Giám đốc thẩm là gì? Phân biệt giám đốc thẩm và tái thẩm dân sự

Giám đốc thẩm, tái thẩm là một thủ tục có tính chất đặc biệt trong tố tụng dân sự. Trên thực tế, nhiều người vẫn luôn nhầm lẫn giữa giám đốc thẩm và tái thẩm. Vì vậy, hãy cùng Luật L24H tìm hiểu “Giám đốc thẩm là gì? và cách phân biệt giám đốc thẩm và tái thẩm dân sự” qua bài viết dưới đây.

Giám đốc thẩm là gì

Giám đốc thẩm là gì?

Hiểu về Giám đốc thẩm và Tái thẩm

Giám đốc thẩm là gì?

Giám đốc thẩm là thủ tục nhằm xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Đây là một trong những hình thức đặc biệt để Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra tính hợp pháp của việc thực thi pháp luật của Tòa án cấp dưới. Trên cơ sở đó có hướng khắc phục, sửa chữa những sai lầm, vi phạm pháp luật của tòa án cấp dưới trong việc giải quyết vụ án, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong công tác xét xử của tòa án.

(Căn cứ pháp lý: Điều 325, Điều 331 và Điều 337 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

Tái thẩm là gì?

Tái thẩm nhằm xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

(Căn cứ pháp lý: Điều 351 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

>>> Xem thêm: Xét xử phúc thẩm là gì?

>>> Xem thêm: Kháng cáo là gì?

Giám đốc thẩm, tái thẩm có phải là một cấp xét xử trong tố tụng dân sự?

Giám đốc thẩm, tái thẩm có phải là một cấp xét xử

Giám đốc thẩm, tái thẩm có phải là một cấp xét xử

Giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là hoạt động xét xử mà là hoạt động xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm khắc phục những sai lầm, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án, hướng dẫn Tòa án cấp dưới áp dụng thống nhất pháp luật. Việc giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Có bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của BLTTDS;
  • Có kháng nghị của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Mặt khác, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là một thủ tục đặc biệt có đặc thù riêng so với xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Cụ thể, ở thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm thì sự có mặt của đương sự là không đương nhiên và cũng không bắt buộc. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án sẽ triệu tập đương sự hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa, nếu triệu tập mà họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành phiên tòa.

Như vậy, giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt mà không phải là một cấp xét xử trong tố tụng dân sự.

(Căn cứ pháp lý: Điều 338, Điều 357 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

Sự khác nhau giữa giám đốc thẩm và tái thẩm dân sự

So sánh giữa giám đốc thẩm và tái thẩm

So sánh khác biệt giữa giám đốc thẩm và tái thẩm

Tiêu chí Giám đốc thẩm Tái thẩm
 

 

Tính chất

Xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm.

(Điều 325 BLTTDS 2015)

Xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

(Điều 351 BLTTDS 2015)

 

 

 

 

 

Căn cứ kháng nghị

• Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

• Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

• Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

(Điều 326 BLTTDS 2015)

• Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;

• Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;

• Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

• Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.

(Điều 352 BLTTDS 2015)

 

 

 

 

Thời hạn kháng nghị

03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị hoặc bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị.

(Điều 334 BLTTDS 2015)

01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

(Điều 355 BLTTDS 2015)

 

 

 

 

Thẩm quyền của hội đồng xét xử

• Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

• Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;

• Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;

• Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;

• Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

(Điều 343 BLTTDS 2015)

• Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

• Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục đo Bộ luật này quy định;

• Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.

(Điều 356 BLTTDS 2015)

Luật sư tư vấn đề nghị kháng nghị bản án đã có hiệu lực

  • Nghiên cứu, phân tích hồ sơ để xác định căn cứ đề nghị kháng nghị theo thủ tục đặc biệt phù hợp;
  • Tư vấn về thẩm quyền kháng nghị và cách thức đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị;
  • Tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng trong việc soạn thảo đơn đề nghị kháng nghị, gửi cho người có thẩm quyền cũng như việc thu thập tài liệu chứng cứ phù hợp kèm theo.
  • Tư vấn soạn thảo Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm

Hy vọng bài viết trên của Luật L24H đã giúp bạn hiểu được phân nào những quy định của pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự và tái thẩm dân sự, sử dụng dịch vụ luật sư dân sự của chúng tôi, hoặc nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần sự hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900.633.716. Để được luật sư tư vấn luật dân sự giải đáp kịp thời. Xin cảm ơn.

Scores: 4.53 (20 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,789 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716