Các lưu ý khi người dân cần biết trước khi đi kiện đóng một vai trò quan trọng giúp cho việc khởi kiện không phát sinh rắc rối. Quy định về chủ thể, đối tượng, đơn khởi kiện hay việc xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết giúp cho người khởi kiện tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các lưu ý cụ thể cho người dân trước khi đi kiện vụ án dân sự.
Các lưu ý cho người dân trước khi đi kiện
Quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự
Căn cứ Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
- Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.
Như vậy, quyền khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo đảm lợi ích cho người bị thiệt hại.
Các lưu ý trước khi người dân đi kiện
Chủ thể khởi kiện
Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Căn cứ Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực tố tụng dân sự và năng lực hành vi dân sự.
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên là chủ thể khởi kiện có đầy đủ năng lực tố tụng dân sự và năng lực hành vi dân sự, trừ những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng dân sự của họ được xác định theo quyết định của Tòa án.
- Người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
- Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ được xác định theo quyết định của Tòa án.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó.
- Đối với cơ quan, tổ chức thì chủ thể khởi kiện là người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó.
Như vậy, lưu ý đầu tiên trước khi đi kiện là cần xem xét bản thân có đủ điều kiện để có thể thực hiện việc khởi kiện hay không, nếu không đủ điều kiện thì cần phải nhờ người đại diện hợp pháp theo quy định của luật.
Đối tượng khởi kiện
Căn cứ Điều 26, 28, 30, 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, đối tượng khởi kiện bao gồm các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự).
Việc xác định đúng đối tượng khởi kiện không chỉ giúp người khởi kiện tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện
Căn cứ khoản 1 Điều 154 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Căn cứ Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015, đối với các trường hợp sau sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện:
- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
- Trường hợp khác do luật quy định.
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Như vậy, không phải bất kỳ trường hợp khởi kiện nào cũng sẽ được áp dụng thời hiệu khởi kiện. Ngoài ra, cần lưu ý rằng người khởi kiện phải yêu cầu áp dụng thời hiệu thì mới được Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu.
Thẩm quyền giải quyết
Thẩm quyền giải quyết sơ thẩm của Tòa án được xác định như sau:
- Thẩm quyền giải quyết theo vụ việc dân sự: các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án được quy định tại Điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
- Thẩm quyền theo cấp: thẩm quyền theo cấp của Toà án được chia làm 2 cấp là Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án nhân dân cấp tỉnh theo quy định căn cứ tại các Điều 35, 36, 37, 38 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Theo đó, tùy vào vụ án cụ thể mà thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ án có thể là tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh
- Thẩm quyền theo lãnh thổ: thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án được quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Tạm ứng án phí
Căn cứ Điều 143 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tiền tạm ứng án phí bao gồm tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
Các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí được quy định tại Điều 11 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án:
- Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án dân sự hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật tố tụng dân sự, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước khởi kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện vụ án hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để thu hồi nợ vay trong trường hợp Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
- Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;
- Người bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;
- Các trường hợp khác không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí mà pháp luật có quy định.
Căn cứ Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí:
- Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
- Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
- Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
- Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 7 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức tạm ứng án phí bằng 50% mức tạm ứng án phí quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Mức án phí của từng tranh chấp được xác định tại danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
Như vậy, tiền tạm ứng án phí chính là căn cứ để Tòa án tiến hành thụ lý vụ án. Tùy vào các yêu cầu khởi kiện mà người khởi kiện có thể được miễn hay giảm tiền tạm ứng án phí.
Các tranh chấp cần hòa giải trước khi khởi kiện
Các tranh chấp sau cần hoà giải trước khi khởi kiện:
Tranh chấp lao động cá nhân:
Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 quy định tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Tranh chấp lao động tập thể về quyền
Căn cứ khoản 2 Điều 191 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Căn cứ khoản 2 Điều 195 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
Tranh chấp đất đai
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng Dân sự 92/2015/QH13:
- Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.
- Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Như vậy, trong tranh chấp đất đai chỉ bắt buộc hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, còn đối với các tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất thì thủ tục hòa giải không bắt buộc.
Hoà giải trước khi khởi kiện
Thủ tục khởi kiện
Hồ sơ
Căn cứ khoản 4 và khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, hồ sơ khởi kiện gồm:
- Đơn khởi kiện (mẫu số 23-DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017);
- Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác chứng minh nhân thân của các bên;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
>>>Xem thêm: Mẫu đơn khởi kiện vụ án hành chính 2024, Hướng dẫn viết, nộp đơn
Thủ tục thực hiện
Thủ tục khởi kiện được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Căn cứ Khoản 1 Điều 190 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính
- Gửi trực tuyến qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia (nếu có)
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý đơn
Căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện như sau:
Thứ nhất, tiếp nhận đơn
- Nếu nộp trực tiếp, Tòa án cấp ngay giấy xác nhận đơn cho người khởi kiện
- Nếu nộp theo đường dịch vụ bưu chính, Tòa án gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn
- Nếu nộp bằng phương thức gửi trực tuyến, Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng Dịch vụ Công Quốc gia (nếu có)
Thứ hai, xử lý đơn
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 3: Thụ lý đơn khởi kiện
- Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định sau khi nhận đơn, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người nộp đơn biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Bước 4: Chuẩn bị xét xử
Căn cứ khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015,thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng kể từ ngày thụ lý đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng.
Theo khoản 2 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật này;
- Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác;
- Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng;
- Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
- Xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này;
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật này.
Bước 5: Mở phiên toà xét xử sơ thẩm
Căn cứ khoản 4 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Bước 6: Thẩm phán ban hành bản án hoặc quyết định
Bước 7: Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị
Theo quy định của Điều 270 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Căn cứ khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án
- Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
- Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
>>>Xem thêm: Trình tự, Thủ tục khởi kiện vụ án dân sự theo quy trình đầy đủ nhất 2024
Luật sư tư vấn các vấn đề pháp lý trước khi khởi kiện
Luật L24H xin cung cấp dịch vụ tư vấn các vấn đề pháp lý trước khi khởi kiện:
- Tư vấn quy định về quyền khởi kiện
- Tư vấn, hỗ trợ soạn thảo đơn khởi kiện
- Hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trước khi khởi kiện
- Tư vấn tiền tạm ứng án phí phải nộp khi khởi kiện
- Tư vấn, xác định Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
- Soạn thảo đơn khởi kiện, hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
- Đại diện theo uỷ quyền nộp đơn khởi kiện
- Tư vấn và giải quyết các vấn đề khác liên quan
Tư vấn các vấn đề pháp lý trước khi đi kiện
Những rủi ro pháp lý luôn thường trực tồn tại trong đời sống. Do đó, việc chuẩn bị cẩn thận mọi thứ trước khi khởi kiện sẽ giúp việc khởi kiện diễn ra một cách hiệu quả. Nếu khách hàng có gặp vướng mắc về các vấn đề pháp lý trước khi đi kiện thì hãy liên hệ đến Dịch vụ luật sư dân sự qua hotline: 1900.633.716.
Một số bài viết liên quan có thể bạn đọc quan tâm: