Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất 2024

Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Việc hiểu rõ về điều kiện và quyền lợi khi thôi việc là một phần quan trọng để người lao động có thể bảo vệ và tận dụng đầy đủ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn cung cấp một số thông tin cần thiết về vấn đề này.

Hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất

Hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất

Trợ cấp thôi việc là gì theo quy định pháp luật?

Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp bắt buộc từ người sử dụng lao động chi trả cho người lao động khi thôi việc và chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật lao động 2019, việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động dựa trên nguyên tắc: Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương với công thức tính trợ cấp thôi việc như sau:

  • Tiền trợ cấp thôi việc = ½ x Tiền lương x Thời gian làm việc

Trong đó:

  • Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc: là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, tiền lương làm căn cứ tính trả trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, cụ thể là các khoản sau:

  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh
  • Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
  • Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động về Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được quy định như sau:

  • Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.
  • Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng. Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

Như vậy, mức lương để tính trợ cấp thôi việc là mức lương bình quân theo hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc theo như quy định nêu trên.

Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

Theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi:

  • Người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên trước khi nghỉ việc.
  • Chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9, 10 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trên bao gồm:
  • Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019.
  • Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
  • Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
  • Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
  • Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.

Ngoài ra, cần phải lưu ý các trường hợp mà người lao động có thể không được hưởng trợ cấp thôi việc:

Căn cứ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, trừ các trường hợp sau:

  • Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và pháp luật về bảo hiểm xã hội;
  • Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

  • Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Cách tính trợ cấp thôi việc

Để tính được trợ cấp thôi việc một cách nhanh chóng, dễ dàng và đúng quy định, chúng ta cần phải hiểu được nội dung về thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp thôi việc và công thức tính trợ cấp mới nhất. Nội dung dưới đây sẽ giúp chúng ta làm rõ về vấn đề này:

Thời gian làm việc thực tế

Thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm:

  • Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc;
  • Thời gian thử việc;
  • Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;
  • Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
  • Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  • Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương;
  • Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động;
  • Thời gian nghỉ hằng tuần;
  • Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động;
  • Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

  • Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;
  • Thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm, đủ 12 tháng.

Trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

Cơ sở pháp lý: khoản 3, khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Công thức tính

Công thức tính trợ cấp thôi việc theo quy định: Mỗi năm làm việc của người lao động sẽ được trợ cấp thôi việc một nửa tháng tiền lương.

Công thức tính trợ cấp thôi việc cụ thể:

  • Trợ cấp thôi việc = Thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp thôi việc x 1/2 x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc.

Trong đó:

  • Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Lưu ý:

  • Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.
  • Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

>>> Xem thêm: Cách tính tiền trợ cấp thôi việc

Tính thuế thu nhập cá nhân trong trợ cấp thôi việc

Tính thuế thu nhập cá nhân trong trợ cấp thôi việc

Trợ cấp thôi việc có tính thuế thu nhập cá nhân không?

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như sau:

Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công trong các trường hợp:

  • Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
  • Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
  • Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
  • Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
  • Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
  • Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
  • Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
  • Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.
  • Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.
  • Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.
  • Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
  • Phụ cấp đặc thù ngành nghề.
  • Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
  • Trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước để tính trừ.
  • Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
  • Riêng trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trừ theo mức ghi tại Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Như vậy, trường hợp người lao động nhận được khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc theo đúng mức quy định thì không tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Ngược lại, nếu khoản tiền trợ cấp thôi việc người lao động nhận được cao hơn mức quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì phần vượt quá sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

Tư vấn điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất

Nếu người lao động có nhu cầu tư vấn mức tiền trợ cấp thôi việc hoặc các nhu cầu khác liên quan đến quan hệ lao động, bạn có thể sử dụng dịch vụ Luật sư lao động của Luật L24H để được chúng tôi tư vấn những dịch vụ sau:

  • Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến trợ cấp thôi việc;
  • Tư vấn điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc;
  • Hỗ trợ người lao động tính các khoản trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất;
  • Hỗ trợ các thủ tục cần thiết để yêu cầu người sử dụng lao động trả trợ cấp thôi việc;
  • Luật sư hỗ trợ soạn thảo các đơn từ và tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích cho khách hàng khi có tranh chấp tại Tòa án.

Bài viết đã cung cấp những thông tin cần thiết về Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất. Nếu quý khách có thắc mắc về Điều kiện, thủ tục hưởng trợ cấp thôi việc xin vui lòng liên hệ với Luật sư tư vấn luật lao động Luật L24H qua hotline 1900.633.716 để được hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả nhất. Xin chân thành cảm ơn.

Một số bài viết liên quan có thể bạn đọc quan tâm:

Scores: 4.9 (33 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,915 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716