Đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền là việc người được ủy quyền thực hiện các hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền được cho phép theo hợp đồng ủy quyền. Khi thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền, người được ủy quyền có thể phải chịu những hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật. Mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn những quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này.
Trách nhiệm pháp lý của hành vi đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền
Quy định về đại diện theo ủy quyền
Phạm vi ủy quyền
Theo Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015, người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
- Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ là nội dung ủy quyền.
- Trường hợp không xác định phạm vi đại diện thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
Như vậy, phạm vi ủy quyền sẽ được xác định theo nội dung ủy quyền. Đây là giới hạn quyền đại diện mà người được ủy quyền được phép xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự nhân dân người ủy quyền.
Đại diện theo ủy quyền
Thời hạn ủy quyền
Theo Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015, thời hạn ủy quyền được quy định như sau:
- Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định;
- Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Đặc điểm của đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền
Căn cứ phát sinh quan hệ đại diện
Vấn đề có hành vi đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền chỉ được đặt ra khi có tồn tại của một quan hệ đại diện thông qua sự ủy quyền giữa các bên tham gia quan hệ.
Căn cứ Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015, việc đại diện theo ủy quyền được quy định như sau:
- Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
- Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Bên cạnh đó, về căn cứ xác lập quyền đại diện theo ủy quyền, theo Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015, quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (thông qua văn bản ủy quyền, hợp đồng ủy quyền giữa người ủy quyền và người được ủy quyền)
Người được ủy quyền hành động nhân danh người ủy quyền
Căn cứ theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, trong quan hệ đại diện theo ủy quyền, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.
Như vậy, thông thường người được ủy quyền hành động nhân danh người ủy quyền thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền đã được thỏa thuận từ trước. Tuy nhiên, khi người được ủy quyền vẫn thực hiện những hành vi nhân danh người ủy quyền nhưng những công việc này lại không thuộc phạm vi được ủy quyền hoặc không vì lợi ích của người ủy quyền thì đây được xem là đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền.
Đặc điểm “hành động nhân danh người ủy quyền” là điều kiện không thể thiếu để xem xét hành vi đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền.
Người được ủy quyền hành động vượt quá phạm vi ủy quyền
Theo điểm c khoản 1 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015, người được ủy quyền chỉ được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Như đã phân tích ở trên, việc thực hiện hành vi không thuộc phạm vi được ủy quyền thì đây được xem là đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền.
Hiệu lực của hành vi đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền sẽ được xem xét chấp thuận hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố do vẫn tồn tại một số ngoại lệ theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật Dân sự 2015. Nhưng trước hết, muốn xem xét hành vi đại diện có vượt quá phạm vi ủy quyền hay không thì hành vi đó phải tồn tại đặc điểm thực hiện hành vi không thuộc phạm vi ủy quyền.
Trách nhiệm pháp lý khi người đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền
Theo Điều 143 Bộ luật Dân sự 2015, trách nhiệm pháp lý khi người đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền được xác định như sau:
Thứ nhất, giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
- Người được đại diện đồng ý;
- Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
- Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
Thứ hai, trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
Thứ ba, người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc người được đại diện đồng ý.
Thứ tư, trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách ghi mẫu giấy ủy quyền viết tay
Luật sư tư vấn giải quyết vấn đề đại diện theo ủy quyền vượt quá ủy quyền
Để hỗ trợ quý khách bảo vệ quyền lợi của mình khi giải quyết vấn đề đại diện theo ủy quyền vượt quá ủy quyền, Luật L24H hỗ trợ quý khách hàng trong các công việc sau đây:
- Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo hợp đồng ủy quyền;
- Tư vấn pháp luật về quan hệ đại diện theo ủy quyền
- Tư vấn pháp luật trường hợp đại diện theo ủy quyền vượt quá ủy quyền;
- Tư vấn quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ủy quyền;
- Hỗ trợ soạn thảo các tài liệu, giấy tờ liên quan
- Đại diện hoặc luật sư tham gia giải quyết tranh chấp quan hệ đại diện theo ủy quyền theo đúng quy định pháp luật.
>>> Xem thêm: Mẫu giấy ủy quyền giải quyết công việc
Như vậy, trường hợp đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền thì sẽ chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. Quý khách hàng nếu có nhu cầu tư vấn chuyên sâu, cụ thể hơn về hướng xử lý tranh chấp trong quan hệ ủy quyền, vui lòng liên hệ số Hotline: 1900633716 để được Luật sư dân sự của Luật L24H tư vấn giải đáp cụ thể.
Một số bài viết liên quan có thể bạn đọc quan tâm: