Khách thể là gì? Khách thể của tội phạm trong Bộ Luật Hình sự

Khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan và chủ thể là các yếu tố cấu thành tội phạm. Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị 1 chủ thể nào đó xâm hại. Bất cứ tội phạm nào cũng đều xâm hại một hoặc một số quan hệ xã hội nhất định được Luật Hình sự bảo vệ. Vậy đối tượng nào thuộc phạm vi bảo vệ của luật hình sự, có mấy loại khách thể? Bài viết dưới đây Luật L24H sẽ cung cấp thêm thông tin đến các bạn đọc như sau.

Mặt khách thể của tội phạm

Mặt khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là gì?

Khách thể là những lợi ích vật chất hoặc lợi ích về tinh thần, hoặc lợi ích cả về vật chất và tinh thần mà các bên chủ thể mong muốn đạt được khi tham gia vào một quan hệ pháp luật nào đó.

Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội bị xâm phạm mà các quan hệ xã hội đó được Bộ luật hình sự bảo vệ được quy định ở Khoản 1, Điều 8 của Bộ luật Hình sự 2015.

Khách thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm và được hiểu là đối tượng bị tội phạm xâm hại.

Ý nghĩa của việc xác định khách thể của tội phạm

  1. Là căn cứ để định tội.
  2. Là căn cứ để phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác.
  3. Là căn cứ để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Phân loại khách thể của tội phạm

Khách thể chung của tội phạm

Khách thể chung của tội phạm là tổng hợp các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của tội phạm. Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam thì khách thể chung của tội phạm là các quan hệ xã hội đã được xác định tại Điều 1 và Điều 8 của Bộ luật Hình sự là: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân …

Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều xâm hại khách thể chung của tội phạm, đều xâm hại hệ thống quan hệ xã hội được xác định là khách thể bảo vệ của luật hình sự qua việc xâm hại bộ phận cấu thành hệ thống đó.

Ý nghĩa của việc xác định khách thể chung của tội phạm là nhìn vào khách thể chung chúng ta thấy được phạm vi các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ cũng như thấy được chính sách hình sự của Nhà nước ta trong mỗi một giai đoạn cách mạng.

Khách thể loại của tội phạm

Khách thể loại của tội phạm là một nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất được một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại của một nhóm tội phạm. Các tội phạm tuy khác nhau về chủ thể, về mặt khách quan hoặc chủ quan nhưng nếu xâm hại cùng nhóm quan hệ xã hội thì được xếp vào cùng chương.

Khách thể loại có vai trò quan trọng về mặt lập pháp. Việc xác định khách thể loại của tội phạm có ý nghĩa là cơ sở để hệ thống hoá các quy phạm pháp luật phần các tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự thành từng chương..

Khách thể trực tiếp của tội phạm

Khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ xã hội bị tội phạm cụ thể xâm hại mà sự xâm hại này phản ánh được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó.

Tội phạm có thể xâm hại nhiều quan hệ xã hội nhưng không phải tất cả những quan hệ xã hội bị xâm hại đều được coi là khách thể trực tiếp của tội phạm. Bất cứ tội phạm nào cũng đều có khách thể trực tiếp của tội phạm. Có tội phạm chỉ có một khách thể trực tiếp của tội phạm. Nhưng cũng có tội phạm có nhiều khách thể trực tiếp của tội phạm. Đó là trường hợp tội phạm xâm hại nhiều quan hệ xã hội và sự gây thiệt hại cho một trong các quan hệ xã đó đều chưa thể hiện được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Xác định đúng khách thể trực tiếp là một trong các căn cứ để phân loại tội phạm trong Bộ luật Hình sự.

Mặt khách thể trực tiếp của tội phạm

Mặt khách thể trực tiếp của tội phạm

Các yếu tố cấu thành tội phạm khác

Bên cạnh yếu tố khách thể, các yếu tố khác cấu thành tội phạm gồm có: chủ thể, mặt chủ quan và mặt khách quan.

Chủ thể của quan hệ pháp luật là cá nhân hay pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm đến khách thể tội phạm, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật, tham gia vào các quan hệ pháp luật, có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Năng lực của chủ thể tham gia:

  • Năng lực pháp luật của cá nhân có những đặc điểm sau:

Năng lực pháp luật của cá nhân gắn liền với mỗi cá nhân, có từ lúc cá nhân đó sinh ra và chỉ chấm dứt khi cá nhân đó chết hoặc bị coi như đã chết. Pháp luật không phải là thuộc tính tự nhiên của cá nhân mà là phạm trù xã hội, phụ thuộc vào ý chí của nhà nước.

