Trọng tài vụ việc là gì? Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc

Trọng tài vụ việc là một trong những hình thức giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, với trung tâm trọng tài nổi tiếng hiện nay là VIAC. So với tòa án, trọng tài vụ việc có trình tự, thủ tục nhanh chóng hơn và có những quy chế về tố tụng riêng, chẳng hạn như việc thành lập hội đồng trọng tài vụ việc. Tuy vậy, vẫn đảm bảo những thủ tục về hòa giải, và tuân theo các quy định của luật.

Trọng tài vụ việc là gì

Trọng tài vụ việc là gì?

Khái niệm về trọng tài vụ việc

Căn cứ theo Khoản 7 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận.

Phân biệt trọng tài vụ việc với trọng tài quy chế

Về bản chất và đặc điểm của từng loại trọng tài

Đối với trọng tài vụ việc, bản chất của hình thức giải quyết tranh chấp này đó là phải có sự thỏa thuận lựa chọn của các bên tham gia quan hệ hợp đồng thương mại. Các bên được toàn quyền quyết định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp. Trọng tài vụ việc sẽ chấm dứt khi đã giải quyết xong vụ việc.

Đặc điểm của trọng tài vụ việc:

  • Hội đồng trọng tài vụ việc được thành lập khi tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng thương mại phát sinh và giải thể sau khi vụ tranh chấp này kết thúc.
  • Quy tắc tố tụng và lựa chọn Trọng tài viên do các bên tự thỏa thuận.
  • Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và danh sách trọng tài viên cố định.

Đối với trọng tài quy chế, việc thành lập và chấm dứt đối với loại trọng tài này tuân theo các quy định của pháp lệnh trọng tài. Các bên tranh chấp không thể quyết định trong việc lựa chọn Trọng tài viên cũng những trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp.

Trọng tài quy chế có đặc điểm như sau:

  • Hội đồng trọng tài sẽ được thành lập theo quy chế riêng của trung tâm trọng tài để giải quyết cho từng vụ tranh chấp nhất định.
  • Có quy tắc tố tụng và danh sách trọng tài viên cố định.
  • Có trụ sở cố định, bộ máy điều hành và các phòng ban chức năng cố định.

(CSPL: Khoản 2 Điều 31; Khoản 6 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010)

Các bên tự do thỏa thuận với nhau về trọng tài vụ việc

Các bên tự do thỏa thuận với nhau về trọng tài vụ việc

Về ưu điểm của từng loại trọng tài

Đối với trọng tài vụ việc, ưu điểm của loại trọng tài này là các bên tranh chấp có quyền định đoạt rất lớn, danh sách Trọng tài viên trong hội đồng trọng tài vụ việc là không giới hạn. Đồng thời, do xuất phát từ việc các bên có sự thỏa thuận về thủ tục giải quyết cho nên có thể rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, từ đó, ít tốn kém về mặt chi phí.

Đối với trọng tài quy chế, các bên tranh chấp sẽ không cần phụ thuộc lẫn nhau vì có trình tự, thủ tục chi tiết để áp dụng chung. Danh sách trọng tài viên đảm bảo về chuyên môn và đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Phán quyết có tính chung thẩm và hiệu lực ngang với bản án của Tòa án mà không cần đăng ký.

(CSPL: Khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010)

Về nhược điểm của từng loại trọng tài

Trọng tài vụ việc có nhược điểm như sau:

  • Không có quy chế riêng nên khó có thể ràng buộc các bên tham gia quá trình giải quyết tranh chấp.
  • Khó có thể lường trước được những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp dẫn đến việc có thể xảy ra tình trạng tranh chấp chồng tranh chấp.
  • Để có thể thi hành phán quyết, cần phải đăng ký tại Tòa án gây tốn kém thời gian.

(CSPL: Điều 62 Luật Trọng tài thương mại 2010)

Khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế, các bên tranh chấp phải đối mặt với những nhược điểm sau:

  • Trình tự, thủ tục tuân theo quy chế riêng nên không thể tự ý rút ngắn thời hạn.
  • Quyền định đoạt của các bên không cao.
  • Việc tham gia giải quyết tranh chấp phải được thực hiện ở trụ sở, chi nhánh của cơ sở trọng tài có thể gây bất lợi về việc di chuyển cho một hoặc các bên.

Thủ tục thành lập hội đồng trọng tài vụ việc

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn phải chọn Trọng tài viên và thông báo cho nguyên đơn biết Trọng tài viên mà mình chọn. Hết thời hạn này, nếu bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên Trọng tài viên mà mình chọn và các bên không có thoả thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn.

Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn, thì các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo. Hết thời hạn này, nếu các bị đơn không chọn được Trọng tài viên và nếu các bên không có thoả thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được Tòa án chỉ định, các Trọng tài viên bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài và các bên không có thoả thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

Trong trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, nếu các bên không có thỏa thuận yêu cầu một Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên duy nhất.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của các bên tranh chấp, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải phân công một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên và thông báo cho các bên.

(CSPL: Điều 41 Luật Trọng tài thương mại 2010)

Khi các bên không tự lựa chọn Trọng tài viên thì tòa án sẽ chỉ định

Khi các bên không tự lựa chọn Trọng tài viên thì tòa án sẽ chỉ định

Luật sư tư vấn về trọng tài vụ việc

  • Tư vấn về vấn đề thay đổi Trọng tài viên;
  • Tư vấn về thủ tục đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc;
  • Tư vấn về việc thi hành phán quyết trọng tài vụ việc.

Khi tham gia bất kỳ quan hệ hợp đồng nào, các bên đều cần phải thận trọng trong việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp sao cho phù hợp với điều kiện của đôi bên. Lúc này, việc tham khảo ý kiến của người có chuyên môn là việc làm phù hợp và cần thiết. Các luật sư tư vấn luật trọng tài của Luật L24H sẵn sàng hỗ trợ Quý khách 24/24 qua hotline 1900.633.716. Rất vui vì được hỗ trợ Quý khách. Xin cảm ơn.

Scores: 4.9 (42 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,827 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716