Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa là dịch vụ hỗ trợ khách hàng cách soạn thảo hợp đồng mua bán để tránh trường hợp hợp đồng bị vô hiệu và hạn chế được các rủi ro pháp lý không đáng có. Khi soạn thảo hợp đồng cần bảo đảm những điều khoản theo quy định pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến bạn đọc chi tiết hơn về cách soạn thảo hợp đồng và các lưu ý.
Hướng dẫn soạn hợp đồng mua bán hàng hóa
Quy định về hợp đồng mua bán hàng hoá
Chủ thể ký kết hợp đồng
Các giao dịch trong hợp đồng mua bán thông thường và hợp đồng mua bán hàng hóa thương mại đều phải đáp ứng điều kiện chủ thể theo quy định pháp luật dân sự. Căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
Như vậy, cá nhân, tổ chức tham gia giao kết hợp đồng phải thỏa mãn điều kiện là có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật dân sự.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng
Quyền và nghĩa vụ cơ bản các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa là:
Quyền và nghĩa vụ bên bán hàng
Bên bán sẽ có quyền nhận tiền thanh toán hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp hợp đồng.
Về nghĩa vụ của bên bán khi giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:
- Giao hàng đúng sản phẩm, chất lượng, số lượng theo thỏa thuận trong hợp hợp đồng;
- Giao hàng đúng địa điểm, thời gian đã thỏa thuận;
- Giao các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận và theo quy định;
- Bảo đảm quyền sở hữu hàng hóa của bên mua không thuộc trường hợp đang tranh chấp; hợp pháp và việc chuyển giao đúng quy định;
- Phải bảo hành hàng hóa theo quy định nếu hàng hóa được bảo hành;
Quyền và nghĩa vụ bên mua hàng
Hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng song vụ vì vậy những quyền của bên bán là nghĩa vụ mà bên mua phải thực hiện; nghĩa vụ của bên bán là quyền mà bên mua được hưởng.
Nghĩa vụ cơ bản của bên mua hàng là thanh toán tiền hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Về phần quyền, bên mua sẽ có quyền cơ bản sau:
- Được nhận đúng hàng, số lượng, chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng;
- Được nhận hàng tại địa điểm, thời gian đã thỏa thuận;
- Được nhận các chứng từ liên quan đến hàng hóa;
- Được bảo hành, yêu cầu hàng hóa theo thỏa thuận;
- Được yêu cầu bồi thường khi bên mua không thực hiện đúng thỏa thuận;
Các quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được ghi nhận tất cả trong hợp đồng.
Cơ sở pháp lý: Chương XVI Bộ luật Dân sự 2015 và Mục II Chương 2 Luật Thương mại 2005.
Xem thêm: Mua bán hàng hóa, dịch vụ có bắt buộc phải lập hợp đồng không?
Cách soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hoá và các lưu ý
Nội dung hợp đồng
Các bên có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng hàng hóa. Nội dung trong hợp đồng sẽ là căn cứ để xác định những vấn đề sau của các bên:
- Đối tượng của hợp đồng: hàng hoá (tên hàng)
- Số lượng, chất lượng, giá hàng hoá
- Phương thức, đồng tiền, thời gian, địa điểm thanh toán
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Chế tài: phạt vi phạm, chấm dứt hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng;
- Tình huống bất thường: rủi ro, bất khả kháng;
- Thời điểm hợp đồng có hiệu lực;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
- Phụ lục của hợp đồng (nếu cấu thiết): Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
Nội dung hợp đồng có thể thêm theo sự thỏa thuận các bên tham gia giao dịch. Vì bản chất hợp hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại và hợp đồng mua bán hàng hóa trong dân sự đều là hợp đồng mua bán tài sản nên nội dung trong hợp đồng cũng được thực hiện như hợp hợp đồng mua bán tài sản.
Mẫu hợp đồng mua bán hàng hoá
>> Link tải: Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa mới nhất 2024
Lưu ý khi soạn hợp đồng
Khi soạn hợp đồng cần lưu ý các vấn đề sau:
- Đối tượng hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa. Do vậy, cần có sự mô tả chi tiết và đầy đủ về hàng hóa. Các thông tin cần mô tả như: số lượng, chủng loại, yêu cầu bảo quản, tiêu chuẩn,…
Không phải tất cả các loại hàng hóa đều được phép mua bán mà chỉ có những loại hàng hoá không bị cấm kinh doanh mới được phép mua bán. Ngoài ra, cần đảm bảo hàng hoá phù hợp với hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng được quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Thương mại 2005.
