Tranh chấp nghĩa vụ thanh toán trong Hợp đồng xây dựng là tranh chấp phổ biến nhất trong các loại tranh chấp về xây dựng. Tranh chấp này xuất phát từ sự vi phạm của chủ đầu tư khi nhà thầu đã hoàn thành việc thi công theo hợp đồng nhưng lại không thanh toán đầy đủ hoặc chậm thanh toán. Để nắm rõ hơn các thông tin về nghĩa vụ thanh toán, cách thức và thẩm quyền giải quyết nghĩa vụ thanh toán trong Hợp đồng xây dựng thì có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Nghĩa vụ thanh toán trong Hợp đồng xây dựng
Quy định về thanh toán trong Hợp đồng xây dựng
Căn cứ Điều 144 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về thanh toán Hợp đồng xây dựng được quy định như sau:
- Việc thanh toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng mà các bên đã ký kết
- Các bên hợp đồng thỏa thuận về phương thức thanh toán, thời gian thanh toán, hồ sơ thanh toán và điều kiện thanh toán.
- Bên giao thầu phải thanh toán đủ giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Đối với hợp đồng trọn gói, việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
- Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh, việc thanh toán trên cơ sở khối lượng thực tế hoàn thành được nghiệm thu và đơn giá hợp đồng hoặc đơn giá điều chỉnh theo thỏa thuận hợp đồng.
- Đối với hợp đồng theo thời gian, việc thanh toán chi phí chuyên gia tư vấn được xác định trên cơ sở mức tiền lương chuyên gia và các chi phí liên quan đến hoạt động của chuyên gia tư vấn nhân với thời gian làm việc thực tế được nghiệm thu (theo tháng, tuần, ngày, giờ).
- Đối với hợp đồng theo chi phí, cộng phí việc thanh toán được thực hiện trên cơ sở chi phí trực tiếp thực hiện công việc của hợp đồng và các chi phí quản lý, lợi nhuận của bên nhận thầu theo thỏa thuận.
- Việc thanh toán đối với khối lượng phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng xây dựng được thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng.
- Đồng tiền sử dụng trong thanh toán hợp đồng xây dựng là Đồng Việt Nam; trường hợp sử dụng ngoại tệ để thanh toán do các bên hợp đồng thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Như vậy, khi ký kết hợp đồng xây dựng trong đó có điều khoản thanh toán thì các bên trong hợp đồng cần chú ý đến các quy định về thanh toán hợp đồng xây dựng để đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên.
Các chế tài áp dụng khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng xây dựng
Thứ nhất, Buộc thực hiện hợp đồng
Mặc dù Luật xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 không có một điều khoản riêng về buộc thực hiện hợp đồng nhưng nó lại được ghi nhận rải rác ở các điều khoản khác nhau: chủ đầu tư có quyền yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng khắc phục hậu quả khi vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn và bảo vệ môi trường; (điểm b, d khoản 1 Điều 112 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020) hay là nhà thầu thi công xây dựng có quyền yêu cầu thanh toán giá trị khối lượng xây dựng hoàn thành theo đúng hợp đồng (điểm c khoản 1 Điều 113 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020)
Như vậy, khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng xây dựng thì chủ thể bị vi phạm có quyền áp dụng chế tài buộc thực hiện hợp đồng để yêu cầu bên kia thanh toán đúng như thỏa thuận trong hợp đồng.
Thứ hai, Phạt vi phạm
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về phạt hợp đồng xây dựng được quy định như sau:
- Phạt vi phạm hợp đồng phải được các bên thỏa thuận và ghi vào hợp đồng
- Mức phạt vi phạm: mức phạt tối đa không quá 12% giá trị phần hợp đồng vi phạm đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.
Thứ ba, Bồi thường thiệt hại
- Căn cứ điểm d khoản 4 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 có quy định bên giao thầu phải phải bồi thường thiệt hại cho bên nhận thầu khi bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng. Như vậy, khi bên giao thầu vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì thì bên nhận thầu có quyền yêu cầu bên giao thầu bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp bên giao thầu đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán sau khi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên nhận thầu còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia.
Ngoài ra, khi có vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng xây dựng thì có thể áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng.
>>> Xem thêm: Mức phạt tối đa trong hợp đồng xây dựng là bao nhiêu?
>>> Xem thêm: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại vi phạm trong hợp đồng xây dựng
Giải quyết tranh chấp nghĩa vụ thanh toán
Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp
Căn cứ khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 khi giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng thì phải tuân thủ các nguyên tắc và trình tự sau:
- Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;
- Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.
