Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án thuộc về các chủ thể ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong những trường hợp khác nhau. Đây là một vấn đề được quan tâm hiện nay, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề trên.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án
Thế nào là quyết định không khởi tố vụ án?
Khái niệm
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự là một văn bản của cơ quan có thẩm quyền, với nội dung không tiến hành hoặc chấm dứt mọi hoạt động tố tụng hình sự đã hoặc đang tiến hành đối với sự kiện pháp lý hoặc những thông tin thu được về những vụ việc, hành vi con người nào đó bị nghi là tội phạm.
Điều kiện ban hành
Theo Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2021, người có quyền khởi tố vụ án sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
- Không có sự việc phạm tội;
- Hành vi không cấu thành tội phạm;
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Tội phạm đã được đại xá;
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
- Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Chủ thể ban hành
Theo Điều 153 và khoản 1 Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người có quyền ra quyết định khởi tố vụ án sẽ có quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cụ thể
- Cơ quan điều tra: đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết.
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: trong trường hợp quy định tại Điều 164 của Bộ luật này.
- Viện kiểm sát: trong trường hợp hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
- Hội đồng xét xử: trong trường hợp tự mình hoặc yêu cầu Viện kiểm sát nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
Hệ quả pháp lý
Khi quyết định không khởi tố vụ án được ban hành sẽ phát sinh sự kiện không tiến hành hoặc chấm dứt mọi hoạt động tố tụng hình sự đã hoặc đang tiến hành đối với sự kiện pháp lý hoặc những thông tin thu được về những vụ việc, hành vi con người nào đó bị nghi là tội phạm. Từ đó, tùy theo trường hợp cụ thể mà có thể chuyển thành các hình thức xử lý hành chính, kỷ luật, dân sự hoặc không có hình thức xử lý nào và các biện pháp khác (hòa giải,…)
>>>Xem thêm: Có khởi tố hình sự khi không có yêu cầu của người bị hại?
Ai có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án
Theo khoản 2 Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
>>>Xem thêm: Ủy quyền cho người khác khiếu nại được không?
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự
Đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự do Thủ trưởng cơ quan điều tra ban hành, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
- Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu) của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thì có quyền khiếu nại lần 2.
- Khiếu nại lần 2 do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết.
Đối với quyết định không khởi tố hình sự do Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân ban hành, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (nếu quyết định của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).
CSPL: Điều 475, 476 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
>>> Xem thêm: Quyết định giải quyết khiếu nại có bắt buộc phải công khai không?
Trình tự thủ tục khiếu nại quyết định không khởi tố
Thời hiệu khiếu nại
Theo khoản 2 Điều 471 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thời hiệu khiếu nại quyết định không khởi tố được quy định như sau:
- Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.
- Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Thủ tục
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại
Khi thực hiện quyền khiếu nại, người khiếu nại cần làm đơn khiếu nại theo quy định của pháp luật. Nội dung cụ thể của đơn khiếu nại bao gồm:
- Họ tên, địa chỉ người khiếu nại;
- Ghi rõ thông tin của cơ quan ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, số quyết định, ngày tháng năm ra quyết định, người ký quyết định;
- Nội dung khiếu nại phải có: Tóm tắt việc khiếu nại, quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Và cuối đơn phải nêu rõ cam kết của người khiếu nại rằng toàn bộ nội dung trình bày là đúng sự thật và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.
Kèm theo đơn khiếu nại là căn cứ, chứng cứ chứng minh quyết định không khởi tố vụ án hình sự là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Người khiếu nại cần chuẩn bị hồ sơ như trên và gửi đến cơ quan ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Thời hạn giải quyết
Thời hạn giải quyết khiếu nại
Đối với quyết định do cơ quan điều tra ban hành:
- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu: là 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
- Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại lần 2: Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu)
- Thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết.
Đối với quyết định do viện kiểm sát ban hành: thời hạn giải quyết là trong 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ
CSPL: Điều 475, 476 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
Luật sư tư vấn khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án
- Tư vấn cho khách hàng về căn cứ khiếu nại, trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án;
- Hỗ trợ soạn thảo đơn khiếu nại quyết định không khởi tố;
- Đại diện khách hàng nộp đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự;
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trước cơ quan tố tụng hình sự;
- Các yêu cầu khác liên quan đến trình tự, thủ tục khiếu nại.
>>>Xem thêm: Vai trò của Luật sư khi đơn tố giác tội phạm chưa được giải quyết
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự ban hành khi có các căn cứ tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Trong trường hợp này, bị hại vẫn có thể làm khiếu nại quyết định không khởi tố để bảo vệ quyền lợi bản thân. Nếu quý khách hàng có cầu hỏi và thắc mắc liên quan hoạt động tố giác, đề nghị xử lý hình sự, khởi tố vụ án… vui lòng liên hệ qua hotline 1900633716 để được Luật sư Hình sự tư vấn, hỗ trợ trực tuyến qua điện thoại miễn phí