Tờ khai thay đổi thông tin cư trú được sử dụng để khai báo khi có sự thay đổi, điều chỉnh, khai báo về thông tin cư trú. Hiện nay, tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo mẫu CT01, thay thế cho các biểu mẫu cũ gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (HK02), Bản khai nhân khẩu (HK01). Trong bài viết này, Luật L24H sẽ cung cấp đến quý khách hàng nội dung, cách điền của tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo quy định mới nhất.
Mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú là gì?
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú là biểu mẫu mà công dân phải khai nộp khi có những thay đổi, điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 gồm: đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, tách hộ, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, xác nhận thông tin về cư trú.
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú được quy định tại mẫu CT01 được ban hành kèm theo thông tư 56/2021 của Bộ công an quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú được lập ra để thay thế cho tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-BCA của Bộ Công an về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú.
Khi nào cần thay đổi thông tin cư trú
Đăng ký thường trú
Theo Điều 21 Luật Cư trú 2020 về Hồ sơ đăng ký thường trú thì trong tất cả các trường hợp đăng ký thường trú hồ sơ đều bao gồm Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Tách hộ
Khoản 2 Điều 25 Luật Cư trú 2020 quy định về hồ sơ tách hộ như sau:
- Hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
- Trường hợp tách hộ sau ly hôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì hồ sơ tách hộ bao gồm tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
Như vậy, khi công dân muốn tách hộ thì bắt buộc cần có tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Điều chỉnh thông tin cư trú
Khoản 1 Điều 26 Luật cư trú 2020, việc điều chỉnh thông tin về cư trú của công dân được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Thay đổi chủ hộ;
- Thay đổi thông tin về hộ tịch so với thông tin đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu về cư trú;
- Thay đổi địa chỉ nơi cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà.
Hồ sơ điều chỉnh thông tin về cư trú theo khoản 2 Điều 26 Luật Cư trú 2020 bao gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc điều chỉnh thông tin.
Có thể thấy khi công dân thực hiện điều chỉnh thông tin cư trú cũng phải có tờ khai thay đổi thông tin cư trú
Đăng ký, gia hạn tạm trú
Theo Điều 28 Luật Cư trú 2020 thì Hồ sơ đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú bao gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Vậy nên, khi thực hiện việc đăng ký, gia hạn tạm trú công dân cũng cần có tờ khai thay đổi thông tin cư trú
Thay đổi thông tin cư trú khi nào
>>> Xem thêm: Những quy định mới về thường trú, tạm trú
Nội dung tờ khai thay đổi thông tin cư trú mới nhất
>>> Tải xuống: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú mới nhất.
Cách điền tờ khai thay đổi thông tin cư trú
Người kê khai trực tiếp ghi, điền thông tin vào mẫu theo các mục như sau:
1.Mục “Kính gửi (1)”:
Ghi Cơ quan công an nơi đến làm thủ tục đăng ký cư trú (tức công an phường, xã, thị trấn hoặc Công an huyện, thành phố nơi tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục đăng ký cư trú và có thẩm quyền xác nhận).
Ví dụ: Kính gửi: Công an phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
2.Mục Tự kê khai
Mục “1. Họ, chữ đệm và tên”: Ghi bằng chữ in hoa hoặc thường, đủ dấu (viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh). Ví dụ: NGUYỄN VĂN A
Mục “2. Ngày, tháng, năm sinh”: Ghi ngày, tháng, năm sinh theo năm dương lịch và đúng với giấy khai sinh. Lưu ý: ghi 02 chữ số cho ngày sinh, 02 chữ số cho các tháng sinh là tháng 01 và tháng 02, 04 chữ số cho năm sinh. Ví dụ: 01/01/2001.
Mục “3. Giới tính”: Ghi giới tính Nam hoặc Nữ.
Mục “4. Số định danh cá nhân/CMND”: Ghi đầy đủ số định danh cá nhân (tức là số căn cước công dân gồm có 12 số) hoặc số CMND (9 số).
Mục “5. Số điện thoại liên hệ”: Ghi số điện thoại di động hoặc điện thoại bàn hiện đang sử dụng.
Mục “6. Email”: Ghi địa chỉ email cần liên lạc (nếu có). Ví dụ: info@luat24h.com.vn
Mục “7. Nơi thường trú”: Ghi địa chỉ nơi đang đăng ký thường trú theo địa danh hành chính (tức là địa chỉ ghi trong sổ hộ khẩu hoặc trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú). Ghi cụ thể theo thứ tự: số nhà, phố, đường phố; tổ, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc; xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
Ví dụ: xóm 2, thôn 10, Xã Liên Đầm , huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hoặc số nhà 01, đường Trần Phú, phường Lộc Sơn, Tp Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
Mục “8. Nơi tạm trú”: Ghi theo địa chỉ nơi đang đăng ký tạm trú (ghi trong sổ tạm trú). Cách ghi như hướng dẫn ở mục số 7.
Mục “9. Nơi ở hiện tại”: Ghi theo địa chỉ hiện tại đang ở theo địa danh hành chính. Địa chỉ chỗ ở hiện tại có thể khác với nơi thường trú. Cách ghi như hướng dẫn ở mục số 7.
Mục “10. Nghề nghiệp, nơi làm việc”: Ghi rõ hiện nay làm công việc chính là gì, tên cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa chỉ nơi làm việc.
