Tội rửa tiền, trách nhiệm hình sự hành vi rửa tiền

Tội rửa tiền bao nhiêu năm tù, có mức phạt tử hình không? đã trở thành thắc mắc của nhiều người. Ngày nay, thực trạng ở Việt Nam thì hình thức của hành vi này ngày càng diễn ra tinh vi và phức tạp. Hơn thế, hình phạt đối với tội rửa tiền có mức phạt khá cao vì đây là tội phạm rất nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự. Bài viết này tôi sẽ giúp cho quý bạn đọc nắm rõ hơn quy định pháp luật về Tội rửa tiền.

Tội rửa tiền

Tội rửa tiền

Các hành vi được xem là rửa tiền

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thì Rửa tiền có thể được hiểu là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì có một số hành vi rửa tiền sau đây:

  • Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
  • Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
  • Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
  • Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các hành vi trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Các hình thức rửa tiền phổ biến

Ngày nay, hình thức rửa tiền ngày một trở nên tinh vi và khó nhận dạng. Tuy nhiên, có thể liệt kê một số hình thức phổ biến của hành vi này như sau:

Các phương thức rửa tiền

Các phương thức rửa tiền

Thông qua các giao dịch đổi tiền mặt

Đây có thể được xem là phương thức rửa tiền thông dụng nhất hiện nay. Phổ biến nhất vừa qua liên quan đến các trò chơi điện tử nhằm tổ chức đánh bạc trực tuyến lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Với hình thức này, người chơi có thể dùng tiền mặt để đổi thẻ tham gia trò chơi và đổi thẻ đó thành tiền mặt.

Thông qua mua kim loại quý

Đây có thể được xem là phương thức rửa tiền thông dụng bởi các đối tượng có thể dễ dàng sử dụng đồng tiền chúng có được thông qua các hành vi trái pháp luật, để mua các kim loại quý như vàng, bạc, kim cương, đá quý… tại nhiều địa điểm khác nhau bất cứ đâu trên thế giới nhằm tránh sự nghi ngờ từ cơ quan chức năng.

Thông qua đầu tư trái phiếu, tín phiếu, gửi tiết kiệm

Đây là phương thức rửa tiền tương đối tinh vi bởi các đối tượng sẽ dùng tiền bẩn để đầu tư vào trái phiếu, tín phiếu hay gửi tiết kiệm sau một thời gian sẽ rút ra và sử dụng như một khoản tiền hợp pháp.

>> Xem thêm: Tội thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý như thế nào?

Thông qua hệ thống ngân hàng ngầm

Những công ty, tổ chức vốn không phải là ngân hàng nhưng lại hoạt động và có chức năng gần giống như chức năng của một ngân hàng truyền thống chính là các ngân hàng ngầm. Các ngân hàng này hiện nay hoạt động khắp trên thế giới với phí dịch vụ rẻ và kín đáo do đó giúp cho việc rửa tiền của các đối tượng được thực hiện một cách dễ dàng hơn.

Liên quan đến vấn đề này, một hình thức khác là thành lập công ty vỏ bọc để mua bán khống hàng hóa, sau đó lợi dụng để rửa tiền diễn ra cũng khá phổ biến.

Khi nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội rửa tiền

Hình phạt Tội rửa tiền

Hình phạt Tội rửa tiền

Chỉ có thể buộc đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền chịu trách nhiệm hình sự khi chứng minh được đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm là khách thể, chủ thể, mặt chủ quan và mặt khách quan của tội phạm. Theo đó:

Mặt khách quan:

Người phạm tội rửa tiền khi thực hiện một trong các hành vi thuộc khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã nêu trên.

Bên cạnh đó, tội phạm được xem là hoàn thành khi người phạm tội có một trong các hành vi trên mà không cần xác định hậu quả. Nếu hậu quả do hành vi rửa tiền gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 324 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Chủ thể:

Chủ thể của Tội rửa tiền là cá nhân, là bất cứ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Ngoài ra, pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội này.

Mặt chủ quan:

Thứ nhất, người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp khi họ nhận thức được đó là tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc nhận biết rõ tiền, tài sản do chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có và với mong muốn hợp pháp hoá số tiền, tài sản đó. Thứ hai, động cơ phạm tội rất nhiều như do nể nang, do vụ lợi về vật chất… Thứ ba, mục đích của người phạm tội nhằm hợp pháp hóa tiền, tài sản và là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Tuy nhiên, việc người phạm tội có đạt được mục đích hay không còn phụ thuộc vào phương thức, thủ đoạn mà họ thực hiện. Nếu người phạm tội đã có hành vi nhưng chưa thực hiện được mục đích phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Khách thể:

Tội rửa tiền được xếp trong nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có.

Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, các loại tài sản do phạm tội mà có với bất kể loại tội gì mà người đó hoặc người khác đã thực hiện mang lại số tiền và tài sản bất hợp pháp.

Về hình phạt, căn cứ Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội rửa tiền thì:

Trách nhiệm hình sự đối với cá nhân như sau:

Khung 1: Phạt tù từ 01 – 05 năm nếu thực hiện một trong các hành vi rửa tiền đã nêu trên.

Khung 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Có tổ chức;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
  • Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200 – dưới 500 triệu đồng;
  • Thu lợi bất chính từ 50 – dưới 100 triệu đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạt tù từ 10 – 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
  • Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
  • Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

Đối với tội rửa tiền, người chuẩn bị phạm tội cũng sẽ có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể phải chấp hành hình phạt bổ sung như bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như sau:

Mức phạt cao nhất có thể áp dụng là bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tội rửa tiền bị phạt tử hình không

Như đã phân tích, Tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, không bị áp dụng hình phạt tử hình mà chỉ có khung hình phạt cao nhất đối với cá nhân là từ 10 – 15 năm tù.

Tư vấn, bào chữa hành vi rửa tiền

  • Tư vấn về cấu thành tội phạm và phân tích hành vi phạm tội đối với Tội rửa tiền.
  • Tiến hành thu thập chứng cứ và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ.
  • Tư vấn hướng giải quyết tốt nhất để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích cho thân chủ.
  • Luật sư bào chữa tại phiên tòa, tham gia các giai đoạn tố tụng và làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay mặt thân chủ.
  • Khiếu nại khi thấy có quyết định ban hành của cơ quan nhà nước trái pháp luật.

Như vậy, bài viết trên đã phần nào giúp cho quý bạn đọc hiểu hơn về Tội rửa tiền được quy định trong Bộ luật Hình sự và các hình phạt có thể được áp dụng. Nếu Quý khách hàng còn thắc mắc cần luật sư tư vấn luật hình sự, hãy liên hệ qua tổng đài trực tuyến 1900.633.716 để được Luật sư hình sự lắng nghe và tận tình giải đáp miễn phí.

Scores: 5 (15 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,843 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716