Không có giấy tờ xe có lấy được xe đang bị tạm giữ không?

Không có giấy tờ xe có lấy được xe đang bị tạm giữ không? Một câu hỏi mà nhiều người khi tham gia giao thông đều băn khoăn, lo lắng khi không có giấy tờ xe cần thiết. Khi bị công an bắt xe thì điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp bạn không có giấy tờ xe như xe không chính chủ, không có bằng lái xe … Bài viết dưới đây tôi sẽ đề cập đến các quy định về tạm giữ xe, thủ tục lấy lại xe đang bị tạm giữ khi không có giấy tờ.

Lấy lại xe bị tạm giữ khi không có giấy tờ xe

Lấy lại xe bị tạm giữ khi không có giấy tờ xe

Tham gia giao thông mà không có giấy tờ bị xử phạt như thế nào?

Các giấy tờ bắt buộc khi tham gia giao thông

Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải mang theo các loại giấy tờ sau:

  • Giấy đăng ký xe
  • Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới
  • Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thường gọi là bảo hiểm xe máy).

Thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Căn cứ Điều 87 Luật giao thông đường bộ 2008, Điều 76 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm:

  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
  • Cảnh sát giao thông
  • Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ
  • Trưởng công an cấp xã
  • Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ

Nộp phạt khi không có hoặc không mang giấy tờ xe

Nếu không có hoặc không mang theo một trong các loại giấy tờ trên đều bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau:

Đối với ô tô và các xe tương tự xe ô tô:

  • Không có Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm a khoản 4 Điều 16).
  • Không mang theo Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm b khoản 3 Điều 21).
  • Không có Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (điểm b khoản 8 Điều 21).
  • Không mang theo Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a khoản 3 Điều 21). Trừ trường hợp Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (điểm c khoản 8 Điều 21).
  • Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm b khoản 4 Điều 21).

Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

  • Không có Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 17).
  • Không mang theo Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm b khoản 2 Điều 21).
  • Không có Giấy phép lái xe:
  1. Đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 21).
  2. Đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm b khoản 7 Điều 21).
  • Không mang Giấy phép lái xe: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm c khoản 2 Điều 21) trừ trường hợp:
  1. Xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (điểm b khoản 5 Điều 21).
  2. Xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm c khoản 7 Điều 21).
  • Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 21).

Đối với xe thô sơ không có đăng ký, không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải đăng ký và gắn biển số): Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (khoản 1 Điều 18).

Đối với xe máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng:

  • Không có Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (điểm d khoản 2 Điều 19).
  • Không mang Giấy đăng ký xe: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a khoản 3 Điều 21).
  • Không có bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng (khoản 2 Điều 22).

Loại giấy tờ khi tham gia giao thông

Loại giấy tờ khi tham gia giao thông

 Thời hạn bị tạm giữ xe

Căn cứ tại khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020): “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.”  Như vậy, thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Tuy nhiên, trường hợp phương tiện giao thông có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh, thu thập chứng cứ mà đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Có lấy lại được xe khi đang bị tạm giữ mà không có giấy tờ xe?

Khi đi nhận lại xe đang bị tạm giữ cần phải mang theo các giấy tờ như biên bản tạm giữ, Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân và cũng cần quyết định trả lại phương tiện để người tạm giữ phương tiện có thể kiểm tra và thực hiện việc trao trả xe bị tạm giữ.

Cơ sở pháp lý: Điều 16 Nghị định 138/2021/NĐ-CP

Như vậy, cần bắt buộc phải có căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân thì mới được lấy lại xe. Trong trường hợp không có giấy tờ xe thì vẫn sử dụng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để nhận lại xe. Còn trường hợp nếu mất giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân thì không thể lấy lại xe đang bị tạm giữ được, có thể trình báo đến Ủy ban nhân dân cấp phường, xã để xin cấp lại giấy tờ nhân thân khác.

Hàng loạt xe máy đang bị tạm giữ

Hàng loạt xe máy đang bị tạm giữ

Trường hợp quá thời hạn tạm giữ nhưng không lấy lại xe thì xử lý thế nào?

Phải lấy xe theo thời hạn quy định, nếu quá thời hạn mà không lấy lại xe, xe của bạn có thể bị xử lý (Khoản 8 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP):

  • Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ;
  • Hết 30 ngày, kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy của pháp luật.

Như vậy, quá hạn tạm giữ bạn vẫn sẽ lấy được xe tuy nhiên chỉ trong vòng 33 ngày, sau khi hết thời hạn này xe của bạn sẽ bị tịch thu vì thế bạn sẽ không còn quyền sở hữu và không lấy lại được xe.

Luật sư tư vấn cách lấy lại xe bị tạm giữ nhưng không có giấy tờ.

  • Tư vấn cách nộp phạt, lấy lại xe đang bị tạm giam
  • Tư vấn lấy lại xe bị tạm giữ khi không có giấy tờ xe
  • Khiếu nại quyết định hành chính trong lĩnh vực giao thông
  • Hỗ trợ khách hàng làm việc với cảnh sát giao thông

Trên đây là những vấn đề liên quan đến tạm giữ xe, cách lấy lại xe khi không có giấy tờ thông qua các thủ tục hành chính. Trong trường hợp quá thời hạn luật định những người vi phạm vẫn không đến lấy xe thì chiếc xe này có thể bị tịch thu. Nếu quý bạn đọc có thắc mắc hoặc có nhu cầu được tư vấn luật giao thông, thủ tục hành chính để nhận lại xe bị tạm giữ vui lòng liên hệ qua số Hotline: 1900.633.716 để được đội ngũ luật sư tư vấn hỗ trợ trực tuyến miễn phí.

Scores: 4.71 (15 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,833 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716