Thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại là một hoạt động đảm bảo chương trình khuyến mại hợp pháp, đúng quy định pháp luật. Khuyến mại là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại, có ý nghĩa đối với thương nhân và cả người tiêu dùng, do đó việc đăng ký chương trình khuyến mại giúp cho Nhà nước có thể dễ dàng quản lý hoạt động này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại.
Thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại
Các chương trình khuyến mại phải đăng ký theo quy định pháp luật
Căn cứ khoản 1 Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, các chương trình khuyến mại phải đăng ký theo quy định nếu thuộc một trong các hình thức khuyến mại dưới đây:
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (chương trình khuyến mại mang tính may rủi);
- Các hình thức khác theo quy định tại Khoản 9 Điều 92 Luật thương mại 2005.
Như vậy, các chương trình khuyến mại nếu thuộc các hình thức trên thì phải tiến hành đăng ký nhằm để cơ quan nhà nước có thể quản lý hoạt động khuyến mại một cách hiệu quả và đảm bảo được hoạt động cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại
Hồ sơ chuẩn bị
Căn cứ khoản 4 Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 22/05/2018, hồ sơ đăng ký chương trình khuyến mại gồm các giấy tờ sau:
- 01 Bản đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại theo mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 21 Nghị định 17/2020/NĐ-CP;
- 01 Bản thể lệ chương trình khuyến mãi theo mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm Nghị định 81/2018/NĐ-CP;
- Mẫu bằng chứng xác định trúng thưởng hoặc mô tả chi tiết về bằng chứng xác định trúng thưởng;
- 01 Bản sao không cần chứng thực giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật.
Thủ tục đăng ký
Bước 1: Nộp hồ sơ
Căn cứ khoản 3 Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, thương nhân đăng ký chương trình khuyến mại có thể lựa chọn các cách nộp sau:
- Nộp 01 hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Nộp 01 hồ sơ đăng ký trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp.
Căn cứ khoản 2 Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
- Sở Công Thương đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Bộ Công Thương đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên và chương trình khuyến mại theo các hình thức khác.
Bước 2: Cơ quan đăng ký tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đăng ký hoạt động khuyến mại
Căn cứ khoản 3 Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ (căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến), cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này xem xét, trả lời xác nhận hoặc không xác nhận việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại của thương nhân;
- Trong trường hợp không xác nhận, phải nêu rõ lý do theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Cấp xác nhận yêu cầu đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại
Căn cứ khoản 7, khoản 8 Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, trường hợp hồ sơ hợp lệ, nếu Bộ Công Thương là cơ quan xác nhận đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại, Bộ Công Thương cung cấp cho Sở Công Thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mại nội dung chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý.
Thông tin về chương trình khuyến mại mà thương nhân đã đăng ký và được xác nhận sẽ được cơ quan quản lý nhà nước công khai bằng các hình thức phù hợp (văn bản, trang tin điện tử hoặc các hình thức khác có tác dụng tương đương) và không sớm hơn thời gian bắt đầu của chương trình khuyến mại.
Nộp hồ sơ đăng ký tại Sở Công Thương
Không thực hiện thủ tục đăng ký khuyến mại có bị phạt không?
Căn cứ điểm c Khoản 2 Điều 33 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP do Chính Phủ ban hành ngày 31/01/2022, không thông báo, thông báo sửa đổi (gọi chung là thông báo) hoặc không đăng ký, đăng ký sửa đổi (gọi chung là đăng ký) với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định khi thực hiện khuyến mại hoặc thông báo, đăng ký không đúng với thực tế thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Luật sư tư vấn thủ tục đăng ký khuyến mại
Luật L24H xin cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý về thủ tục đăng ký chương trình khuyến mãi:
- Tư vấn các chương trình cần đăng ký khuyến mãi, chương trình không cần đăng ký;
- Tư vấn, chuẩn bị, soạn thảo hồ sơ đăng ký chương trình khuyến mại;
- Tư vấn quy trình, thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại;
- Tư vấn các chế tài khi không đăng ký chương trình khuyến mại;
- Tư vấn các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại;
- Đại diện theo uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký khuyến mại
- Tư vấn các vấn đề khác có liên quan.
Luật sư tư vấn thủ tục đăng ký khuyến mại
>>>Xem thêm: Tư Vấn Pháp Luật Về Thương Mại, Quảng Cáo Trực Tuyến Miễn Phí
Đăng ký chương trình khuyến mại sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu hàng hóa, sản phẩm tới nhà phân phối, người tiêu dùng. Đây là phương pháp hữu hiệu trong quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, Nhà nước còn có thể quản lý hoạt động này một cách hiệu quả. Nếu khách hàng cần tư vấn về thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại thì hãy liên hệ đến Dịch vụ luật sư dân sự qua hotline: 1900.633.716.