Trọng tài thương mại là gì? Đặc điểm, vai trò trong giải quyết tranh chấp

Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp thường được các bên trong tranh chấp thương mại thỏa thuận lựa chọn áp dụng trước khi khởi kiện ra tòa án. bởi phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thường nhanh gọn, đơn giản và đỡ tốn kém hơn.. Bài viết dưới đây của Luật L24H sẽ cung cấp những thông tin pháp lý cơ bản liên quan đến vấn đề về trọng tài thương mại là gì? Đặc điểm, vai trò giải quyết tranh chấp.

Trọng tài thương mại là gì? Đặc điểm, vai trò trong giải quyết tranh chấp

Đặc điểm, Vai trò Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại là gì?

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.

Trọng tài thương mại thường được xem xét dưới hai góc độ là cơ quan giải quyết tranh chấp và là phương thức giải quyết tranh chấp

  • Cơ quan giải quyết tranh chấp độc lập, tồn tại song song với Tòa án. Pháp luật tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên, khi có tranh chấp trong thương mại phát sinh, các chủ thể có thể lựa chọn hoặc Tòa án hoặc Trọng tài để giải quyết tranh chấp cho mình.
  • Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba – các trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất. Trọng tài là bên trung gian, hoàn toàn độc lập với các bên, đứng giữa để giải quyết tranh chấp và đưa ra phán quyết có tính chất bắt buộc để bảo vệ quyền lợi của các bên

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010

Hình thức của trọng tài thương mại

Trọng tài vụ việc

Là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật trọng tài thương mại và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận với các đặc trưng cơ bản sau:

  • Được thành lập khi các tranh chấp phát sinh và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
  • Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên. Trọng tài viên được các bên có tranh chấp chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ một trung tâm trọng tài nào.
  • Quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài khác.

Cơ sở pháp lý: khoản 7 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010

Trọng tài thường trực

Là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó. Đây là hình thức trọng tài được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng. Hầu hết các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này dưới những tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài, hội đồng trọng tài quốc gia và quốc tế… nhưng chủ yếu và phổ biến được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài.

Cơ sở pháp lý: khoản 6 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010

Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Đặc điểm, vai trò giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại

Đặc điểm của trọng tài thương mại

  • Trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp cụ thể nào đó khi các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết.
  • Trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba khách quan để giúp các bên giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, quyết định của trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài có tính chất ràng buộc pháp lý đối với các bên tranh chấp như một bản án của Tòa án.
  • Trọng tài là một phương thức giải quyết phi chính phủ nên không mang tính quyền lực Nhà nước như Tòa án, tuy nhiên vẫn được điều chỉnh bằng pháp luật cụ thể.
  • Trọng tài thường nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quyền lực Nhà nước trong quá trình tố tụng như sự hỗ trợ của Tòa án khi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Vai trò của trọng tài thương mại

  • Thủ tục trọng tài áp dụng cho các tranh chấp trong hoạt động thương mại đơn giản hơn, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết tranh chấp; thủ tục trọng tài không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
  • Có quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho phép lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế về vấn đề tranh chấp, có uy tín trong ngành nghề  trở thành trọng tài viên giải quyết tranh chấp của các bên, đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp (tranh chấp bảo hiểm, tranh chấp về cổ phiếu, chứng khoán; tranh chấp xây dựng,…)
  • Tôn trọng tính bảo mật thông tin (confidentiality) cho toàn bộ quá trình, phiên họp trọng tài cũng được thực hiện không công khai
  • Thẩm quyền của hội đồng trọng tài được thiết lập dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước. Mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn [cho phép sử dụng tiếng nước ngoài, áp dụng luật nước ngoài,…] phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
  • Phán quyết của trọng tài có đặc điểm giống như bản án của tòa án đó chính là mang tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành.

Thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại

Thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại

Thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, cụ thể là các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, chỉ cần một bên có hoạt động thương mại, bên còn lại có thể tham gia với các mục đích khác như người tiêu dùng, cá nhân tổ chức không phải là thương nhân.
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài, tiêu chí hoạt động thương mại thậm chí còn không được đặt ra, mà chỉ cần trong pháp luật chuyên ngành có quy định.

Ví dụ: Trọng tài có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp trong nội bộ công ty, như theo quy định tại Điều 151 Luật doanh nghiệp 2020: “Khi trình tự và thủ tục triệu tập họp đại hội đồng cổ đông không thực hiện theo đúng quy định của Luật và Điều lệ công ty” thì “cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020 có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết  của Đại hội đồng cổ đông”.

Cơ sở pháp lý: Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010, khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

  • Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại
  • Tư vấn thẩm quyền, điều kiện giải quyết các tranh chấp của Trọng tài.
  • Khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về việc không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được và thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
  • Tham gia tố tụng khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Khái niệm trọng tài thương mại, các hình thức của trọng tài, đặc điểm, vai trò,  thẩm quyền giải quyết là những nội dung mà Luật L24H đã cung cấp cho bạn đọc liên quan đến bài viết. Nếu có khó khăn hoặc thắc mắc gì cần luật sư tư vấn hãy vui lòng liên hệ đến hotline 1900.633.716 để được luật sư chuyên hợp đồng, doanh nghiệp tư vấn kỹ hơn. Xin cảm ơn.

Scores: 4.9 (34 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,789 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716