Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đã được pháp luật quy định khá cụ thể. Có thể thấy, dịch vụ kiểm toán đã và đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, bởi bất kỳ người có vai trò quản lý nào muốn điều hành tốt doanh nghiệp đều phải phân bạch rõ ràng công tác quản lý dòng tiền thu chi, khi ấy dịch vụ kiểm toán sẽ là bên hỗ trợ tốt nhất. Bài viết sau đây sẽ giúp cho quý bạn đọc hiểu rõ hơn về mảng dịch vụ này.

Một số điều kiện doanh nghiệp cần phải tuân theo

Một số điều kiện doanh nghiệp cần phải tuân theo

Đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

Theo quy định, các loại hình doanh nghiệp sau đây được phép kinh doanh dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
  • Công ty hợp danh;
  • Doanh nghiệp tư nhân.

Một số đối tượng được cấp Giấy chứng nhận

Một số đối tượng được cấp Giấy chứng nhận

Bên cạnh đó, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cũng được kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật.

Cần lưu ý rằng, doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì không được sử dụng cụm từ “kiểm toán” trong tên gọi.

Ngoài ra, doanh nghiệp kiểm toán không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp kiểm toán khác, trừ trường hợp góp vốn với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài để thành lập doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam.

Trường hợp ngoại lệ đối với công ty kiểm toán TNHH một thành viên có vốn đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp kiểm toán trách nhiệm hữu hạn một thành viên có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực được phép hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư.

Cơ sở pháp lý (CSPL): Điều 20, khoản 3 Điều 62 Luật Kiểm toán độc lập 2011.

Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận

Đối với Công ty TNHH 2 thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên góp vốn;
  • Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kiểm toán viên hành nghề;
  • Bảo đảm vốn pháp định theo quy định của Chính phủ (5 tỷ đồng);
  • Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức do Chính phủ quy định. Theo đó, thành viên là tổ chức được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm toán hai thành viên trở lên. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm toán hai thành viên trở lên. Ngoài ra, người đại diện của thành viên là tổ chức phải là kiểm toán viên hành nghề và không được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp kiểm toán đó với tư cách cá nhân.

CSPL: Khoản 1 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập 2011; Điều 5, 6 Nghị Định 17/2012/NĐ-CP.

Đối với Công ty Hợp danh

Công ty hợp danh khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên hợp danh;
  • Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty hợp danh phải là kiểm toán viên hành nghề.

CSPL: Khoản 2 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập 2011.

Đối với Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó có chủ doanh nghiệp tư nhân;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc.

CSPL: Khoản 3 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập 2011.

Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam khá phổ biến

Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam khá phổ biến

Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính;
  • Có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh;
  • Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không được giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;
  • Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;
  • Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bảo đảm duy trì vốn không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán tại thời điểm kết thúc năm tài chính gần nhất với thời điểm đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho chi nhánh tối thiểu tương đương 500.000 (năm trăm nghìn) đô la Mỹ. Ngoài ra, vốn được cấp của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không thấp hơn mức vốn pháp định đối với công ty trách nhiệm hữu hạn trên.

Cần lưu ý rằng, trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán mà doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì phải làm thủ tục xóa ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

CSPL: Khoản 4, 5 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập 2011; khoản 2, 3 Điều 8 Nghị Định 17/2012/NĐ-CP.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

Hồ sơ đề nghị

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân gồm có:

Thứ nhất, Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán (theo mẫu quy định tại Phụ lục I).

Thứ hai, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.

Thứ ba, danh sách kiểm toán viên hành nghề có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp (theo mẫu quy định tại Phụ lục III).

Thứ tư, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề.

Thứ năm, bản sao Quyết định của Hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) đối với công ty TNHH, công ty hợp danh.

Thứ sáu, bản sao Điều lệ công ty.

