Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân

Thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân được các chủ hộ kinh doanh quan tâm thực hiện trên thực tế. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân mang lại lợi ích phát triển, mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bài viết sau đây, sẽ cung cấp quý khách các quy định pháp lý liên quan tới việc thực hiện thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân theo quy định.

Đăng ký chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân

Đăng ký chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân

Lợi ích của chuyển đổi Hộ kinh doanh sang doanh nghiệp tư nhân

Hộ kinh doanh khi chuyển đổi sang doanh nghiệp tư nhân sẽ mở rộng được quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh như thuê được nhiều lao động hơn thúc đẩy gia tăng hàng hoá, xuất hoá đơn tăng doanh thu. Ngoài ra, hộ kinh doanh sẽ được hoạt động có con dấu riêng, có quy mô hoạt động của doanh nghiệp, thuận tiện hơn trong việc giao dịch dân sự khi chuyển sang loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài ra, căn cứ Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài quy định:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

  • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
  • Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Tại khoản 1, Điều 16; khoản 1, Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 quy định:

Căn cứ vào Điều 16 của luật này, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật;
  • Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”.

Theo đó, căn cứ vào Điều 35 Quy định chuyển tiếp của luật này như sau:

Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì được thực hiện theo quy định của Luật này.

Như vậy, căn cứ các quy định trên thì không phải cứ là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì được miễn lệ phí môn bài mà chỉ có các doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh nếu đáp ứng điều kiện theo các quy định nêu trên mới được miễn lệ phí môn bài.

>>> Xem thêm: Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Trình tự, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân

Theo Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định đăng ký chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp như sau:

Hồ sơ đăng ký chuyển đổi

  • (Bản chính) Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh,
  • (Bản sao) Giấy chứng nhận đăng ký thuế,
  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp,
  • (Bản sao) Giấy tờ CMND/CCCD hoặc hộ chiếu của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

(Cơ sở pháp lý: Điều 21 và khoản 2 Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

Thủ tục đăng ký chuyển đổi

Bước 1: Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính

Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện theo 02 cách:

  • Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
  • Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).

Bước 2: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

  • Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hộ kinh doanh muốn chuyển đổi.
  • Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

Bước 3: Khắc dấu doanh nghiệp và thông báo con dấu

Doanh nghiệp có thể ủy quyền hoặc tự mình khắc dấu và thông báo mẫu dấu cho Sở Kế hoạch và đầu tư. Doanh nghiệp có thể tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện được tên và mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia và Cấp thông báo về việc đăng tải thông tin mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp được biết.

Bước 4: Đăng công bố về đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp tư nhân sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin về ngành, nghề kinh doanh. Thời hạn thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày kể từ ngày được công khai.

(Cơ sở pháp lý: khoản 3  Điều 27 và khoản 1 Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP; khoản 1 và khoản 3 Điều 32 LDN 2020)

Mẫu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Mẫu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Các lưu ý khi chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân

Về tư cách pháp lý của hộ kinh doanh: Sau khi doanh nghiệp tư nhân được thành lập, hộ kinh doanh bị chấm dứt tư cách hoạt động. Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh. Các con dấu, giấy tờ pháp lý liên quan đến hộ kinh doanh không còn giá trị pháp lý.

Về mã số thuế: doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi từ hộ kinh doanh được cấp mới mã số doanh nghiệp theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số thuế của hộ kinh doanh chấm dứt hiệu lực (bao gồm toàn bộ mã số thuế 10 số của hộ kinh doanh và các mã số thuế 13 số địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh trên toàn quốc); mã số thuế của hộ kinh doanh khi chấm dứt hiệu lực vẫn được tiếp tục sử dụng làm mã số thuế cá nhân của người đại diện hộ kinh doanh.

Về chủ doanh nghiệp tư nhân mới: doanh nghiệp tư nhân chỉ có một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Ngoài ra, Trước khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, hộ kinh doanh có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý thuế. Cũng như, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

(Cơ sở pháp lý: khoản 3  Điều 27 Nghị định 01/2021/NĐ-CP; Công văn 768/TCT-KK năm 2019 của Tổng cục thuế ban hành ngày 12/3/2019 về Hướng dẫn chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp theo quy định Nghị định 108/2018/NĐ-CP; và Điều 188 LDN 2020 )

Tư vấn chuyển hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp khác

Luật L24H tư vấn, hỗ trợ quý khách hàng giải quyết các vấn đề pháp lý về chuyển hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp thông qua một số công việc cụ thể sau:

  • Tư vấn hỗ trợ khách hàng về thực hiện những quy trình, thủ tục đăng ký chuyển đổi hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp khác;
  • Tư vấn cho khách hàng xác định loại hình doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh;
  • Hỗ trợ khách hàng soạn thảo hồ sơ, hoàn thiện các giấy tờ cần thiết khi tiến hành đăng ký chuyển đổi hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp khác;
  • Tư vấn khách hàng những lưu ý cần biết khi chuyển đổi hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp khác;
  • Đại diện theo ủy quyền của khách hàng liên hệ với cơ quan có thẩm quyền khi làm các thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp khác;
  • Tư vấn các vấn đề pháp lý khác phát sinh khi thực hiện thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp khác.

Tư vấn chuyển hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp

Tư vấn chuyển hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp

Để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh thì Hộ kinh doanh có thể thực hiện thủ tục chuyển đổi sang doanh nghiệp tư nhân theo quy định pháp luật. Nếu quý khách cần luật sư tư vấn chuyên sâu chuyển hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp thì Luật sư riêng cho doanh nghiệp của chúng tôi sẽ rất phù hợp. Ngoài ra, quý khác có thể liên hệ  với chúng tôi qua HOTLINE: 1900633716 để được luật sư tư vấn nhanh miễn phí. Xin cảm ơn!

Scores: 4.51 (39 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,839 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716