Không có giấy phép về hàng hóa có được quá cảnh hàng hóa không?

Không có giấy phép về hàng hóa có được quá cảnh hàng hóa là vấn đề được đề cập trong Luật Thương mại. Giấy phép quá cảnh hàng hóa là một trong những điều kiện được xem xét đến trong quá trình thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa. Pháp luật hiện hành quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ quá cảnh, một số trường hợp hàng hóa cần phải có giấy phép mới có thể thực hiện hoạt động này.

Dịch vụ quá cảnh hàng hóa

Dịch vụ quá cảnh hàng hóa

Quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam

Cùng với sự phát triển bùng nổ của khoa học kỹ thuật hiện nay, các hoạt động thương mại hóa toàn cầu cũng trở nên vô cùng phát triển. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà đã ngày càng mở rộng trên toàn thế giới. Dịch vụ quá cảnh hàng hóa cũng trở nên phát triển ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung.

Khái niệm quá cảnh hàng hóa

Theo quy định tại điều 241 Luật Thương mại 2005, khái niệm quá cảnh hàng hóa được quy định là:

Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh.

Theo đó có thể hiểu, quá cảnh hàng hóa là việc thực hiện một hoặc một chuỗi các hoạt động để thực hiện quá trình vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ quá cảnh

Theo quy định tại điều 249 Luật Thương mại 2005, dịch vụ quá cảnh hàng hóa được định nghĩa là:

Dịch vụ quá cảnh hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân thực hiện việc quá cảnh cho hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam để hưởng thù lao.

Theo quy định tại điều 250 Luật Thương mại 2005, điều kiện kinh doanh dịch vụ quá cảnh được quy định như sau:

Thương nhân kinh doanh dịch vụ quá cảnh phải là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải, kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định tại Điều 234 của Luật này.

Theo đó, để thương nhân có thể kinh doanh dịch vụ quá cảnh thì cần đáp ứng các điều kiện về kinh doanh dịch vụ logistics tại Điều 234 Luật Thương mại 2005 và hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định 163/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày ngày 30 tháng 12 năm 2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, cụ thể:

Thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics quy định tại Điều 3 Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.

Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định này, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.

Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics: Ngoài việc đáp ứng các điều kiện, quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện sau:

  • Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa):
  • Được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.
  • Công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.
  • Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (có thể dành riêng một số khu vực để cung cấp các dịch vụ hoặc áp dụng thủ tục cấp phép tại các khu vực này), được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
  • Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.
  • Trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
  • Trường hợp kinh doanh các dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước.
  • Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.
  • Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ, được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.
  • Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.
  • Trường hợp kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật
  • Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau ba năm hoặc dưới hình thức doanh nghiệp trong đó không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau năm năm, kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.
  • Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.
  • Việc thực hiện dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó.

Như vậy, tùy vào việc đầu tư có yếu tố nước ngoài hay không mà cần đáp ứng các điều kiện khác nhau để tiến hành hoạt động quá cảnh hàng hóa. Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài, pháp luật có sự quy định chặt chẽ, yêu cầu phải đáp ứng nhiều điều kiện thì mới cho phép tiến hàng hoạt động thương mại này.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ quá cảnh

Điều kiện kinh doanh dịch vụ quá cảnh

Trường hợp hàng hóa phải có giấy phép quá cảnh

Theo quy định tại điều 44 Luật Quản lý ngoại thương 2017 được hướng dẫn tại khoản 1 điều 35 Nghị định 69/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 5 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, các trường hợp hàng hóa phải có giấy phép quá cảnh bao gồm:

  • Đối với hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép quá cảnh.
  • Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật, Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa.
  • Đối với hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này, thủ tục quá cảnh thực hiện tại cơ quan hải quan.

Như vậy, đối với những vật phẩm đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến trật tự an ninh Quốc gia như vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, việc quá cảnh cần phải thông qua các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đối với trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật, cần phải có Giấy phép quá cảnh hàng hóa để tiến hành hoạt động này.

Quá cảnh hàng hóa mà không có giấy phép bị xử lý thế nào?

Trong trường hợp vi phạm các quy định về quá cảnh hàng hóa, theo quy định tại điều 21 Nghị định 128/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan, các hình thức xử lý bao gồm:

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi chuyển khẩu hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
  • Quá cảnh hàng hóa theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép;
  • Chuyển khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, hàng chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định.
  • Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi chuyển khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh chuyển khẩu, tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu.

Bên cạnh các hình thức xử phạt hành chính, chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như sau:

  • Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 Điều này, trừ tang vật vi phạm bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm b, c khoản 5 Điều này

Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn phải tiến hành áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

  • Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, trừ tang vật vi phạm là hàng hóa bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm c khoản 5 Điều này;
  • Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất tại cửa khẩu nhập tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;
  • Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là văn hoá phẩm có nội dung độc hại; sản phẩm văn hóa thuộc diện cấm phổ biến, cấm lưu hành hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến, đình chỉ lưu hành; xuất bản phẩm thuộc diện cấm phổ biến, cấm lưu hành tại Việt Nam đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
  • Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Như vậy, chủ thể vi phạm các hoạt động về quá cảnh hàng hóa có thể bị xử phạt hành chính và các biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả trong trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng.

>>> Xem thêm: Không thực hiện thủ tục quá cảnh tại cơ quan hải phạt bao nhiêu

Giấy phép quá cảnh hàng hóa

Giấy phép quá cảnh hàng hóa

Tư vấn về vấn đề giấy phép quá cảnh hàng hóa

  • Tư vấn chính sách về thủ tục quá cảnh hàng hóa
  • Tư vấn điều kiện kinh doanh dịch vụ quá cảnh hàng hóa
  • Tư vấn về thủ tục xin cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa
  • Tư vấn trường hợp quá cảnh hàng hóa không cần Giấy phép quá cảnh hàng hóa.

Trên đây là nội dung tư vấn giải đáp về trường hợp không có giấy phép về hàng hóa thì có được quá cảnh hàng hóa không, điều kiện kinh doanh dịch vụ quá cảnh hàng hóa, trường hợp hàng hóa phải có giấy phép quá cảnh và hình thức xử lý vi phạm quy định về quá cảnh. Quý khách hàng nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn về thủ tục hải quan, cụ thể xin vui lòng liên hệ chúng tôi qua số hotline 1900.633.716 để được Luật L24H tư vấn kỹ hơn.

Scores: 4.8 (45 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,828 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716