Hợp đồng kinh tế là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên về việc tạo lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ kinh tế. Hiểu rõ về hợp đồng kinh tế là gì? giúp bạn tự tin tham gia vào các hoạt động thương mại và bảo vệ quyền lợi của bản thân. Bài viết cung cấp thông tin chi tiết về khái niệm, vai trò, phân loại hợp đồng kinh tế, đồng thời hướng dẫn cách soạn thảo hợp đồng hiệu quả, cung cấp mẫu hợp đồng kinh tế chuẩn mới nhất
Hợp đồng kinh tế là gì?
Hợp đồng kinh tế là gì?
Căn cứ theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Từ khái niệm này, có thể rút ra được khái niệm về hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực thương mại được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ và các thỏa thuận khác có liên quan đến mục đích kinh doanh.
Các loại hợp đồng kinh tế thường gặp trong Luật Thương mại Việt Nam
Hợp đồng mua bán
Về hình thức của hợp đồng mua bán, căn cứ theo Điều 24 Luật Thương mại 2005, hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa, được quy định cụ thể từ Điều 34 đến Điều 62 của Luật Thương mại 2005. Bao gồm các quyền và nghĩa vụ cơ bản như sau:
- Bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của Luật Thương mại 2005.
- Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thoả thuận.
- Trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác.
- Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.
- Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá.
(CSPL: Điều 34; Điều 37; Điều 38; Điều 50; Điều 55 Luật Thương mại 2005)
Các loại hợp đồng kinh tế thường gặp
Hợp đồng gia công
Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
Về hình thức của hợp đồng gia công: Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Về hàng hóa gia công: tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. Trường hợp gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công:
- Giao một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu gia công theo đúng hợp đồng gia công hoặc giao tiền để mua vật liệu theo số lượng, chất lượng và mức giá thỏa thuận.
- Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
- Bán, tiêu huỷ, tặng biếu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo thoả thuận và phù hợp với quy định của pháp luật.
- Cử người đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công, cử chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công.
- Chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hoá gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công:
- Cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công theo thỏa thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá.
- Nhận thù lao gia công và các chi phí hợp lý khác.
- Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.
- Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật về thuế.
- Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hóa trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
(CSPL: Điều 178; Điều 179; Điều 180; Điều 181; Điều 182 Luật Thương mại 2005)
Hợp đồng đại lý
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Về hình thức của hợp đồng: hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Các hình thức đại lý:
- Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
- Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.
- Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận.
(CSPL: Điều 166; Điều 168; Điều 169 Luật Thương mại 2005)
Hợp đồng ủy thác
Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác.
Hình thức của hợp đồng: Hợp đồng uỷ thác mua bán hàng hoá phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Bên nhận uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác và thực hiện mua bán hàng hoá theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác.
Bên uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc không phải là thương nhân giao cho bên nhận uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả thù lao uỷ thác.
(CSPL: Điều 155; Điều 156; Điều 157; Điều 159 Luật Thương mại 2005)
Mẫu hợp đồng kinh tế
>>> TẢI MẪU HỢP ĐỒNG KINH TẾ CHUẨN
Mẫu hợp đồng kinh tế chuẩn
Tùy vào điều kiện, ý chí của các bên mà hợp đồng kinh tế sẽ bao gồm những nội dung khác nhau. Pháp luật tôn trọng các thỏa thuận của các bên. Nhìn chung, một hợp đồng kinh tế phải đảm bảo bao gồm các nội dung cơ bản như sau:
- Quốc hiệu, tiêu ngữ;
- Tên văn bản: HỢP ĐỒNG KINH TẾ;
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
- Thông tin của các bên ký kết hợp đồng (bao gồm đại diện, địa chỉ , mã số thuế, phương thức liên lạc,…);
- Các điều khoản trong hợp đồng thể hiện ý chí của các bên về các nội dung của giao dịch;
- Chữ ký của đại diện các bên.
Luật sư tư vấn soạn thảo, xây dựng hợp đồng kinh tế
Luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng kinh tế
- Tư vấn về các nội dung về phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng kinh tế;
- Tư vấn về các loại hợp đồng kinh tế thông dụng;
- Tư vấn về việc xây dựng phụ lục hợp đồng kinh tế;
- Cung cấp dịch vụ soạn thảo hợp đồng kinh tế
- Tư vấn Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế
Hợp đồng kinh tế đã và đang là một trong những loại văn bản phổ biến trên thực tế. Hy vọng với bài viết trên, Luật L24H đã cung cấp cho quý khách những thông tin bổ ích. Mọi thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng, kính mời Quý khách liên hệ số hotline 1900.633.716 để được các luật sư hỗ trợ tư vấn giải đáp.