Phương thức giải quyết tranh chấp
Thứ nhất, Thương lượng
- Thương lượng là phương thức được ưu tiên áp dụng đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp
- Một trong các bên đề nghị để gặp trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua email, điện thoại để thỏa thuận giải quyết tranh chấp
- Phương thức này nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm cho các bên nhưng không mang tính ràng buộc cao
Giải quyết tranh chấp nghĩa vụ thanh toán bằng thương lượng
Thứ hai, Hòa giải
- Là phương thức có sự tham gia của bên thứ ba, độc lập với Tòa án. Các bên phải thống nhất để lựa chọn bên thứ ba đứng ra hòa giải
- Ưu điểm: nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, hiệu quả nếu kết quả hòa giải thành
- Nhược điểm: dù hòa giải không thành hay hòa giải thành thì đều phải trả một khoản chi phí cho hòa giải viên; nếu hòa giải không thành thì còn tốn thời gian để thực hiện phương thức giải khác: khởi kiện ra trung tâm trọng tài hoặc Tòa án
Thứ ba, Khởi kiện ra trung tâm trọng tài
- Để giải quyết tranh chấp bằng phương thức này, các bên phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực dưới dạng điều khoản trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận trọng tài riêng có hiệu lực độc lập với hợp đồng
- Phán quyết trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực kể từ ngày ban hành nhưng trong một số trường hợp Phán quyết trọng tài vẫn có thể bị hủy khi thuộc vào một trong các trường hợp như thỏa thuận trọng tài trái với quy định của pháp luật, chứng cứ do các bên cung cấp là giả mạo hoặc phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam
- Thời gian giải quyết bằng trọng tài được rút ngắn hơn so với giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, mang tính ràng buộc cho các bên
Thứ tư, Khởi kiện tại Tòa án
- Đây là phương thức thường được một trong các bên tranh chấp lựa chọn để giải quyết
- Việc giải quyết tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
- Ưu điểm: giải quyết triệt để tranh chấp và bản án, quyết định của Tòa án có giá trị bắt buộc đối với các bên tranh chấm. Tuy nhiên, tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí.
>>>Xem thêm: Các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán Hợp đồng xây dựng là một trong những loại tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự nên căn cứ vào khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án
Thẩm quyền theo cấp: Căn cứ khoản 1, 3 Điều 35 và điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
- Thông thường tranh chấp về nghĩa vụ bảo hành công trình xây dựng thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện.
- Trong trường hợp mà có đương sự ở nước ngoài hoặc Tòa án Nhân dân cấp tỉnh tự lấy lên giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án Nhân dân cấp huyện thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án Nhân dân cấp tỉnh.
Thẩm quyền theo lãnh thổ: điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
- Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức
- Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức
Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn: điểm a, b, c, g, h khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
- Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
- Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
- Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
- Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
- Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp trong xây dựng
- Tư vấn về hướng giải quyết khi bên kia của hợp đồng vi phạm, trong đó có vi phạm nghĩa vụ trả tiền;
- Hỗ trợ thu thập các tài liệu để chứng minh cho vi phạm của một bên;
- Trong trường hợp có yêu bồi thường thiệt hại thì sẽ tư vấn về mức bồi thường thiệt hại hợp lý;
- Đưa ra các ý kiến pháp lý để giải quyết tranh chấp;
- Tư vấn trình tự, thủ tục khởi kiện ra Tòa;
- Soạn thảo đơn từ;
- Đại diện khách hàng làm việc với cơ quan có thẩm quyền.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng
Luật sư tư vấn trình tự khởi kiện ra Tòa án
Điều khoản về thanh toán Hợp đồng xây dựng là điều khoản được các bên trong hợp đồng rất chú trọng bởi vì ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của các bên đặc biệt là bên được thanh toán. Cũng chính vì tác động trực tiếp lợi ích của các bên nên thông thường hay xảy ra tranh chấp. Do đó, để hạn chế tranh chấp về thanh toán hợp đồng hoặc là giải quyết tranh chấp hợp đồng triệt để thì hãy liên hệ đến luật sư tư vấn hợp đồng tại Luật L24H qua Hotline: 1900.633.716 để được các Luật sư tư vấn chuyên sâu về dân sự, Xây dựng trong đó có liên quan đến Hợp đồng xây dựng một cách hiệu quả và chính xác nhất.