Hồ sơ, Thủ tục sáp nhập công ty TNHH một thành viên

Thủ tục sáp nhập công ty TNHH một thành viên là một trong các quy định về doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020. Hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp đặt ra quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thực hiện đầy đủ các thủ tục sáp nhập. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ và thực hiện đúng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết nhất cho hoạt động sáp nhập công ty TNHH một thành viên.

Hoạt động sáp nhập công ty TNHH một thành viên

Hoạt động sáp nhập công ty TNHH một thành viên

Quy định chung về sáp nhập công ty TNHH một thành viên theo luật doanh nghiệp

Khái niệm

Căn cứ theo quy định Luật Doanh nghiệp hiện hành, một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Như vậy sáp nhập công ty TNHH 1 thành viên được hiểu là công ty TNHH bị sáp nhập sẽ chuyển toàn bộ các quyền lợi và nghĩa vụ cũng như quyền lợi của công ty TNHH bị sáp nhập vào công ty nhận sáp nhập. Theo đó thì công ty TNHH bị sáp nhập sẽ phải chấm dứt hoạt động trên thực tế và mọi nghĩa vụ của công ty TNHH bị sáp nhập chuyển sang cho công ty TNHH nhận sáp nhập.

Cơ sở pháp lý: Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2020

Cách thức sáp nhập doanh nghiệp hiện nay

Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về các hình thức sáp nhập doanh nghiệp, tuy nhiên căn cứ vào đặc điểm, tính chất ta có thể chia sáp nhập doanh nghiệp thành các hình thức như sau:

Dựa vào cấu trúc của doanh nghiệp, có các hình thức sáp nhập như sau:

  • Sáp nhập cùng ngành (hay còn gọi là sáp nhập chiều ngang): Diễn ra đối với hai công ty cùng cạnh tranh trực tiếp và chia sẻ cùng dòng sản phẩm và thị trường.
  • Sáp nhập dọc: Diễn ra đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng như giữa một công ty với khách hàng hoặc nhà cung cấp của công ty đó.
  • Sáp nhập mở rộng thị trường: Diễn ra đối với hai công ty bán cùng loại sản phẩm, nhưng ở những thị trường khác nhau.
  • Sáp nhập mở rộng sản phẩm: Diễn ra đối với hai công ty bán những sản phẩm khác nhau, nhưng có liên quan với nhau trong cùng một thị trường.
  • Sáp nhập kiểu tập đoàn: Diễn ra khi hai công ty không có cùng lĩnh vực kinh doanh, nhưng muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh đa ngành đa nghề.

Dựa trên cách thức cơ cấu tài chính, có hai hình thức sáp nhập như sau:

  • Sáp nhập mua doanh nghiệp: Loại hình này xảy ra khi một công ty mua lại một công ty khác. Việc mua công ty được tiến hành bằng tiền mặt hoặc thông qua một số công cụ tài chính.
  • Sáp nhập hợp nhất doanh nghiệp: Cả hai công ty được hợp nhất dưới một pháp nhân mới và một thương hiệu công ty mới được hình thành. Tài chính của hai công ty sẽ được hợp nhất trong công ty mới.

Thủ tục thực hiện sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Hồ sơ

Thành phần hồ sơ gồm:

  • Hợp đồng sáp nhập gồm các nội dung sau: Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; Thủ tục và điều kiện sáp nhập; Phương án sử dụng lao động; Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; Thời hạn thực hiện sáp nhập.
  • Dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập.
  • Biên bản họp và Quyết định của chủ sở hữu/Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông của Công ty bị sáp nhập về việc sáp nhập công ty, thông qua hợp đồng sáp nhập và Điều lệ công ty nhận sáp nhập.
  • Công văn xin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế và đóng mã số thuế.

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020

Trình tự thực hiện

Bước 1: Lập Hợp đồng sáp nhập và Dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập

Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập.

Cơ sở pháp lý: Điểm a Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020

Bước 2: Thông qua Hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập

Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập

Cơ sở pháp lý: Điểm b Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020

Bước 3: Thông báo cho các bên liên quan và chủ nợ

Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập và tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập theo quy định của pháp luật. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.

Cơ sở pháp lý: Điểm b Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020

Bước 4: Công ty bị sáp nhập hoàn thành nghĩa vụ về thuế

Doanh nghiệp bị sáp nhập quyết toán và chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi tiến hành sáp nhập.

Thủ tục chấm dứt hoạt động các đơn vị phụ thuộc, tiến hành đóng mã số thuế tại cơ quan thuế quản lý bao gồm:

  • Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn
  • Hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế theo quy định tại Điều 41, Điều 42 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính

Cơ sở pháp lý: Điểm a Khoản 3 Điều 16 Thông tư 95/2016/TT-BTC về đăng ký thuế

  • Nộp hồ sơ đóng mã số thuế

Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC;

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bản sao y chứng thực;

Bản sao quyết định, biên bản họp giải thể;

Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu tổ chức có hoạt động xuất nhập khẩu.

Cơ sở pháp lý: Điểm b Khoản 1 Điều 17 Thông tư 95/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về đăng ký thuế

Bước 5: Công ty cổ phần nhận sáp nhập nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh

Hồ sơ được nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 56 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp

Khi đăng ký kinh doanh, công ty nhận sáp nhập cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau đây:

  • Hợp đồng sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập; thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp

Lưu ý: Các công việc phải làm sau khi sáp nhập doanh nghiệp

Sau khi sáp nhập doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập sẽ chấm dứt sự tồn tại. Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty nhận sáp nhập.