Ví dụ: Sinh viên trường Đại học Kinh tế Tp HCM; bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện K hoặc chưa có việc làm.
Mục “11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ” và Mục “12. Quan hệ với chủ hộ” có cách ghi cụ thể như sau:
Trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú theo diện đã có chỗ ở, nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình hoặc được chủ nhà cho mượn, thuê ở:
- Mục “11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ”: ghi họ, tên người đến đăng ký thường trú, tạm trú (người này cũng chính là chủ nhà ở hợp pháp hoặc là người được chủ nhà cho mượn nhà để ở).
- Mục “12. Quan hệ với chủ hộ”: phải ghi là chủ hộ, tức đăng ký mình làm chủ hộ.
Trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú theo diện được chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu hoặc cho tạm trú:
- Mục “11. Họ, chữ đệm và tên chủ hộ”: ghi họ, tên chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu, cho tạm trú
- Mục “12. Quan hệ với chủ hộ”: ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đó. Ví dụ: Vợ, con ruột, cháu ruột hoặc người ở nhờ, ở mượn, ở thuê, cùng ở nhờ, cùng ở thuê, cùng ở mượn…
Trường hợp thay đổi, xác nhận thông tin về cư trú (ví dụ: thay đổi về nơi cư trú; chỉnh sửa thông tin cá nhân; tách hộ; xóa đăng ký thường trú, tạm trú hoặc xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú…) thì ghi họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ theo thông tin đã khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú hoặc ghi theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Mục “13. Số định danh cá nhân/CMND của chủ hộ”: Ghi đầy đủ số định danh cá nhân (tức là số căn cước công dân gồm có 12 số) hoặc số CMND (9 số) của người chủ hộ.
Mục “14. Nội dung đề nghị (2)”: Ghi rõ ràng, cụ thể nội dung cần đề nghị. Ví dụ: đăng ký thường trú vào địa chỉ A do ông D làm chủ hộ; đăng ký tạm trú vào hộ B ở địa chỉ C; tách hộ cùng nhà; đăng ký thường trú cho con là E; điều chỉnh về năm sinh…
Mục “15. Những thành viên trong hộ gia đình cùng thay đổi”: Điền đầy đủ các cột mục về thông tin của những người có cùng thay đổi về cư trú. Ví dụ: những người con, cháu cùng nhập khẩu hay chồng và các con cùng tách hộ. Trong mục này cần lưu ý:
- Mục Quan hệ với người có thay đổi: Ghi rõ mối quan hệ với người khai mẫu tờ khai CT1
- Mục Quan hệ với chủ hộ: Ghi mối quan hệ thực tế với chủ hộ đã ghi ở Mục số 11.
3. Mục ý kiến và chữ ký xác nhận của những người liên quan ở cuối trang:
Mục “Ý KIẾN CỦA CHỦ HỘ (3)” và mục “Ý KIẾN CỦA CHỦ SỞ HỮU HOẶC NGƯỜI ĐẠI DIỆN CHỖ Ở HỢP PHÁP (3)”: Ở 2 mục này, chủ hộ và chủ nhà phải ghi rõ nội dung ý kiến của mình và ký tên xác nhận.
Ví dụ:”Đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa chỉ A” hoặc “Đồng ý cho tách hộ để đăng ký thường trú tại địa chỉ X”…
Mục “Ý KIẾN CỦA CHA, MẸ HOẶC NGƯỜI GIÁM HỘ (4)”: Khi người chưa thành niên (con dưới 18 tuổi), người hạn chế hành vi dân sự, người không đủ năng lực hành vi dân sự có thay đổi thông tin về cư trú thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của những người này phải ghi rõ ý kiến vào mục này. Ghi “Đồng ý cho con tôi hoặc ông/bà/anh/chị là: ….được…(ghi cụ thể các trường hợp thay đổi thông tin về cư trú).
Ví dụ: Đồng ý cho 2 con tôi là Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B được đăng ký thường trú theo mẹ.
Mục “NGƯỜI KÊ KHAI”: Người kê khai là người trực tiếp ghi mẫu và ký tên xác nhận vào mẫu. Người kê khai có thể là người đã thành niên có thay đổi thông tin về cư trú hoặc là cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên, người hạn chế về nhận thức
Lưu ý về yêu cầu chung khi điền tờ khai thay đổi thông tin cư trú:
- Viết chữ rõ ràng, cùng một loại mực, không viết tắt.
- Không tự ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đã ghi.
- Căn cứ vào giấy khai sinh, căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… để ghi thông tin vào mẫu cho chính xác.
Cách viết tờ khai thay đổi thông tin cư trú
Tư vấn giấy tờ cư trú cá nhân
- Tư vấn điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú;
- Tư vấn thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú;
- Tư vấn điều kiện, thủ tục chuyển hộ khẩu, tách hộ, nhập hộ khẩu;
- Tư vấn, hướng dẫn khai báo thông tin về cư trú.
Tờ khai thông tin cư trú được sử dụng thường xuyên khi công dân thực hiện các thủ tục cần khai báo thông tin cư trú. Nếu quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc cần luật sư tư vấn luật hành chính về tờ khai thay đổi thông tin cư trú hoặc có nhu cầu cầu tìm hiểu các mẫu đơn có liên quan vui lòng liên hệ Luật L24H qua số Hotline: 1900.633.716 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin cảm ơn.