quyết.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: ban hành nghị quyết liên tịch.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: ban hành nghị quyết liên tịch
- Chủ tịch nước: ban hành Lệnh, quyết định.
- Chính phủ: ban hành Nghị định.
- Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: ban hành nghị quyết liên tịch.
- Thủ tướng Chính phủ: ban hành quyết định.
- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: ban hành nghị quyết.
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: ban hành thông tư.
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: ban hành thông tư.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: ban hành thông tư.
- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. (Không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ)
- Tổng Kiểm toán nhà nước: ban hành quyết định.
- Hội đồng nhân dân các cấp: ban hành nghị quyết.
- Ủy ban nhân dân các cấp: ban hành quyết định.
Cơ sở pháp lý: Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 sửa đổi, bổ sung 2020
Đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật
- Văn bản quy phạm pháp luật phải do các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành.
- Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thủ tục, trình tự theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng các quy tắc xử sự chung (quy phạm pháp luật). Các quy tắc xử sự chung chính là những khuôn mẫu, chuẩn mực mà mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân theo khi tham gia các quan hệ xã hội được quy tắc đó điều chỉnh.
- Văn bản quy phạm pháp luật được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Phân loại văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản dưới luật
- Văn bản quy phạm pháp luật được chia làm hai loại là văn bản luật và văn bản dưới luật.
- Văn bản luật là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất. Văn bản luật bao gồm Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước, các luật, các bộ luật và các nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Quốc hội. Trong trường hợp có văn bản pháp luật nào khác trái với Hiến pháp thì sẽ ưu tiên áp dụng Hiến Pháp.
- Các văn bản dưới luật bao gồm: Pháp lệnh, nghị quyết, lệnh, nghị định, quyết định, thông tư.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành bao gồm:
- Hiến pháp của Quốc hội;
- Bộ luật của Quốc hội;
- Luật của Quốc hội;
- Nghị quyết của Quốc hội;
- Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Lệnh của Chủ tịch nước;
- Quyết định của Chủ tịch nước;
- Nghị định của Chính phủ;
- Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
- Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
- Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước;
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt;
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện;
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã;
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Cơ sở pháp lý: Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 sửa đổi, bổ sung 2020
Bài viết trên của Luật L24H đã cung cấp một số vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật như đặc điểm, phân loại, chủ thể ban hành và hệ thống quy phạm pháp luật. Từ những thông tin trên, ta có thể dễ dàng phân biệt văn bản quy phạm pháp luật với văn bản áp dụng pháp luật. Trong trường hợp quý bạn đọc có khó khăn, thắc mắc hoặc có nhu cầu cần được tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ qua hotline 1900.633.716 để được luật sư hỗ trợ và tư vấn chi tiết nhất. Xin cảm ơn.