Mua bán tài khoản game có vi phạm pháp luật không?

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trò chơi điện tử hiện nay, vấn đề về mua bán tài khoản game có vi phạm pháp luật không là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Việc trao đổi, kinh doanh, mua bán các tài khoản, vật phẩm ảo trong GAME được quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Shop mua bán tài khoản game

Shop mua bán tài khoản game

Mua bán tài khoản game theo theo quy định của pháp luật

Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật hiện đại, các trò chơi điện tử cũng ngày càng trở nên phổ biến và có nhiều người chơi tham gia, nắm bắt được tình hình đó, pháp luật hiện hành đã ban hành một số văn bản nhằm điều chỉnh vấn đề trên.

Quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng

Theo quy định tại điều 7 Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 29/12/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng được quy định như sau:

Quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng

  • Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử chỉ được khởi tạo các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng nội dung, kịch bản mà doanh nghiệp đã báo cáo trong hồ sơ được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử và trong báo cáo định kỳ của doanh nghiệp.
  • Người chơi được dùng điểm thưởng hoặc đơn vị ảo có trong tài khoản trò chơi điện tử của mình để đổi lấy vật phẩm ảo do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử khởi tạo.
  • Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử có nghĩa vụ quản lý vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng quy tắc trò chơi đã công bố và phù hợp với nội dung, kịch bản trò chơi đã được phê duyệt.
  • Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.
  • Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.

Từ các quy định trên có thể thấy:

  • Nội dung về các trò chơi điện tử phải được xây dựng và thông qua quá trình phê duyệt, điều này giúp cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm soát và quản lý một cách chặt chẽ hơn.
  • Người tham gia các trò chơi điện tử chỉ có thể sử dụng những vật phẩm ảo trong trò chơi để đối lấy các trang phục, vật phẩm tương ứng do nhà phát hành cung cấp trong game. Những vật phẩm ảo này không có giá trị quy đổi thành tiền mặt, phiếu thanh toán hoặc các hình thức chi trả khác có giá trị giao dịch thực tế bên ngoài.
  • Những người chơi không được thực hiện hoạt động mua bán các vật phẩm ảo, đơn vị ảo trong quá trình tham gia trò chơi.

Như vậy, pháp luật có sự quy định rõ ràng về “tính thực tế” và “tính phi thực tế”, pháp luật hiện hành không cho phép người chơi sử dụng những vật phẩm ảo để quy đổi thành những giá trị vật chất trên thực tế.

Điều kiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 35 Nghị định số 27/2018/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 01 tháng 3 năm 2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, điều kiện để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng các Điều kiện sau đây:

  • Có đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;
  • Địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có chiều dài đường bộ ngắn nhất từ cửa chính hoặc cửa phụ của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tới cổng chính hoặc cổng phụ của cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú từ 200m trở lên;
  • Có biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” ghi rõ tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là đại lý Internet thì thêm nội dung “Đại lý Internet”. Trường hợp điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng đồng thời là điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp thì thêm nội dung “Điểm truy nhập Internet công cộng”;
  • Tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng tối thiểu 50 m2 tại các khu vực đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, loại II, loại III; tối thiểu 40m2 tại các đô thị loại IV, loại V; tối thiểu 30m2 tại các khu vực khác;
  • Bảo đảm đủ ánh sáng, độ chiếu sáng đồng đều trong phòng máy;
  • Có thiết bị và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo quy định về phòng, chống cháy, nổ của Bộ Công an;
  • Nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Như vậy, tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

Điều kiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

Điều kiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng

Kinh doanh vật phẩm ảo có hợp pháp không?

Theo quy định tại khoản 5 điều 7 Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 29/12/2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng, việc kinh doanh vật phẩm ảo được quy định như sau:

Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau.

Từ quy định trên có thể thấy, pháp luật hiện hành không cho phép việc những người chơi tiến hành các hoạt động kinh doanh, mua bán, trao đổi các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong quá trình tham gia trò chơi với nhau. Như vậy, việc những người chơi tiến hành các hoạt động kinh doanh, thu mua các vật phẩm để bán lại cho những người chơi khác có nhu cầu trong quá trình tham gia trò chơi là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Hình thức xử lý đối với hành vi lừa đảo mua bán vật phẩm trong game

Theo quy định tại khoản 3 điều 106 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 02 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi vi phạm quy định về người chơi sẽ bị xử lý như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia;
  • Mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng.

Như vậy, khung hình phạt cao nhất người chơi vi phạm có thể phải chịu là 3.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 104 Nghị định trên, nhà phát hành cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có thể bị xử phạt về hành vi mua bán vật phẩm trong game như sau:

Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Quy đổi vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng được thành tiền hoặc thẻ thanh toán hoặc phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kỳ hình thức nào;

Hình thức xử phạt bổ sung:

  • Tước quyền sử dụng quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1 từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 Điều này;
  • Tước quyền sử dụng Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này;
  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 3 và 6 Điều này;
  • Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và đ khoản 2, các khoản 3, 4, các điểm a và d khoản 5 Điều này.

Như vậy, nhà phát hành cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có thể bị xử phạt số tiền cao nhất là 200.000.000 đồng và các hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, tịch thu tang vật, đình chỉ hoạt động…

Kinh doanh vật phẩm ảo bị xử phạt như thế nào

Kinh doanh vật phẩm ảo bị  xử phạt như thế nào?

>>>Xem thêm: MUA BÁN TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG ĐI TÙ BAO NHIÊU NĂM?

Luật sư tư vấn về mua bán tài khoản game.

  • Tư vấn quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng.
  • Tư vấn về điều kiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng
  • Tư vấn về hình thức xử lý đối với hành vi lừa đảo mua bán vật phẩm ảo
  • Tư vấn cách lấy lại tài sản trong trường hợp bị lừa đảo khi tham gia trò chơi điện tử.
  • Tham gia quá trình tố tụng theo yêu cầu của đương sự.

Trên đây là nội dung tư vấn giải đáp về mức xử phạt đối với vấn đề mua bán tài khoản game, quy định về vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng, điều kiện cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, hình thức xử lý đối với hành vi lừa đảo mua bán vật phẩm trong game. Quý khách hàng nếu có nhu cầu luật sư tư vấn cụ thể xin vui lòng liên hệ chúng tôi qua số hotline 1900.633.716 để được Luật L24H tư vấn kỹ hơn.

Scores: 4.6 (41 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Trần Như Lực

Chức vụ: Luật sư cộng sự

Lĩnh vực tư vấn: Đất đai, Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Ly hôn, Lao động, Doanh nghiệp, Hợp đồng, Thừa kế và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại Học Luật

Số năm kinh nghiệm thực tế: 15

Tổng số bài viết: 101 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

  Hotline: 1900.633.716