Năng lực pháp luật của cá nhân có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định do pháp luật quy định như hình phạt bổ sung là cấm cư trú trong luật hình sự.

  • Năng lực hành vi của cá nhân có những đặc điểm sau:

Để có năng lực hành vi hoặc có đủ năng lực hành vi cá nhân phải đạt đến độ tuổi nhất định tùy từng lĩnh vực do pháp luật quy định.

Để có năng lực hành vi, cá nhân phải có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Những người bị mất trí hoặc mắc các bệnh làm mất khả năng nhận thức thì coi là người mất năng lực hành vi.

Yếu tố gắn liền với năng lực hành vi là cá nhân phải có khả năng thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình.

  • Năng lực trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Năng lực trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại xuất hiện từ thời điểm pháp nhân này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tư cách pháp nhân ( ngày giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có hiệu lực… )

  • Mặt chủ quan của tội phạm được thể hiện dưới dạng lỗi cố ý hoặc vô ý. Lỗi là trạng thái tâm lý của tội phạm được đánh giá dưới các góc nhìn về động cơ và mục đích của hành vi.
  • Lỗi cố ý trực tiếp được quy định tại Khoản 1 Điều 10 Bộ luật Hình sự 2015 : Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
  • Lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự 2015 : Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
  • Lỗi vô ý vì quá tự tin được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015: Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi của người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
  • Lỗi vô ý do cẩu thả được quy định tại Khoản 2 Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015: Lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội tuy không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Mặt khách quan: Dấu hiệu khách quan của tội phạm được thể hiện qua tính chất nguy hiểm của hành vi; hậu quả hành vi gây ra; công cụ, phương tiện, thủ đoạn,…. thực hiện hành vi.

  • Dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm. Nếu không có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không có tội phạm, vì vậy Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bằng phương pháp hành động hoặc bằng phương pháp không hành động.
  • Hậu quả hành vi gây ra là một trong các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm, là thiệt hại do hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra cho quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ, gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần.
  • Dấu hiệu thời gian, địa điểm trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm chỉ ra rằng tội phạm có thật ở thời gian, địa điểm nhất định. Đây là một trong những vấn đề buộc phải chứng minh trong vụ án hình sự. Phần lớn các tội phạm trong Bộ luật Hình sự không quy định thời gian, địa điểm, nên dù tội phạm xảy ra trong thời gian nào hoặc địa điểm bất kỳ nào đều không ảnh hưởng đến việc định tội. Trừ những tội phạm cụ thể của Bộ Luật Hình sự có quy định thời gian, địa điểm, thì thời gian, địa điểm là dấu hiệu đặc trưng, bắt buộc phải có để định tội như tội hoạt động phỉ phải ở rừng núi hoặc vùng hẻo lánh, tội buôn lậu phải có địa điểm là qua biên giới, tôi làm chết người trong khi thi hành công vụ phải có thời gian là đang thi hành công vụ v.v…
  • Phương pháp, công cụ thực hiện tội phạm là một trong những dấu hiệu khách quan. Phần lớn các tội trong Bộ luật Hình sự không quy định phương pháp, công cụ là dấu hiệu đặc trưng để định tội, nên trường hợp này dấu hiệu phương pháp, công cụ không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên trong Bộ luật HÌnh sự vẫn có một số tội phạm quy định phương pháp, công cụ của tội phạm là dấu hiệu đặc trưng để định tội.

Luật sư tư vấn về khách thể của tội phạm

  • Tư vấn về các quy định của pháp luật hình sự về khách thể
  • Tư vấn quy định pháp luật hình sự về trách nhiệm hình sự, gồm: Miễn trách nhiệm hình sự , đội tuổi chịu trách nhiệm hình sự, năng lực hành vi và năng lực pháp luật của chủ thể, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, lỗi..;
  • Tư vấn về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự;
  • Tư vấn quy định của luật hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
  • Tư vấn và giải đáp về nhóm các tội xâm phạm

Luật sư tư vấn về khách thể của tội phạm

Luật sư tư vấn về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm và được hiểu là đối tượng bị tội phạm xâm hại. Việc xác định khách thể chính xác có vai trò quan trọng đối với quá trình giải quyết vi phạm Hình sự. Nếu trong quá trình tìm hiểu Quý bạn đọc có vấn đề còn vướng mắc có thể liên hệ luật sư tư vấn luật hình sự của chúng tôi qua số hotline 1900.633.716 để nhận được tư vấn cụ thể, chi tiết hơn. Xin cảm ơn.

Scores: 4.8 (47 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,919 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716