Công chứng là gì? Những điều cần biết về công chứng, chứng thực

Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết và các giấy tờ từ bản gốc được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác. Tuy công chứng ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về “công chứng” và còn nhiều sự nhầm lẫn công chứng với chứng thực. Do đó, bài viết dưới đây sẽ cung cấp các vấn đề cơ bản về công chứng là gì và những điều cần biết về công chứng.

Công chứng là gì

Công chứng là gì?

Thế nào là công chứng? Phân biệt công chứng và chứng thực

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014)

Phân biệt công chứng và chứng thực

Phân biệt công chứng và chứng thực

  • Công chứng là Công chứng viên chứng nhận các hợp đồng, lập hợp đồng giao dịch (đây là nội dung giúp phân biệt công chứng với các hoạt động hành chính khác). Các hợp đồng có công chứng là các hợp đồng có giá trị chứng cứ, giá trị thực hiện (vì nó được công chứng viên xác nhận, có tính hợp pháp).
  • Chứng thực là hành vi của Công chứng viên hoặc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực, xác nhận giấy tờ, sự việc là có thật, đúng với thực tế.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP)

Khi nào phải cần công chứng?

Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về các trường hợp phải công chứng. Tuy nhiên, đối với từng loại giao dịch, hợp đồng sẽ có quy định cụ thể về việc công chứng. Dưới đây là một số loại hợp đồng, văn bản phổ biến bắt buộc phải công chứng:

  • Hợp đồng mua bán nhà ở (Điều 122 Luật Nhà ở, Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015)
  • Hợp đồng tặng cho tài sản là nhà ở, bất động sản trừ trường hợp tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương (Điều 122 Luật Nhà ở, Khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015)
  • Hợp đồng tặng cho bất động sản (Khoản 1 Điều 459 Bộ Luật Dân sự 2015)
  • Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bắt buộc (Điểm a Khoản 3 Điều 167 của Luật Đất đai 2013)
  • Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ (Khoản 3 Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015)
  • Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài (Khoản 5 Điều 647 của Bộ Luật Dân sự 2015)
  • Văn bản về lựa chọn người giám hộ (Khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015)
  • Để bảo vệ tối đa quyền lợi của bản thân, các chủ thể tham gia giao dịch cũng có thể công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch khác.

Hiệu lực pháp lý của văn bản công chứng

Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng:

  • Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc đối với hợp đồng, giao dịch thông thường
  • Thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp

Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

(Điều 5, điều 43 Luật Công chứng 2014)

Địa điểm công chứng

Trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp

  • Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù
  • Người yêu cầu công chứng có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng

(Điều 44 Luật Công chứng 2014)

Thể thức của văn bản công chứng

Chữ viết trong văn bản công chứng

  • Chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt
  • Chữ viết trong văn bản công chứng phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không được viết xen dòng, viết đè dòng, không được tẩy xoá, không được để trống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Thời điểm công chứng phải được ghi cả ngày, tháng, năm; có thể ghi giờ, phút nếu người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc công chứng viên thấy cần thiết.
  • Các con số phải được ghi cả bằng số và chữ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(Điều 6, 45 Luật Công chứng 2014)

Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng

  • Ký trong văn bản công chứng: Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên. Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
  • Điểm chỉ trong văn bản công chứng: Trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
  • Ký và điểm chỉ trong văn bản công chứng: Trong trường hợp công chứng di chúc hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng hoặc công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng thì có thể đồng thời ký và điểm chỉ.

(Điều 48 Luật Công chứng 2014)

Phí và thù lao công chứng

  • Phí công chứng bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng. Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng. Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
  • Thù lao công chứng: Người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Tổ chức hành nghề công chứng xác định mức thù lao đối với từng loại việc không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về thù lao công chứng.

(Điều 66, 67 Luật Công chứng 2014)

Luật sư tư vấn về công chứng, chứng thực

Tư vấn pháp lý về công chứng, chứng thực

Tư vấn pháp lý về công chứng, chứng thực

  • Tư vấn về tính hợp pháp của văn bản công chứng, chứng thực
  • Hỗ trợ thực hiện các thủ tục công chứng, chứng thực
  • Tư vấn về công chứng viên
  • Hỗ trợ về các thủ tục, hồ, giấy tờ để trở thành công tố viên
  • Tư vấn về văn phòng công chứng
  • Hỗ trợ các thủ tục để mở văn phòng công chứng

Công chứng, chứng thực là những thủ tục pháp lý thường xuyên gặp trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân tốt nhất cần phải nắm rõ các quy định pháp luật. Nếu quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về công chứng, các thủ tục công chứng hay có nhu cầu cầu được tư vấn luật về Luật Dân sự vui lòng liên hệ Luật L24H qua số Hotline: 1900.633.716 để được đội ngũ luật sư chuyên môn hỗ trợ. Xin cảm ơn.

Scores: 4.5 (45 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,828 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716