Thủ tục giải quyết tai nạn giao thông theo trình tự tố tụng dân sự

Giải quyết tai nạn giao thông theo trình tự tố tụng dân sự là một trong những cách thức giải quyết theo yêu cầu của một trong các bên có liên quan đến tai nạn giao thông. Và có sự khác biệt nhất định so với giải quyết theo thủ tục hành chính hay là xử lý hình sự. Để thấy rõ sự khác biệt này, Quý đọc giả có thể tham khảo bài viết dưới đây thông qua các khía cạnh như trách nhiệm dân sự theo Luật đền bù trong tại nạn giao thông, quy trình giải quyết theo tố tụng dân sự,…

Trình tự tố tụng dân sự yêu cầu giải quyết tai nạn giao thông

Trình tự tố tụng dân sự yêu cầu giải quyết tai nạn giao thông

Trách nhiệm dân sự trong tai nạn giao thông

Bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông là một trong những trường hợp của Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, chủ thể gây ra tai nạn giao thông có thể bồi thường các thiệt hại sau;

Thứ nhất, Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Căn cứ Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 thiệt hại do tài sản bị xâm hại bao gồm:

  • Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
  • Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.

Thứ hai, Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.

Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm thì còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Thứ ba, Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Căn cứ vào Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm các thiệt hại sau:

  • Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

>>>Xem thêm: Cách xác định lỗi để bồi thường thiệt hại do va chạm giao thông

Nguyên tắc giải quyết tai nạn giao thông theo thủ tục dân sự

Khi giải quyết tai nạn giao thông theo thủ tục dân sự cần phải tuân theo các nguyên tắc được quy định từ Điều 3 đến Điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể như sau:

  • Tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự;
  • Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp;
  • Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự;
  • Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự;
  • Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
  • Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự;
  • Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;
  • Hòa giải trong tố tụng dân sự;
  • Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự;
  • Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
  • Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ;
  • Tòa án xét xử tập thể;
  • Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai;
  • Giám đốc việc xét xử;
  • Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án;
  • Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự;
  • Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự;
  • Trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án;
  • Việc tham gia tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  • Bảo đảm tranh tụng trong xét xử;
  • Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự.

Các bước giải quyết tai nạn giao thông theo thủ tục dân sự

Bước 1: Thỏa thuận hòa giải

Bên gây ra tai nạn giao thông và bên bị thiệt hại do tai nạn giao thông có thể chủ động tiến hành hòa giải, thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thiệt hại bao gồm: thiệt hại về vật chất, sức khỏe, tình mạng hoặc tinh thần

Bước 2: Khởi kiện

Người khởi kiện làm đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP và phải có đầy đủ các nội dung được liệt kê ở khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Cá nhân, tổ chức khởi kiện đáp ứng năng lực hành vi tố tụng dân sự được quy định tại khoản 2, 3 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Chủ thể khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết thông qua một trong ba phương thức sau:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 3: Thụ lý vụ án

Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, sau khi nhận đơn khởi kiện đã đáp ứng đầy đủ các nội dung, không rơi vào các trường hợp phải trả lại đơn khởi kiện cùng với các tài liệu chứng cứ kèm theo và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì thẩm phán thông báo ngay cho người khởi kiện để họ đến Tòa làm thủ tục đóng tiền tạm ứng án phí nếu thuộc trường hợp phải đóng án phí

Khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí thì Tòa án sẽ thụ lý vụ án.

Bước 4: Xác định nghĩa vụ dân sự

Phải xác định chủ thể gây ra tai nạn giao thông phải trách nhiệm đối với bên bị tai nạn giao thông bao gồm: nghĩa vụ chi trả các khoản chi phi phí phát sinh cho việc chữa trị do tai nạn gây ra, bồi thường các thiệt hại vật chất, sức khỏe, tính mạng, tinh thần,….

