Cách đòi nợ khách hàng khi khách hàng không chịu thanh toán nợ mà không vi phạm pháp luật đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy cần phải làm gì khi gặp phải trường hợp khách hàng không thanh toán nợ theo hợp đồng. Bài viết dưới đây Luật L24H sẽ cung cấp đến Quý bạn đọc những cách xử lý khi gặp trường hợp khách không trả nợ.
>>> Xem thêm: Xuất hóa đơn nhưng khách hàng không thanh toán
Làm sao để đòi nợ khách hàng khi không chịu thanh toán nợ theo hợp đồng
Quy định pháp luật về nghĩa vụ thanh toán nợ của khách hàng
Theo quy định Bộ luật dân sự
Điều 440 Bộ luật Dân sự 2015 về Nghĩa vụ trả tiền:
“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.
2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.”
- Thời hạn thanh toán tiền, khi các bên có thỏa thuận về thời hạn và địa điểm thanh toán tiền thì bên mua phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền theo đúng thỏa thuận đó. Nếu không thỏa thuận về thời hạn thanh toán tiền thì việc thanh toán tiền được thực hiện ngay sau khi bên bán giao tài sản. Theo quy định tại khoản 3 Điều 434 Bộ luật Dân sự thì khi các bên không có thỏa thuận về thời hạn thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay khi nhận tài sản (tức là nghĩa vụ giao tài sản được thực hiện trước, nghĩa vụ trả tiền được thực hiện sau).
- Trường hợp bên mua chậm thanh toán tiền mua tài sản thì phải chịu trách nhiệm dân sự. Theo đó, bên mua vừa phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền mua tài sản, vừa phải thực hiện trách nhiệm trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự. Theo quy định tại Điều 357 thì lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm/ số tiền bên mua đã thanh toán. Trường hợp các bên không thỏa thuận về trả lãi thì lãi suất phải trả là 50% mức lãi suất giới hạn/ số tiền đã thanh toán.Tuy nhiên, nếu các bên có thỏa thuận thì bên mua không phải trả lãi đối với số tiền chậm trả này.
Theo quy định pháp luật về thương mại
Căn cứ theo Điều 50 Luật Thương mại 2005 quy định:
- Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận
- Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
- Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.
Theo quy định tại Điều khoản trên bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận trong hợp đồng. Điều khoản thanh toán được các bên thỏa thuận thông thường bao gồm những nội dung cụ thể về giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn, địa điểm thanh toán, trình tự, thủ tục thanh toán… Bên mua phải thực hiện đúng những nội dung này theo thoả thuận. Trường hợp các bên không có thoả thuận về những nội dung cụ thể liên quan đến việc thanh toán thì áp dụng quy định của pháp luật.
Địa điểm thanh toán
Theo Điều 54 Luật Thương mại 2005, trường hợp không có thoả thuận về địa điểm thanh toán cụ thể thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại một trong các địa điểm sau đây:
Địa điểm kinh doanh của bên bản được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, nếu không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán;
Địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ nếu việc thành toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.
Thời hạn thanh toán
Theo Điều 55 Luật Thương mại 2005, trường hợp các bên không có thoả thuận, thời hạn thanh toán được xác định như sau:
Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá;
Bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hoá trong trường hợp có thoả thuận về việc bên mua có quyền kiểm tra hàng hoá trước khi giao.
Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.
>>> Xem thêm: Xử lý bên mua không trả tiền đầy đủ vi phạm nghĩa vụ thanh toán
Xác định giá
Việc xác định giá được quy định cụ thể tại Điều 52, 53 Luật Thương mại 2005.
Trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kì chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lí, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá.
Nếu giá được xác định theo trọng lượng của hàng hoá thì trọng lượng đó là trọng lượng tịnh.
Quy định về nghĩa vụ thanh toán nợ của khách hàng
Đặc điểm của một số khoản nợ theo hợp đồng
Hợp đồng tín dụng
Căn cứ theo Điều 17 Nghị 20/VBHN-NHNN ngày 22 tháng 05 năm 2014,
- Khi muốn vay nợ của tổ chức tín dụng thì khách hàng vay phải lập thành hợp đồng tín dụng.
- Hợp đồng tín dụng phải có nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng vốn vay, phương thức cho vay, số vốn vay, lãi suất, thời hạn cho vay, hình thức bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm, phương thức trả nợ và những cam kết khác được các bên thỏa thuận.
