Tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc bị xử lý như thế nào?

Tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc là hành vi người lao động tiết lộ, hay sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh của doanh nghiệpsau khi nghỉ việc mà không được sự cho phép. Người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh khi còn là nhân viên hay sau khi đã nghỉ việc đều sẽ bị xử lý vi phạm. Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến Quý bạn đọc về các quy định pháp luật liên quan đến hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh.

Bí mật trong kinh doanh

Bí mật trong kinh doanh

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Căn cứ theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2009) thì bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh thì các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
  • Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
  • Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;
  • Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
  • Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được;
  • Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm.

Đồng thời, theo khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm thì các hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh được xem là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Cụ thể dưới các hình thức sau:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Như vậy, bí mật kinh doanh được hiểu là bao gồm mọi thông tin quan trọng và giá trị mà doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Khi thực hiện các hành vi được quy định như trên thì được xem là hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh.

Các hình thức xử phạt khi tiết lộ bí mật kinh doanh

Xử phạt hành chính

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh sau đây:

  • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
  • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Theo quy định về mức phạt tiền tối đa tại khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP thì mức phạt tiền quy định tại Điều 16 Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 15 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP thì hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Như vậy, khi người lao động có hành vi tiết lộ thông tin bí mật kinh doanh mà chưa được sự cho phép của doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trên.

Bồi thường thiệt hại

  1. Thứ nhất, trường hợp giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh.

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH thì khi người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận. Cụ thể, theo quy định tại Điều 352, 360, 361 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần:

  • Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
  • Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
  1. Thứ hai, trường hợp giữa người lao động và người sử dụng lao động không có thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

  • Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;
  • Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm.

Người lao động sau khi nghỉ việc mà có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh khiến cho người sử dụng lao động bị thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại như sau, được quy định tại Điều 589, 592 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
  • Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Theo đó, người lao động có nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng lao động và cả thời gian sau khi chấm dứt hợp đồng lao động trong thời hạn 2 bên thỏa thuận. Nếu vi phạm, tùy từng trường hợp mà có phương thức xử lý tương ứng. Trong trường hợp không có thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, thì từng trường hợp và mức thiệt hại do hành vi vi phạm của người lao động thì phải chịu mức bồi thường khác nhau.

Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại

Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại

Hướng xử lý khi nhân viên cũ tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc

Căn cứ theo quy định điểm b, c, d khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì người sử dụng lao động khi phát hiện nhân viên cũ tiết lộ bí mật kinh doanh có quyền áp dụng các biện pháp sau:

  • Yêu cầu cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, trường hợp người sử dụng lao động bị thiệt hại do hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của nhân viên cũ thì theo quy định tại khoản 3 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi điểm b khoản 76 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự. Cụ thể, các biện pháp dân sự được quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc bồi thường thiệt hại.

Mức bồi thường thiệt hại được dựa trên thỏa thuận của các bên, trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ được xác định dựa vào nguyên tắc xác định thiệt hại được quy định tại khoản 1 Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:

  • Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;
  • Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.

Mức độ thiệt hại được xác định phù hợp với yếu tố xâm phạm quyền đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, kể cả kết quả trưng cầu giám định và bản kê khai thiệt hại, trong đó làm rõ các căn cứ để xác định và tính toán mức thiệt hại (khoản 3 Điều 16 Nghị định 105/2006/NĐ-CP).

Như vậy, khi phát hiện nhân viên cũ có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh sau khi nghỉ việc, người sử dụng lao động có thể tự mình xử lý hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo các quy định luật định.

>>Xem thêm: Mẫu cam kết bảo mật kinh doanh sau khi nghỉ việc

Luật sư tư vấn xử lý khi người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh

Luật L24H cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn xử lý khi người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh bao gồm:

  • Tư vấn quy định pháp luật về hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh;
  • Hướng dẫn doanh nghiệp đánh giá, đưa mức phạt thích hợp đối với từng trường hợp vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh khác nhau;
  • Tư vấn khởi kiện đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của người lao động
  • Soạn thảo hồ sơ, văn bản, đơn khởi kiện khi tiến hành khởi kiện;
  • Hướng dẫn soạn thảo và rà soát hợp đồng bảo mật thông tin;
  • Các vấn đề pháp lý phát sinh khác.

Dựa trên các nội dung dịch vụ cung cấp, Luật L24H luôn đảm bảo quyền và lợi ích của khách hàng một cách tối ưu nhất.

Luật sư tư vấn về hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh

Luật sư tư vấn về hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh. Do đó, khi phát hiện và có căn cứ chứng minh người lao động sau khi nghỉ việc có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận hoặc theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nếu có bất kỳ vướng mắc hay cần sử dịch vụ tư vấn, vui lòng liên hệ qua Hotline 1900.633.716 để được luật sư sở hữu trí tuệ tư vấn hỗ trợ giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.

Một số bài viết liên quan sở hữu trí tuệ có thể bạn đọc quan tâm:

Scores: 5 (40 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,833 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716