Bước 5: Xác định mức bồi thường

Mức bồi thường thiệt hại được xác định dựa trên thiệt hại thực tế xảy ra. Theo đó, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 3 dẫn chiếu đến điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP thì thiệt hại thực tế bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường (khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015)

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình (khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015)

Bước 6: Ra bản án, quyết định

Sau khi xem xét một cách toàn diện và khách quan các chứng cứ tài liệu, và phần tranh tụng của các bên tại Tòa thì Hội đồng xét xử thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và đưa ra phán quyết cuối cùng (khoản 1 Điều 235 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015)

Bước 7: Thi hành bản án, quyết định của Tòa án

Bản án, quyết định của Tòa án phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án (Điều 4 Luật thi hành án dân sự 2008)

Hành động cần làm khi gặp tai nạn giao thông

Đối với trường hợp tai nạn giao thông nhẹ mà không cần phải đi bệnh viện thì chỉ cần đưa người bị tai nạn và xe vào trong mép đường và có thể gọi người nhà của họ đến

Đối với trường hợp tai nạn giao thông nặng thì phải gọi ngay xe cấp cứu và công an đến để cung cấp thông tin về vụ tai nạn giao thông. Không nên vội gác máy ngay vì có thể tổng đài hướng dẫn hướng dẫn chi tiết cần phải làm gì trong tình huống này hoặc cung cấp thêm thông tin

Trong thời gian chờ xe cấp cứu và lực lượng công an thì cần phải làm những công việc sau:

Nếu được hướng dẫn thì hãy làm theo hướng dẫn;

Quan sát tình hình xung quanh của vụ tai nạn xem có rò rỉ xăng, động cơ của xe có còn hoạt động hay không, xem phương tiện có đang bốc cháy hay không,… để kịp thời ngăn chặn;

Giữ nguyên hiện trường;

Tìm cách giúp đỡ nạn nhân khi đang chờ xe cấp cứu đến: khi không có chuyên môn thì không nên tự ý sơ cứu mà để nạn nhân nằm yên, giữ cho nạn nhân tỉnh táo, bình tĩnh trước khi xe cứu thương đến, khéo léo bỏ những vật mà cản trở hô hấp của người bị nạn. Trong trường hợp bất khả kháng cần phải dời đi thì cần phải cẩn trọng với phần xương gãy, đừng để nạn nhân bị vặn lưng, cổ;

Trong trường hợp nạn nhân ngừng thở, ngừng tim thì cần phải làm những thao tác sau trước khi xe cấp cứu đến hiện trường:

  • Bước 1: Cho nạn nhân nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay và tránh bị gập cổ.
  • Bước 2: Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân. Đặt 2 bàn tay chồng lên nhau phía trên ngực nạn nhân, tại vị trí tim. Lấy lực toàn thân ép mạnh lồng ngực của nạn nhân xuống. Lực ép cần đủ lớn để tạo kích thích lên tim. Nên ép khoảng 30 lần/ phút và duy trì liên tục.

Trên đây là những điều cần làm khi gặp tai nạn giao thông.

Cứu giúp người tai nạn giao thông trên đường

Cứu giúp người tai nạn giao thông trên đường

Luật sư tư vấn giải quyết tai nạn giao thông

  • Tư vấn hướng giải quyết phù hợp nhất khi bị tai nạn giao thông: hành chính, dân sự hay hình sự;
  • Hỗ trợ về mặt pháp lý trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông;
  • Hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết;
  • Hỗ trợ trong việc soạn thảo các đơn từ cần thiết trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông
  • Đại diện khách hàng tham gia tranh tụng tại Tòa nếu giải quyết theo thủ tục dân sự hoặc hình sự.

Luật sư bào chữa cho bị cáo gây tai nạn giao thông

Luật sư bào chữa cho bị cáo gây tai nạn giao thông

>>> Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư bảo vệ quyền lợi người bị tai nạn giao thông

Yêu cầu giải quyết tranh chấp Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông nói riêng đều phải tiến hành theo trình tư, thủ tục theo quy định của pháp luật. Và có sự khác biệt so với giải quyết tai nạn giao thông theo thủ tục hành chính ở chỗ các bên có liên quan đến tai nạn giao thông tự giải quyết thông qua yêu cầu Tòa án. Nếu khách hàng có bất kỳ sự thắc mắc hay hỗ trợ nào thì có thể liên hệ Luật L24H qua Hotline: 1900.633.716 để các luật sư chuyên tư vấn luật giao thông, giải quyết về tai nạn giao thông, Tố tụng Dân sự tư vấn một cách kịp thời và hiệu quả.

Scores: 4.7 (48 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,831 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716