Cho vay tiền bằng ngoại tệ có bị tịch thu không

Cho vay tiền bằng ngoại tệ có bị tịch thu không là vấn đề được nhiều người quan tâm khi thực hiện giao dịch cho vay. Hiện nay, có nhiều hợp đồng cho vay tiền không chỉ sử dụng đồng Việt Nam mà còn sử dụng các loại ngoại tệ khác như đô la Mỹ, đồng Euro,.. vậy hành vi này có vi phạm pháp luật không? Bài viết này sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi trên và liệu việc cho vay bằng ngoại tệ có bị tịch thu hay không.

Hợp đồng cho vay bằng ngoại tệ

Hợp đồng cho vay bằng ngoại tệ

Ngoại tệ là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 07/2012/TT-NHNN quy định về trạng thái ngoại tệ của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thì “Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực.”

Trên thực tế giao thương, thường coi trọng ngoại tệ mạnh, là những đồng tiền được sử dụng rộng rãi trong giao dịch quốc tế, có giá trị quy đổi cao và ít chịu ảnh hưởng của tỷ giá đồng tiền khác. Một số đồng ngoại tệ mạnh thông dụng nhất thế giới được thừa nhận trong thời gian dài là USD (Đô la Mỹ), EURO (Đồng tiền chung châu Âu), GBP (Bảng Anh), CAD (Đô la Canada), CHF (Phrăng Thụy Sỹ), YJP (Yên Nhật).

Các trường hợp được sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam

Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005, Điều 3, 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN, khoản 1 Điều 1 Thông tư 16/2015/TT-NHNN quy định về các trường hợp được sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam như sau:

  • Cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan Nhà nước khác tại các cửa khẩu của Việt Nam và kho ngoại quan được niêm yết bằng ngoại tệ và thu bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh, phí cung ứng dịch vụ và các loại phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật.
  • Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng được phép) được giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối được giao dịch và niêm yết bằng ngoại tệ trong phạm vi cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • Người cư trú là tổ chức có tư cách pháp nhân được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản giữa tài khoản của tổ chức đó với tài khoản của đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân và ngược lại.
  • Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
  • Người cư trú thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định sau:

Người cư trú nhận ủy thác nhập khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác nhập khẩu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng nhập khẩu từ bên ủy thác nhập khẩu;

Người cư trú nhận ủy thác xuất khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác xuất khẩu bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng xuất khẩu cho bên ủy thác xuất khẩu.

  • Người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài thực hiện theo quy định sau:
  1. Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu thông qua đấu thầu quốc tế theo quy định tại Luật Đấu thầu: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.
  2. Đối với việc thực hiện gói thầu theo quy định của pháp luật về dầu khí: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.
  • Người cư trú là doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định sau:
  1. Được báo giá, định giá, ghi giá dịch vụ bảo hiểm trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ bên mua bảo hiểm đối với hàng hóa, dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài;
  2. Trường hợp phát sinh tổn thất đối với phần tái bảo hiểm ra nước ngoài, người cư trú là tổ chức mua bảo hiểm được nhận số tiền bồi thường bằng ngoại tệ chuyển khoản từ công ty tái bảo hiểm nước ngoài thông qua doanh nghiệp bảo hiểm để thanh toán các chi phí khắc phục tổn thất ở nước ngoài.
  • Người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế được niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hóa. Ngoại tệ sử dụng trong giao dịch tại cửa hàng miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bán hàng miễn thuế.
  • Người cư trú là tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan được niêm yết, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
  • Người cư trú là tổ chức làm đại lý cho hãng vận tải nước ngoài trên cơ sở hợp đồng đại lý ký kết giữa hai bên thực hiện theo quy định sau:
  1. Được thay mặt cho hãng vận tải nước ngoài báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ đối với cước phí vận tải hàng hóa quốc tế. Việc thanh toán phải thực hiện bằng đồng Việt Nam;
  2. Được chi hộ bằng ngoại tệ chuyển khoản để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tại cảng biển quốc tế, khu cách ly tại sân bay quốc tế;
  3. Được chi hộ bằng ngoại tệ tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú do hãng tàu biển nước ngoài ủy quyền.
  • Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định sau:
  1. Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất;
  2. Được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản với doanh nghiệp chế xuất khác.
  • Người cư trú là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ) chỉ sử dụng tiếng nước ngoài.
  • Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.
  • Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được niêm yết bằng ngoại tệ và thu phí thị thực xuất nhập cảnh, các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt.
  • Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:
  1. Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;
  2. Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.
  • Đối với các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí và các trường hợp cần thiết khác, tổ chức được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận bằng văn bản căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp theo hồ sơ, trình tự, thủ tục luật định.

Hợp đồng cho vay tiền có được sử dụng ngoại tệ không

Căn cứ Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau:

“Nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam

Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.”

Từ năm 2019 việc cho vay ngoại tệ chỉ được thực hiện trong bốn trường hợp sau (Điều 3 Thông tư 24/2015/TT-NHNN sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 42/2018/TT-NHNN)

  • Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới, với điều kiện khách hàng vay phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay;
  • Cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu;
  • Cho vay ngắn hạn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới, với điều kiện khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Trong trường hợp này, khách hàng vay phải bán lại số ngoại tệ vậy đó theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ;
  • Cho vay đối với các nhu cầu vốn ngoài các quy định trên thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định tại các nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đối với từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại tệ theo quy định tại Điều 4 và Điều 3 Thông tư 24/2015/TT-NHNN sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 42/2018/TT-NHNN nêu trên thì mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại tệ.

Ngoại tệ khi cho vay có bị tịch thu không

Xử phạt hành vi cho vay bằng ngoại tệ

Xử phạt hành vi cho vay bằng ngoại tệ

Theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005, sửa đổi năm 2013 thì hành vi cho vay tiền có ngoại tệ có thể bị xử phạt như sau:

“Điều 23. Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối

  1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
  2. n) Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;”

Căn cứ quy định trên, nếu giao dịch cho vay tiền bằng ngoại tệ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ bị xử phạt từ 30 triệu đến 50 triệu đồng.

Đối với hành vi này thì không có quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu ngoại tệ. Vì vậy, ngoại tệ khi cho vay sẽ không bị tịch thu.

Luật sư tư vấn về hợp đồng cho vay tiền

Tư vấn các hợp đồng dân sự

Tư vấn các hợp đồng dân sự

  • Tư vấn về các trường hợp được sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam
  • Tư vấn về nội dung của hợp đồng vay tiền theo quy định của pháp luật
  • Đại diện khách hàng tham gia các buổi đàm phán, ký kết hợp đồng dân sự;
  • Giải thích quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng thuê tài sản
  • Giải quyết tranh chấp xảy ra liên quan đến hợp đồng vay tiền

>>> Xem thêm: Luật cho vay tiền cá nhân

Có thể thấy, hợp đồng cho vay tiền bằng ngoại tệ không thuộc trường hợp pháp luật cho phép có thể bị phạt tiền theo quy định của pháp luật. Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng có thể giúp các bạn trả lời được câu hỏi trên. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về hợp đồng vay tiền nói riêng cũng như hợp đồng dân sự nói chúng hãy liên hệ ngay Luật L24H qua số Hotline: 1900.633.716 để nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất, chính xác nhất từ luật sư tư vấn dân sự. Xin cảm ơn.

Scores: 4.6 (32 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,828 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716