Chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công chậm tiến độ như thế nào?

Chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công chậm tiến độ được thực hiện khi việc chậm tiến độ, thi công của nhà thầu gây ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của gói thầu. Việc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đang thi công mà chậm tiến độ thì sẽ giải quyết, xử lý ra sao. Để hiểu thêm về việc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công chậm tiến độ. Tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Xử lý khi nhà thầu thi công chậm tiến độ

Xử lý khi nhà thầu thi công chậm tiến độ

Thế nào là hợp đồng xây dựng?

Theo khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng 2014 quy định về hợp đồng xây dựng như sau: Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng xây dựng

Quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quyền của bên giao thầu thi công xây dựng gồm:

  • Tạm dừng thi công xây dựng công trình và yêu cầu khắc phục hậu quả khi bên nhận thầu vi phạm các quy định về chất lượng công trình, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ;
  • Kiểm tra chất lượng thực hiện công việc, cơ sở gia công chế tạo của bên nhận thầu nhưng không được làm cản trở hoạt động bình thường của bên nhận thầu;
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.luật.

Nghĩa vụ của bên giao thầu thi công xây dựng được quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định này gồm:

  • Trường hợp bên giao thầu là chủ đầu tư thì phải xin giấy phép xây dựng theo quy định.
  • Bàn giao toàn bộ hoặc từng phần mặt bằng xây dựng cho bên nhận thầu quản lý, sử dụng phù hợp với tiến độ và các thỏa thuận của hợp đồng.
  • Cử và thông báo bằng văn bản cho bên nhận thầu về nhân lực chính tham gia quản lý thực hiện hợp đồng.
  • Cung cấp kịp thời hồ sơ thiết kế và các tài liệu, phương tiện, máy và thiết bị có liên quan, vật tư theo thỏa thuận trong hợp đồng (nếu có) và quy định của pháp luật có liên quan.
  • Thanh toán cho bên nhận thầu theo đúng tiến độ thanh toán trong hợp đồng.
  • Tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình.
  • Kiểm tra biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ của bên nhận thầu.
  • Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng đúng thời hạn theo quy định.
  • Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ tư vấn thì phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tư vấn trong việc quản lý thực hiện hợp đồng và thông báo cho bên nhận thầu biết.
  • Xem xét và chấp thuận kịp thời bằng văn bản các đề xuất liên quan đến thiết kế, thi công của bên nhận thầu trong quá trình thi công xây dựng công trình.
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thầu

Theo Khoản 1 Điều 28 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quyền của bên nhận thầu thi công xây dựng như sau:

  • Được quyền đề xuất với bên giao thầu về khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng; từ chối thực hiện những công việc ngoài phạm vi của hợp đồng khi chưa được hai bên thống nhất và những yêu cầu trái pháp luật của bên giao thầu.
  • Được thay đổi các biện pháp thi công sau khi được bên giao thầu chấp thuận nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả công trình trên cơ sở giá hợp đồng đã ký kết.
  • Được quyền yêu cầu bên giao thầu thanh toán các khoản lãi vay do chậm thanh toán theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng; được quyền đòi bồi thường thiệt hại khi bên giao thầu chậm bàn giao mặt bằng và các thiệt hại khác do lỗi của bên giao thầu gây ra.
  • Các quyền khác theo quy định của pháp luật.luật.

Nghĩa vụ của bên nhận thầu thi công xây dựng được quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định này như sau:

  • Cung cấp nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị thi công và các điều kiện vật chất liên quan khác đủ số lượng và chủng loại theo hợp đồng; thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp bên nhận thầu thực hiện thiết kế bản vẽ thi công) để thực hiện các công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
  • Tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản tim, cốt, mốc giới công trình.
  • Thi công xây dựng theo đúng thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.
  • Ghi nhật ký thi công xây dựng công trình.
  • Thí nghiệm vật liệu, kiểm định thiết bị, sản phẩm xây dựng theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng.
  • Quản lý người lao động trên công trường, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, không gây ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh.
  • Lập biện pháp tổ chức thi công, hồ sơ hoàn công, tham gia nghiệm thu công trình.
  • Chịu trách nhiệm về chất lượng thi công xây dựng công trình do mình đảm nhận. Sửa chữa sai sót trong công trình đối với những công việc do mình thi công.
  • Phối hợp với các nhà thầu khác cùng thực hiện trên công trường.
  • Định kỳ báo cáo với bên giao thầu về tiến độ thi công, nhân lực và thiết bị chính để thi công xây dựng công trình.
  • Di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và những tài sản khác của mình ra khỏi công trường trong thời hạn quy định sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao hoặc hợp đồng bị chấm dứt theo quy định tại Điều 41 Nghị định này, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác.
  • Hoàn trả mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Giữ bí mật thông tin liên quan đến hợp đồng hoặc pháp luật có quy định.
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quy định của pháp luật về hợp đồng thi công