Hợp đồng thương mại
- Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.Theo khoản 1 Điều 24 Luật Thương mại 2005 thì
- Luật Thương mại Việt Nam 2005 tại Điều 50 quy định bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng. Ngoài ra tại Điều 52 Luật thương mại 2005 pháp luật Việt Nam cũng quy định việc xác định giá cả hàng hóa trong trường hợp không có thỏa thuận về giá cả.
- Bên mua có nghĩa thanh toán tiền hàng đúng địa điểm cho bên bán. Điều 54 Luật thương mại 2005 quy định về trường hợp các bên không có thỏa thuận về địa điểm thanh toán thì bên mua phải thanh toán cho bên bán tại: địa điểm kinh doanh của bên bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, hoặc không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán; địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ, nếu việc thanh toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.
Các biện pháp xử lý khi khách hàng không thanh toán nợ
Áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng
- Bên bán có quyền yêu cầu bên mua thực hiện đúng hợp đồng, tức là phải thanh toán đầy đủ tiền theo quy định của hợp đồng.
- Bên bán có thể gia hạn thêm một thời gian hợp lý để bên mua khắc phục vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Thời gian phụ thuộc vào hai bên thỏa thuận.
Áp dụng chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Chế tài phạt vi phạm
- Khi có hành vi vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm với bên vi phạm nếu các bên thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng, căn cứ theo Điều 418 Bộ luật dân sự 2015
- Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận mà không bị giới hạn bởi quy định của pháp luật, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Chế tài bồi thường thiệt hại
- Chế tài bồi thường thiệt hại được áp dụng ngay cả khi các bên không có thỏa thuận, tuy nhiên, việc áp dụng chế tài này chỉ được thực hiện khi hội tụ đủ các yếu tố như: Có hành vi vi phạm hợp đồng; Có thiệt hại thực tế xảy ra; Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra, theo quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005
- Về mức bồi thường: mức bồi thường phải bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. (khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005)
Hủy bỏ hợp đồng
Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng thì khi khách hàng không thanh toán tiền ta có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Có thể áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng một phần đối với phần hàng mà khách hàng chưa thanh toán. Hợp đồng sẽ không có hiệu lực đối với phần hợp đồng vi phạm và các phần còn lại vẫn có hiệu lực.
Khởi kiện
- Nếu đã áp dụng các chế tài thương mại nhưng khách hàng vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì ta có quyền được khởi kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp.
- Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại là 2 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của một bên bị xâm hại. (Điều 319 Luật Thương mại 2005)
- Các phương thức giải quyết tranh chấp như sau: thương lượng, hòa giải; giải quyết tranh chấp bằng tòa án hoặc trọng tài. (Điều 317 Luật Thương mại 2005)
Quy trình xử lý khoản nợ khi khách hàng không chịu thanh toán
- Bước 1. Xác định khoản phải thu tối thiểu của mỗi khách hàng.
- Bước 2. Phân loại khách nợ
- Bước 3. Chọn người thu hồi nợ.
- Bước 4. Nhắc nhở khách hàng thanh toán trước khi đáo hạn qua điện thoại hoặc Email. Đối với một số trường hợp khách đặc biệt nên sắp xếp một cuộc hẹn để trao đổi trước.
- Bước 5. Đàm phán với khách nợ.
- Bước 6. Khởi kiện đến toà án để đòi nợ.
Xử lý khoản nợ khi khách hàng không chịu thanh toán
Luật sư tư vấn về cách xử lý khi khách hàng không chịu thanh toán nợ
- Tư vấn giải quyết vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.
- Tư vấn cách xử lý khi khách hàng không chịu thanh toán
- Tư vấn thủ tục khởi kiện vi phạm hợp đồng.
- Chuẩn bị và soạn thảo hồ sơ cần thiết.
- Tham gia vào quá trình tố tụng nếu được khách hàng ủy quyền.
Khi bên khách hàng không chịu thanh toán nợ thì khi ấy khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán, lúc đấy ta có thể áp dụng các chế tài mà pháp luật đã quy định để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bài viết trên đây chúng tôi đã cung cấp đến Quý bạn đọc về các hướng giải quyết khi khách hàng không chịu thanh toán nợ theo hợp đồng. Nếu trong quá trình tham khảo, quý bạn đọc có khó khăn hoặc thắc mắc hãy vui lòng liên hệ đến hotline 1900.633.716 để được luật sư dân sự tư vấn cụ thể hơn.