Người chưa thành niên dưới 18 tuổi có được đứng tên sổ đỏ không?

Việc người chưa thành niên dưới 18 tuổi có được đứng tên sổ đỏ không là một quan tâm phổ biến khi nhu cầu tặng cho, thừa kế nhà đất cho người dưới 18 tuổi ngày càng phổ biến. Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này, Luật L24H sẽ cung cấp thông tin chi tiết thông qua bài viết dưới đây.

Người chưa thành niên có được đứng tên sổ đỏ không

Người chưa thành niên có được đứng tên sổ đỏ không

Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ hay bìa đỏ là tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013).

Như vậy, Sổ đỏ là ngôn ngữ thường ngày của người dân để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được pháp luật quy định. Để thuận tiện cho người đọc, trong nhiều bài viết thường sử dụng từ “Sổ đỏ” thay cho tên gọi của Giấy chứng nhận như quy định của pháp luật.

Quy định pháp luật về người chưa thành niên

Giao dịch dân sự của người chưa thành niên

Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

  • Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
  • Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
  • Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
  • Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Như vậy, theo quy định này, người chưa thành niên khi thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện theo pháp luật của mình. Cụ thể, đối với người chưa đủ sáu tuổi thì do người đại diện xác lập, thực hiện; người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý; người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự

Người đại diện của người chưa thành niên

Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:

  • Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  • Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
  • Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
  • Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015, người được giám hộ bao gồm:

  • Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
  • Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Như vậy, người đại diện của người chưa thành niên được quy định là cha, mẹ hoặc người giám hộ trong các trường hợp được quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015.

Người chưa thành niên được đứng tên trên sổ đỏ không?

  • Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì pháp luật hiện không cấm việc đứng tên trên sổ đỏ của người chưa thành niên.
  • Bên cạnh đó, tại Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 4 và khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) quy định việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận cũng không đề cập đến độ tuổi của người đứng tên trên Giấy chứng nhận.

Như vậy, người chưa thành niên được quyền đứng tên trên sổ đỏ.

>>> Xem thêm: Tặng cho bất động sản cho con chưa đủ 18 tuổi

Cha mẹ bán đất là tài sản của con chưa thành niên được không?

Theo quy định tại Điều 77 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên thì:

  • Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  • Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Như vậy, cha mẹ có thể bán đất của con dưới 15 tuổi nếu việc bán đất vì lợi ích của con. Tuy nhiên, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì cha mẹ phải xem xét nguyện vọng của con. Đối với con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì con có thể tự mình bán đất nhưng phải có sự đồng ý của cha mẹ.

Bán đất của con

Bán đất của con

Tư vấn thủ tục sang tên sổ đỏ người chưa thành niên

  • Tư vấn về quyền được đứng tên sổ đỏ của con chưa thành niên;
  • Tư vấn trình tự, thủ tục sang tên sổ đỏ;
  • Soạn thảo đơn từ và giấy tờ liên quan đến việc sang tên sổ đỏ;
  • Nhận ủy quyền của khách hàng thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ cho con.

Như vậy, pháp luật hoàn toàn không cấm việc con chưa thành niên đứng tên trên sổ đỏ. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để thực hiện việc sang tên sổ đỏ cho con chưa thành niên, nếu cần luật sư đất đai tư vấn và hỗ trợ, Khách hàng có thể gọi đến tổng đài 1900.633.716 để được giải đáp thắc mắc nhanh chóng và hiệu quả. Xin cảm ơn

Scores: 4.7 (49 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,877 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716