Trường hợp công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thông báo việc đăng ký kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Cơ sở pháp lý: Khoản 4 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2020

thủ tục thực hiện hoạt động sáp nhập công ty TNHH một thành viên

thủ tục thực hiện hoạt động sáp nhập công ty TNHH một thành viên

Rủi ro trong quá trình sáp nhập công ty

Rủi ro về pháp lý

Rủi ro về pháp lý bao gồm: rủi ro trong quá trình hoạt động như doanh nghiệp đang bị tạm ngừng, đang nợ thuế hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh. Rủi ro liên quan đến kiện tụng, tranh chấp về Hợp đồng dân sự, lao động. Tùy vào từng trường hợp, từng giao dịch thực tế, ngành nghề đặc thù của doanh nghiệp hoặc tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên mua và bán mà bên bán phải cung cấp các hồ sơ pháp lý như sau:

  • Hồ sơ thành lập và hoạt động (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các loại giấy phép con và các giấy tờ khác liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của Công ty);
  • Hồ sơ về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp/thành viên/cổ đông góp vốn (các biên bản/thỏa thuận/hợp đồng góp vốn của chủ sở hữu công ty/thành viên/cổ đông sáng lập/cổ đông hiện hữu. Các thỏa thuận/mua bán-chuyển nhượng giữa các thành viên/cổ đông công ty. Các hợp đồng vay vốn, trái phiếu. Giấy chứng nhận vốn góp/chứng nhận cổ phần, chứng thư thẩm định giá tài sản góp vốn, các chứng từ chứng minh các giao dịch chuyển khoản liên quan đến việc góp vốn, chuyển nhượng, các giao dịch liên quan đến việc vay vốn phát sinh bất kỳ thời điểm nào.
  • Hồ sơ về nhân sự và cơ cấu tổ chức của Công ty (Biên bản họp, nghị quyết/quyết định của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông/chủ sở hữu công ty liên quan đến tất cả các vấn đề về bổ nhiệm, bãi nhiệm, xử lý kỷ luật các vị trí chủ chốt của Doanh nghiệp.
  • Hồ sơ về lao động (Hợp đồng lao động – nhân sự trong công ty, nội quy lao động, Thang bảng lương, thỏa ước lao động tập thể…)
  • Các Hợp đồng, giao dịch của Doanh nghiệp bao gồm Hợp đồng cung cấp cũng như sử dụng dịch vụ;
  • Hồ sơ về tài sản của doanh nghiệp: Danh mục tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp/thuê hoặc cho thuê. Tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng, văn bằng bảo hộ đối với tài sản là sở hữu trí tuệ;
  • Hồ sơ về thuế, kế toán, ngân hàng: Báo cáo tài chính các năm, hồ sơ sổ sách kế toán, các xác nhận của Ngân hàng, bảng sao kê các giao dịch…

Sau khi nhận được các tài liệu trên bên mua có thể tự thẩm định hoặc thuê bên thứ ba thẩm định, trên cơ sở đó có được bản báo cáo cụ thể về tình hình pháp lý của bên bán.

Rủi ro về tài chính

Đây là rủi ro mà bên mua đặc biệt quan tâm, những rủi ro này có thể liên quan đến việc góp vốn. Doanh nghiệp chưa góp đủ vốn, nguồn vốn kinh doanh không minh bạch, rủi ro về tài sản bao gồm việc định giá tài sản không đúng với giá trị thực tế, rủi ro trong các khoản nợ đối với cơ quan nhà nước và đối tác. Thông thường để kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến tài chính bên mua sẽ thuê các đơn vị kiểm toán độc lập để soát xét những rủi ro về tài chính, đối với tài sản thì thuê bên thẩm định giá để định giá lại doanh nghiệp.

Tư vấn nghĩa vụ cần làm sau khi công ty sáp nhập

tư vấn nghĩa vụ phải thực hiện của công ty sau khi sáp nhập

tư vấn nghĩa vụ phải thực hiện của công ty sau khi sáp nhập

Để hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp được sáp nhập thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định cũng như hạn chế được mức tối đa những rủi ro pháp lý có thể xảy ra, dịch vụ tư vấn pháp lý  sẽ thực hiện các công việc sau:

  • Tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ sáp nhập công ty: Quyết định về việc sáp nhập công ty của các công ty bị sáp nhập, hợp đồng sáp nhập công ty, điều lệ công ty mới, danh sách công ty mới, chứng thực cá nhân theo quy định
  • Tư vấn, hỗ trợ thực hiện thủ tục chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập theo đúng quy định của pháp luật.
  • Đại diện khách hàng ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký sáp nhập doanh nghiệp, nhận kết quả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Đại diện cho khách hàng theo dõi tiến độ, đốc thúc hồ sơ và thông báo cho khách hàng các yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có) từ các cơ quan có thẩm quyền;
  • Đại diện cho khách hàng thực hiện việc khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của bên thứ ba và của nội bộ chính doanh nghiệp.

Như vậy, khi các công ty TNHH một thành viên có nhu cầu sáp nhập cần phải nắm rõ trình tự, Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động sáp nhập cũng cần lưu ý những rủi ro có thể xảy ra. Thủ tục sáp nhập công ty TNHH một thành viên là một thủ tục tương đối phức tạp, nếu quý khách hàng đang quan tâm đến lĩnh vực này cần Luật sư tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) thì hãy liên hệ với Luật L24H qua hotline 1900.633.716 để được tư vấn chi tiết hơn.

Scores: 5 (12 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật L24H

Chức vụ: Văn Phòng Luật Sư L24H

Lĩnh vực tư vấn: Cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua điện thoại tổng đài 1900.633716. Dịch vụ luật sư đất đai, doanh nghiệp, bào chữa, hình sự, ly hôn, dân sự, Luật sư tranh tụng, tố tụng tại Tòa án

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 9 năm

Tổng số bài viết: 210 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716