Đương sự có quyền cung cấp chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm hay không là vấn đề đáng quan tâm khi đương sự muốn nộp tài liệu chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm mà trước đó chưa cung cấp được trong quá trình giải quyết vụ án. Hiện nay, quyền cung cấp chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm được quy định cụ thể trong bộ luật tố tụng dân sự. Sau đây là những nội dung cơ bản về vấn đề trên mà Luật L24H xin cung cấp đến Quý bạn đọc.
Cung cấp chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm
Chứng cứ theo quy định của pháp luật
Chứng cứ là gì?
Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì chứng cứ được hiểu như sau:
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Nguồn của chứng cứ
Chứng cứ
Căn cứ theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì chứng cứ có thể được thu thập từ các nguồn sau đây:
- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
- Vật chứng;
- Lời khai của đương sự;
- Lời khai của người làm chứng;
- Kết luận giám định;
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
- Văn bản công chứng, chứng thực;
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Đương sự có bắt buộc phải cung cấp cung cấp chứng cứ không?
Theo quy định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì đương sự có quyền và nghĩa vụ trong việc cung cấp chứng cứ như sau:
- Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 như sau:
Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự.
Căn cứ theo quy định trên thì đương sự có quyền giao nộp chứng cứ nhưng đồng thời đây cũng là nghĩa vụ của đương sự trong những trường mà Tòa án yêu cầu đương sự cung cấp. Do đó, tùy trường hợp mà đương sự có thể không bắt buộc phải cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, để đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan, chính xác thì đương sự nên cung cấp đầy đủ chứng cứ cho Tòa án.
Thời hạn giao nộp chứng cứ
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 96 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì thời hạn giao nộp chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.
Đương sự có quyền cung cấp chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm không?
Quyền cung cấp chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 302 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự, Kiểm sát viên có quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Với quy định này thì đương sự vẫn có quyền bổ sung thêm chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm phục vụ cho việc giải quyết vụ án.
Luật sư tư vấn về quyền tại phiên tòa phúc thẩm của đương sự
- Luật sư tư vấn quyền cung cấp chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm của đương sự;
- Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của đương sự tại tòa án;
- Luật sư tư vấn thủ tục bổ sung, sửa đổi, rút đơn kháng cáo của đương sự;
- Các vấn đề có liên quan khác.
Chứng cứ là một trong các yếu tố cần thiết để giải quyết một vụ án khách quan, công bằng và đúng quy định pháp luật. Trên đây là những nội dung cơ bản về vấn đề cung cấp chứng cứ tại phiên tòa phúc thẩm của đương sự. Nếu trong quá trình tìm hiểu còn có vấn đề cần luật sư giải đáp tư vấn pháp luật, Quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp đến số điện thoại 1900.633.716 để được hỗ trợ chi tiết trực tuyến miễn phí.