Xử lý bên mua không trả tiền đầy đủ vi phạm nghĩa vụ thanh toán

Khi thực hiện giao dịch mua bán về hàng hóa thì các bên thường lựa chọn áp dụng hình thức hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa để đưa ra các định hướng cơ bản trước khi ký kết hợp đồng chính thức khác nhằm đảm bảo tính pháp lý, tránh các tranh chấp có thể phát sinh. Trong trường hợp Bên mua không trả tiền đầy đủ vi phạm nghĩa vụ thanh toán khiến bên bán không nhận được quyền lợi hợp pháp mà họ đáng ra phải được nhận thì bên bán có quyền nhận được sự hỗ trợ từ pháp luật để buộc bên kia phải thanh toán tiền đầy đủ cho mình hoặc bằng những biện pháp khác. Vậy những biện pháp đó là gì, liệu có những trường hợp nào mà bên mua không phải chịu trách nhiệm khi vi phạm không,… Hãy cùng Luật L24H tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé:

xử lý bên mua không thanh toán đầy đủ tiền

Xử lý bên mua không trả tiền đầy đủ vi phạm nghĩa vụ thanh toán

Quy định pháp luật có liên quan đến nghĩa vụ thanh toán

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nghĩa vụ thanh toán tiền thuộc về bên mua. Ngoài ra, bên mua còn cần phải đảm bảo thỏa mãn các điều kiện về thời hạn, địa điểm, mức tiền, phương thức thanh toán, trình tự thủ tục đã thỏa thuận.

Ngoài ra, nếu rủi ro xảy ra sau thời điểm chuyển rủi ro từ bên bán sang bên mua thì bên mua sẽ phải tự chịu rủi ro, trừ khi do lỗi của bên bán gây ra. Bên mua nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán của mình còn có thể phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định của pháp luật. Mức lãi suất xác định theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Cơ sở pháp lý: Điều 50, 306 Luật thương mại 2005, Điều 440 Bộ luật dân sự 2015.

Hướng xử lý khi bên mua không trả tiền đầy đủ vi phạm nghĩa vụ thanh toán

Buộc bên mua thực hiện hợp đồng

Khi này, bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng, thực hiện một nghĩa vụ hoặc sử dụng một số biện pháp khác để buộc bên mua phải thực hiện đúng hợp đồng, mọi chi phí phát sinh bên mua phải chịu do đã vi phạm hợp đồng.

Ngoài ra, bên bán có thể gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ thanh toán để bên mua có thời gian thực hiện đúng hợp đồng.

Cơ sở pháp lý: Điều 297, 298 Luật thương mại 2005.

Phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán và bồi thường thiệt hại

Đối với phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán:

  • Bên mua phải nộp một khoản tiền tùy theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật xem như là tiền phạt vì hành vi vi phạm của mình.
  • Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc liệu chịu phạt và bồi thường thiệt hại có đi đôi với nhau khi bên mua vi phạm hợp đồng hay không. Nếu không thỏa thuận về việc đi đôi của hai hình phạt đó, bên mua chỉ cần chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại.

Đối với việc bồi thường thiệt hại:

  • Bên bán có thể yêu cầu bên mua bồi thường thiệt hại về tinh thần, bồi thường toàn bộ thiệt hại mà mình lẽ ra sẽ được nhận từ hợp đồng chỉ trừ khi có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác.
  • Ngoài ra bên bán còn có thể yêu cầu bên mua chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng.

Cơ sở pháp lý: Điều 418, 419 Bộ luật dân sự 2015.

Hủy bỏ hợp đồng

Hợp đồng có thể bị hủy bỏ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Hành vi không thanh toán tiền đầy đủ của bên mua được quy định trong hợp đồng là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng.
  • Hành vi không thanh toán tiền đầy đủ của bên mua được xem là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, nghĩa là vì việc không thanh toán tiền của bên mua khiến bên bán không đạt được mục đích khi giao kết hợp đồng.
  • Trường hợp khác được pháp luật quy định.