Thứ bảy, danh sách các tổ chức, cá nhân góp vốn, danh sách thành viên hợp danh (theo mẫu quy định tại phụ lục IV), trong đó phải thể hiện rõ các nội dung sau:

  • Họ và tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch; Số và ngày cấp, nơi cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cá nhân; Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (đối với các cá nhân là kiểm toán viên hành nghề);
  • Tên, địa chỉ đặt trụ sở, số và ngày quyết định thành lập (hoặc đăng ký kinh doanh) đối với tổ chức; Họ và tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số và ngày cấp, nơi cấp giấy chứng minh nhân dân, hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đối với cá nhân được cử là người đại diện phần vốn góp của tổ chức;
  • Số vốn góp theo đăng ký, giá trị vốn đã thực góp, tỷ lệ sở hữu, thời hạn góp vốn.

Thứ tám, văn bản xác nhận về vốn đối với công ty TNHH, cụ thể như sau:

  • Đối với doanh nghiệp thành lập mới phải có:

– Biên bản góp vốn của các thành viên sáng lập;

– Trường hợp số vốn được góp bằng tiền thì phải có văn bản xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ tối thiểu phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải ngân sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán;

– Trường hợp số vốn góp bằng tài sản thì phải có chứng thư của tổ chức có chức năng thẩm định giá đang hoạt động tại Việt Nam về kết quả thẩm định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

  • Đối với doanh nghiệp đang hoạt động phải có văn bản xác nhận của doanh nghiệp kiểm toán độc lập khác về mức vốn hiện có thuộc sở hữu của doanh nghiệp đó được ghi trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất (năm đăng ký hoặc năm trước liền kề năm đăng ký).

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, gồm có:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán (theo mẫu quy định tại Phụ lục II).
  • Bản sao giấy phép cung cấp dịch vụ kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài (hoặc văn bản tương đương) theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính.
  • Bản sao Giấy phép thành lập chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài.
  • Văn bản của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
  • Danh sách kiểm toán viên hành nghề có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề.
  • Quyết định của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài về việc bổ nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) chi nhánh.
  • Văn bản xác nhận của doanh nghiệp kiểm toán độc lập khác về mức vốn hiện có thuộc sở hữu của doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được ghi trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất (năm đăng ký hoặc năm trước liền kề năm đăng ký).
  • Tài liệu chứng minh về việc doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài cấp vốn cho chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

CSPL: Điều 5, Điều 6 Thông tư số 203/2012/TT-BTC, ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính về trình tự, thủ tục cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Quy trình xử lý

Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được quy định như sau:

  • Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán gửi một bộ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này tới Bộ Tài chính.
  • Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; trường hợp từ chối, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán chưa hợp lệ thì trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Tài chính thông báo cho tổ chức đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán để hoàn chỉnh hồ sơ.
  • Khi nhận được văn bản yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải bổ sung, sửa đổi theo thông báo và gửi về Bộ Tài chính. Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, sửa đổi, nếu Bộ Tài chính không có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì xem xét cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
  • Trường hợp tổ chức đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đã bổ sung, sửa đổi hồ sơ nhưng không đúng với yêu cầu, Bộ Tài chính sẽ thông báo cho tổ chức đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ.

CSPL: Điều 7 Thông tư số 203/2012/TT-BTC, ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính về trình tự, thủ tục cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Tư vấn, hỗ trợ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

  • Luật sư tư vấn, hỗ trợ soạn thảo văn bản, giám sát, theo dõi các trình tự, hoạt động kinh doanh của công ty, thủ tục xin giấy phép.
  • Tư vấn các chế được miễn giảm, chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt được các quyền lợi tối đa của mình;
  • Tư vấn pháp lý, soạn thảo văn bản, chuẩn bị hồ sơ cho các dự án mới của doanh nghiệp.
  • Xây dựng cơ chế quản trị rủi ro và trực tiếp tham mưu cố cho quản lý doanh nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cả trong nội bộ doanh nghiệp và quá trình hoạt động kinh doanh
  • Luật sư đại diện theo ủy quyền hoặc tranh tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tối đa cho khách hàng.

>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng cho doanh nghiệp

Như vậy, bài viết trên đã phần nào giúp cho quý bạn đọc hiểu hơn về đối tượng cũng như điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam. Nếu Quý khách hàng còn thắc mắc hoặc cần Luật sư tư vấn, hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài trực tuyến 1900.633.716 để được Luật sư tư vấn doanh nghiệp lắng nghe và tận tình giải đáp. Xin cảm ơn.

Scores: 5 (39 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,853 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716