Bitcoin là tiền ảo được biết đến rất nhiều. Nhưng phần lớn rất ít người biết rõ được Bitcoin là gì và trước khi đầu tư vào Bitcoin cần biết những rủi ro nào. Sau đây, Luật L24H sẽ giúp cho các bạn hiểu hơn về Bitcoin với những thông tin dưới đây.
Bitcoin là gì?
Bitcoin là gì?
Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số được giao dịch trên nền tảng online, chỉ tồn tại ở dạng điện tử gồm nhiều loại tiền tệ, có loại tiền mã hóa trong đó có Bitcoin.
Hiện nay chưa có một điều luật nào quy định cụ thể về khái niệm của Bitcoin. Tuy nhiên có thể hiểu, Bitcoin (ký hiệu BTC) là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi một chính phủ hay một tổ chức tài chính nào, nó được phát minh bởi một cá nhân hoặc tổ chức vô danh dùng tên Satoshi Nakamoto, được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối internet ngang hàng.
Bitcoin được coi là tài sản không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Như vậy, muốn được coi là tài sản thì Bitcoin phải thuộc một trong các trường hợp là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Vật là phải hiện hữu, là một loại tài sản hữu hình. Tuy nhiên không phải vật hữu hình nào cũng gọi là tài sản. Ví dụ như nước sông, nước biển, không khí,…trong tự nhiên không được gọi là tài sản. Đối với Bitcoin, Bitcoin không hiện hữu nên Bitcoin không thể được coi là vật.
Tiền là vật ngang giá chung để trao đổi hàng hóa dịch vụ, do Nhà nước phát hành và đảm bảo giá trị (theo khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010). Đối với Bitcoin, Bitcoin không phải do nhà nước phát hành, nó không phải là đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào mà chỉ do một cá nhân, tổ chức ẩn danh nào đó phát minh nên không thể được coi là tiền.
Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác (theo khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010). Ở Công văn số 141/TANDTC-KHXX liệt kê giấy tờ có giá gồm tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu,… trong quy định này không liệt kê Bitcoin hay tiền giả nên Bitcoin không được coi là giấy tờ có giá.
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền bao gồm quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác (theo Điều 115 BLDS 2015). Bitcoin là một loại tiền ảo nên nó không được công nhận có quyền tài sản.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Bitcoin không được xem là tài sản ở Việt Nam.
Việt Nam có công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán không
Bitcoin có phải làm một phương tiện thanh toán?
Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10 tháng 7 năm 2016 về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán) bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài những phương tiện thanh toán kể trên thì các phương tiện thanh toán khác sẽ không được coi là hợp pháp.
Khoản 2 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP bổ sung Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm: phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.
Ngoài ra Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước ngày 21 tháng 7 năm 2017 về việc trả lời kiến nghị của ông Vũ Thái Hà (Công văn không được xem là văn bản quy phạm pháp luật) về việc thiết kế trung tâm máy tính Bitcoin, Litecoin và các loại tiền ảo rằng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa công nhận Bitcoin là một phương tiện thanh toán hợp pháp.
Những rủi ro cần biết khi đầu tư vào Bitcoin
Rủi ro khi đầu tư Bitcoin
Rủi ro về thị trường
Giá của đồng tiền ảo Bitcoin luôn giao động và thay đổi liên tục. Khi thị trường thay đổi thì giá của Bitcoin cũng thay đổi theo và thậm chí nó còn có độ tăng giảm cao hơn các loại tài sản truyền thống khác do không bị kiểm soát bởi bất kỳ chính phủ nào dẫn đến việc nếu không theo dõi, nghiên cứu thị trường liên tục, kỹ càng thì việc đầu tư này rất khó thu được lợi nhuận.
Rủi ro về bảo mật
Các sàn giao dịch Bitcoin hoàn toàn là kỹ thuật số nên nguy cơ bị hack hoặc bị vi-rút xâm hại và đánh cắp dữ liệu là rất cao. Phần lớn những chủ sở hữu của Bitcoin đều lưu trữ tài sản của mình trên các sàn giao dịch tập trung. Nhờ vậy mà những chủ thể có tham vọng về tài sản là tiền ảo như Bitcoin hoàn toàn có thể đánh cắp mã khóa riêng tư của chủ sở hữu Bitcoin trên các sàn giao dịch này và chuyển Bitcoin bị đánh cắp sang một tài khoản khác. Vì vậy, khi đầu tư vào Bitcoin bạn cần phải xem xét, lựa chọn đúng sàn giao dịch bitcoin uy tín.
Rủi ro về mặt pháp luật
Xuất phát từ việc những giao dịch về Bitcoin không cần phải thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào và thông tin giao dịch được bảo mật kỹ càng nên đây là một thị trường rất được ưa chuộng của một số tội phạm với các hoạt động như rửa tiền, mua bán trái phép hoặc trốn thuế,… Vì vậy mà Bitcoin có thể bị coi là đối thủ tiền tệ của chính phủ.
Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp nên khi bị chiếm đoạt thì chủ của Bitcoin sẽ không được bảo vệ.
>>>Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục tố cáo bị lừa đầu tư tiền ảo
Trên đây là những thông tin về Bitcoin Luật L24H thông tin đến các bạn. Hy vọng những thông tin này có thể tháo gỡ được những thắc mắc của bạn khi tìm hiểu về Bitcoin. Trong quá trình tìm hiểu có gì thắc mắc kiến thức pháp luật về Bitcoin, vui lòng liên hệ chúng tôi qua hotline 1900.633.716 để được luật sư tư vấn trực tiếp. Xin cảm ơn!