- Giá cả hàng hóa
Giá cả hàng hóa là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng. Các bên có thể tự do thỏa thuận giá cả và ghi nhận vào hợp đồng hoặc tách điều khoản về giá cả thành một phụ lục riêng. Các bên khi thỏa thuận về giá cả cần đề cập các nội dung sau: đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán.
Đối với phương thức thanh toán: Các bên có thể lựa chọn một trong các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay như: thanh toán trực tiếp, thanh toán thông qua chuyển khoản,…
Đối với đồng tiền thanh toán: Các bên nên thỏa thuận cụ thể đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng hoặc USD hay một đồng tiền khác tùy theo ý kiến các bên. Tuy nhiên chỉ nên để một loại đồng tiền thanh toán duy nhất.
Đối với thời hạn thanh toán: Các bên nên thỏa thuận một thời hạn thanh toán cụ thể. Có thể chọn thanh toán một lần hoặc nhiều lần theo tiến độ của hợp đồng.
- Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, chuyển rủi ro
Chuyển giao quyền sở hữu là nội dung quan trọng nhất trong hợp đồng mua bán hàng hóa, nhưng lại thường bị bỏ quên. Các bên có quyền thỏa thuận thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, nếu không có thỏa thuận thì quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang cho bên mua từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao.
Căn cứ Điều 238 Bộ luật Dân sự 2015 quy định khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.
Căn cứ Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao. Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.
Như vậy, nếu trong hợp đồng mua bán hàng hóa các bên không có thỏa thuận về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu sẽ là thời điểm tài sản được chuyển giao, tức là thời điểm mà bên mua hoặc đại diện hợp pháp của bên mua nhận được tài sản từ bên bán.
Thời điểm chuyển rủi ro cũng sẽ các bên tự thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì sẽ tuân theo quy định từ Điều 57 đến Điều 60 Luật Thương mại 2005.
>>>Xem thêm: Có được hủy hợp đồng mua bán nhà khi một bên mất?
Hợp đồng mua bán hàng hóa có buộc phải công chứng không?
Căn cứ Điều 3 Luật Thương mại 2005 đã định nghĩa hàng hóa bao gồm:
- Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
- Những vật gắn liền với đất đai.
Từ định nghĩa trên có thể thấy rằng nhà ở thương mại, công trình xây dựng cũng là một loại hàng hoá.
Căn cứ quy định trong luật thì các loại hợp đồng mua bán hàng hoá sau cần phải công chứng:
- Căn cứ Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định: Trường hợp mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng (trừ trường hợp mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở).
- Căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: hợp đồng mua bán nhà, công trình xây dựng mà các bên là hộ gia đình, cá nhân bán bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì phải công chứng hoặc chứng thực.
- Căn cứ Điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định: Giấy bán xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán xe theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Như vậy, tùy vào loại hàng hoá mới có thể xác định rằng hợp đồng mua bán hàng hoá cần công chứng hay không.
Luật sư tư vấn về hợp đồng mua bán hàng hoá
Luật L24H xin cung cấp các dịch vụ tư vấn về hợp đồng mua bán hàng hoá:
- Tư vấn soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa;
- Tư vấn, rà soát các điều khoản trong hợp đồng;
- Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá;
- Tư vấn về hậu quả của đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại;
- Tư vấn về thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán.
Luật sư tư vấn về hợp đồng mua bán hàng hoá
Tham khảo thêm về: Dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Hợp đồng có vai trò trong việc ghi nhận những cam kết của các bên và cũng là bằng chứng trong quá trình giải quyết các tranh chấp phát sinh. Do đó, việc soạn một hợp đồng chặt chẽ, đúng pháp luật và đáp ứng đúng ý chí của các bên luôn là một yêu cầu quan trọng. Nếu quý khách hàng cần tư vấn về soạn thảo hợp đồng hoặc các vấn đề khác liên quan đến hợp đồng mua bán thì hãy liên hệ hotline 1900.633.716 để được Luật sư của Luật L24H hỗ trợ.