Quy định của pháp luật về hợp đồng thi công

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng xây dựng

Chấm dứt theo thỏa thuận

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng được các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và phải phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có thỏa thuận khác thì sẽ căn cứ quy định pháp luật để xác định trường hợp chấm dứt hợp đồng xây dựng

Tuy nhiên cần lưu ý một số trường hợp:

  • Việc chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại khi thuộc một trong các trường hợp tại khoản 7 và khoản 8 Điều 41 Nghị định 37/2015/NĐ-CP.
  • Việc một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng mà không phải do lỗi của bên bị đơn phương thì phải bồi thường thiệt hại.
  • Các bên phải hoàn tất việc thanh lý hợp đồng kể từ thời điểm bị chấm dứt và trong khoảng thời gian theo thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 56 ngày kể từ ngày thông báo chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp có thuận khác. Ngoài thời gian này nếu một bên không làm các thủ tục thanh lý hợp đồng thì bên kia được toàn quyền quyết định việc thanh lý hợp đồng.

(Cơ sở pháp lý: Khoản 4 và Khoản 6 Điều 41 Nghị định 37/2015/NĐ-CP)

Quyền chấm dứt của bên giao thầu

Bên giao thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp cụ thể sau:

  • Bên nhận thầu bị phá sản, giải thể hoặc chuyển nhượng hợp đồng xây dựng cho người hoặc tổ chức khác mà không có sự chấp thuận của bên giao thầu.
  • Bên nhận thầu từ chối thực hiện công việc theo hợp đồng hoặc năm mươi sáu (56) ngày liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng, dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng, trừ trường hợp được phép của bên giao thầu.

(Cơ sở pháp lý: Khoản 7 Điều 41 Nghị định 37/2015/NĐ-CP).

Quyền chấm dứt của bên nhận thầu

Bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp cụ thể sau:

  • Bên giao thầu bị phá sản, giải thể hoặc chuyển nhượng hợp đồng xây dựng cho người hoặc tổ chức khác mà không có sự chấp thuận của bên nhận thầu.
  • Sau năm mươi sáu (56) ngày liên tục công việc bị dừng do lỗi của bên giao thầu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
  • Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu sau năm mươi sáu (56) ngày kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

(Cơ sở pháp lý: khoản 8 Điều 41 Nghị định 37/2015/NĐ-CP).

Thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công chậm tiến độ

Việc chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công chậm tiến độ được thực hiện với điều kiện bên chấm dứt phải thông báo cho bên kia bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng trước một khoản thời gian được quy định trong hợp đồng nhưng không ít hơn 28 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác và phải nêu rõ lý do chấm dứt hợp đồng.

Trường hợp bên chấm dứt hợp đồng không thông báo hoặc vi phạm thời gian thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại.

(Cơ sở pháp lý: Khoản 5 Điều 41 Nghị định 37/2015/NĐ-CP)

Giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng

Khi giải quyết các tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, các bên phải tuân thủ nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định tại Khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng 2014. Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định như sau:

  • Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;
  • Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.

Tư vấn xử lý về hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng

Tư vấn xử lý về hợp đồng xây dựng

Tư vấn xử lý về hợp đồng xây dựng

Việc chấm dứt hợp đồng khi nhà thầu thi công chậm tiến độ có thể do nguyên nhân khách quan, chủ quan. Vì vậy để đảm bảo lợi ích tốt nhất trong quá trình thực hiện hợp đồng thì khách hàng có thể liên hệ với Luật sư tư vấn luật xây dựng của Luật L24H qua Hotline 1900633716 để được Luật sư chuyên môn tư vấn giải đáp kịp thời, hiệu quả nhất.

Scores: 4.6 (25 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,877 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716