Hồ sơ, thủ tục giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu

Hồ sơ, thủ tục giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu là bước cơ bản để người lao động xác định tỷ lệ thương tích, mức độ ảnh hưởng sức khỏe khi bị tai nạn lao động. Việc giám định thương tật sẽ là căn cứ để giải quyết các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì thế, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về hồ sơ, thủ tục giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu để hiểu hơn về vấn đề này.

Thủ tục Giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu

Thủ tục Giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu

Tai nạn lao động là gì?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì tai nạn lao động được hiểu là tai nạn gây tổn thương cho các bộ phận, chức năng của cơ thể hoặc tệ hơn nữa là gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Hồ sơ và thủ tục giám định thương tật lần đầu

Thẩm quyền giải quyết

Căn cứ theo quy định tại phụ lục I Quyết định 2968/QĐ-BYT năm 2018 thì cơ quan tiến hành giám định gồm:

  • Hội đồng giám định Y khoa tỉnh;
  • Hội đồng Giám định y khoa thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Bộ Giao thông vận tải;
  • Hội đồng giám định Y khoa Trung ương

Thành phần hồ sơ

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định về hồ sơ cho giám định thương tích tai nạn lao động lần đầu như sau:

  • Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với trường hợp người bị tai nạn lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định;
  • Hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với người lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định không còn thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động;
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp theo mẫu quy định tại Quyết định 4069/2001/QĐ-BYT;
  • Bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án quy định tại Phụ lục 3 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra tai nạn lao động và tổn thương đề nghị giám định.

    Trường hợp người được giám định thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 của Luật an toàn, vệ sinh lao động: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ tổn thương do tai nạn lao động không có khả năng điều trị ổn định

(Điểm này được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/02/2023)

  • Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: chứng minh nhân dân; căn cước công dân; hộ chiếu còn hiệu lực.

Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.

Hồ sơ giám định thương tích tai nạn lao động lần đầu

Hồ sơ giám định thương tích tai nạn lao động lần đầu

>>> Xem thêm: Giám định thương tích ở đâu

Trình tự thủ tục giải quyết

Về trình tự thủ tục được quy định tại Phần II Phụ lục I Quyết định 2968/QĐ-BYT ngày 16/5/2018 như sau:

  • Bước 1: Người người lao động hoặc tổ chức sử dụng lao động gửi hồ sơ xin giám định cho Cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh;
  • Bước 2: Căn cứ hồ sơ của đối tượng giám định, Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định theo đúng thời gian quy định của pháp luật;

Trường hợp không khám giám định, trong thời gian 10 ngày làm việc, Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết trong đó nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc không tổ chức khám giám định của Hội đồng;

  • Bước 3: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi Hội đồng có kết luận, cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm phát hành Biên bản giám định y khoa.

>>> Xem thêm: Mẫu đơn xin giám định y khoa

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động theo  Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:

  • Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
  • Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động;
  • Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
  • Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra;
  • Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
  • Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
  • Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
  • Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

Người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động

Người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động

Mức bồi thường tương ứng cho người lao động bị tai nạn

Theo Điều 3 Chương II Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 28/12/2021 (có hiệu lực từ 1/3/2022) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các trường hợp được bồi thường gồm:

  • Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra.
  • Người lao động bị bệnh nghề nghiệp làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc cho người sử dụng lao động, hoặc trước khi nghỉ hưu, trước khi thôi việc, trước khi chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác (không bao gồm các trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp do làm các nghề, công việc cho người sử dụng lao động khác gây nên).

Về nguyên tắc bồi thường, tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó. Việc bồi thường đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định cụ thể dựa trên số lần quy định.

Nếu bị tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu để tính. Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.

Về mức bồi thường:

  • Lao động được bồi thường ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • Lao động được bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%.
  • Nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương.

>>> Xem thêm: Mức bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Luật sư tư vấn trợ cấp, bồi thường tai nạn lao động

  • Tư vấn về điều kiện được bồi thường tai nạn lao động;
  • Tư vấn mức bồi thường tai nạn lao động;
  • Tư vấn thủ tục hưởng bồi thường tai nạn lao động cho người lao động;
  • Soạn thảo, chuẩn bị hồ sơ xin bồi thường tai nạn lao động;
  • Tham gia tố tụng với tư cách là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động bị tai nạn lao động.
  • Hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục giám định tai nạn lao động lần đầu.

Giám định thương tích do tai nạn lao động lần đầu là một trong những căn cứ để xác định mức độ thương tích, tổn thương sức khỏe của người lao động. Ngoài ra, kết quả giám định đóng vai trò quan trọng trong việc xác định bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp lao động và người sử dụng lao động. Nếu như các bạn còn thắc mắc hay quan tâm đến dịch vụ luật sư TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG của chúng tôi, có thể liên hệ với Luật L24H qua số tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí 1900.633.716 và trình bày nội dung, sự việc cần tham vấn để được luật sư tư vấn lao động hỗ trợ tốt nhất.

Scores: 4.9 (40 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,925 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716