Cơ sở pháp lý: Điều 423 Bộ luật dân sự 2015.

trường hợp hủy hợp đồng

Trường hợp hủy bỏ hợp đồng

Những trường hợp miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng

  • Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm đã được các bên thỏa thuận
  • Sự kiện bất khả kháng. Định nghĩa về sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước cũng không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
  • Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
  • Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết.

Cơ sở pháp lý: Điều 294 Luật thương mại 2005; Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015.

Nếu có phát sinh tranh chấp các bên giải quyết ra sao?

Thông qua thương lượng, hòa giải

Các bên phải tự thống nhất phương án giải quyết vụ việc hoặc nhờ sự trợ giúp của một người thứ ba gọi là hòa giải viên. Tuy nhiên hòa giải chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các bên đưa ra quyết định chứ không có quyền áp đặt các bên phải thi hành quyết định cuối cùng.

Ưu điểm:

  • Không bị gò bó nhiều bởi luật pháp
  • Tiết kiệm chi phí.
  • Bảo mật thông tin

Hạn chế:

  • Việc thực hiện kết quả giải quyết phụ thuộc hoàn toàn vào các bên khi sử dụng phương thức thương lượng
  • Quyết định của hòa giải viên không có giá trị ràng buộc
  • Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ, dẫn đến hết thời hiệu khởi kiện tại Tòa án.

Thông qua trọng tài

Trọng tài viên có thể tìm kiếm tại Trung tâm trọng tài hoặc các bên tự chọn dựa vào các tiêu chí được quy định tại Điều 20 Luật trọng tài thương mại 2010. Phán quyết của Trọng tài mang tính chung thẩm và được công nhận trên 150 quốc gia. Các bên không thể kháng cáo nhưng vẫn có thể yêu cầu Tòa án hủy phán quyết Trọng tài.

Ưu điểm:

  • Phán quyết của trọng tài được công nhận và thi hành trên 150 quốc gia.
  • Thông tin liên quan được đảm bảo giữ kín.
  • Các bên được tự do thỏa thuận thời gian, địa điểm, ngôn ngữ, luật áp dụng.

Hạn chế:

  • Chi phí cao.
  • Việc hủy phán quyết tại Tòa tốn công sức, thời gian.

Giải quyết bằng Trọng tài

Giải quyết bằng trọng tài

Khởi kiện tại Tòa án

Tòa án xét xử dựa trên quyền lực nhà nước. Quyết định, bản án được bảo đảm thi hành. Trình tự xét xử gồm 2 cấp: Sơ thẩm và phúc thẩm (nếu có kháng cáo). Phán quyết của Tòa phúc thẩm là phán quyết cuối cùng có hiệu lực thi hành.

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Ưu điểm:

  • Bản án, quyết định được đảm bảo thi hành.
  • Có thể kháng cáo nếu các bên không đồng tình với bản án, quyết định giải quyết.

Hạn chế:

  • Thông tin không được bảo mật.
  • Thủ tục tố tụng nhiều khê, thiếu linh hoạt.

>> Tham khảo thêm bài viết về: Các nguyên tắc phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

Luật sư tư vấn xử lý khi bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán

  • Giải đáp thắc mắc về các quy định pháp luật có liên quan.
  • Đề xuất phương án giải quyết khi bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
  • Hỗ trợ, đại diện khách hàng tham gia thương lượng, hòa giải.
  • Tư vấn giải quyết Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
  • Đại diện khách hàng thực hiện các thủ tục với cơ quan có thẩm quyền.
  • Luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ tại Tòa án.

Bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán gây ra nhiều bất lợi cho bên bán. Các bên cần hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình và thực hiện đúng khi giao dịch nhằm tránh phải chạm mặt các chế tài của pháp luật. Nếu bên vi phạm cố tình có tính lừa đảo sẽ bị xử lý theo quy định về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể sẽ bị xử lý Hình sự. Nếu có điều gì chưa rõ hoặc có nhu cầu luật sư tư vấn thêm vui lòng gọi đến số Hotline 1900633716 chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ giải đáp miễn phí sơ bộ ban đầu. Xin cảm ơn.

Scores: 5 (37 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,915 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716