Cho bạn mượn xe mang đi cầm cố phải làm sao?

Cho bạn mượn xe mang đi cầm cố phải làm sao là câu hỏi được đặt ra khi chủ tài sản đã cho người khác mượn xe nhưng người này đã mang tài sản trên đi cầm cố. Trong trường hợp trên, người mượn không những không trả lại mà còn tự ý cầm cố chiếc xe trên. Qua đó, hành vi trên gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ xe. Bài viết dưới đây của Luật L24H sẽ trình bày chi tiết về hướng xử lý khi Cho bạn mượn xe mang đi cầm đồ, mời quý khách tham khảo.

Bạn mượn xe không trả mang đi cầm đồ

Bạn mượn xe không trả mang đi cầm đồ

Có được phép cầm cố tài sản mượn

Căn cứ Điều 494 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

Vì vậy, bên mượn chỉ được sử dụng, khai thác tài sản mà không được quyền định đoạt tài sản trên thông qua chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố… tức là không có quyền định đoạt tài sản.

Đồng thời, căn cứ Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015, cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tức có nghĩa người cầm cố phải có đầy đủ 03 quyền sở hữu tài sản  là quyền định đoạt, quyền sử dụng và quyền chiếm hữu tài sản. Trong khi đó, người mượn tài sản thì không đáp ứng đủ quyền sở hữu tài sản theo Điều 158, Bộ luật Dân sự 2015, ở đây là không có quyền định đoạt tài sản nên không thể tự ý đi cầm cố tài sản mượn được.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định của Điều 496, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ của người mượn tài sản như sau:

  • Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
  • Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
  • Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
  • Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
  • Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.

Như vậy, bên mượn tài sản sẽ không có quyền cầm cố tài sản cho mượn (trừ trường hợp việc cầm cố trên có sự đồng ý của chủ tài sản thông qua hợp đồng ủy quyền).

Mượn xe của người khác rồi đi cầm cố phạm tội gì?

Sau khi nhận xe thông qua giao dịch dân sự hợp pháp, người mượn lại đem đi cầm cố mà không có sự đồng ý của chủ xe. Hành vi trên có dấu hiệu của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có cấu thành tội phạm như sau:

 Khách thể

Khách thể của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đối tượng đã tác động của tội phạm này là tài sản được giao một cách ngay thẳng, hợp pháp cho người phạm tội trên cơ sở giao dịch, hợp đồng. Ngoài ra, tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 4.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Mặt khách quan

Hành vi: người thực hiện hành vi phạm tội nhận tài sản một cách hợp pháp thông qua giao dịch, hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tài sản, người này dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc dùng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến tình trạng không có khả năng trả lại tài sản.

Trong trường hợp trên, hành vi phạm tội là nhận được tài sản thông qua giao dịch mượn tài sản, nhưng lại sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp (mang xe đi cầm cố khi không có sự đồng ý của chủ xe) đã đến tình trạng không có khả năng trả lại tài sản.

Mặt chủ quan

Hành vi này được coi là có có lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả xảy ra nhưng vẫn cố tình thực hiện.

Động cơ và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội phạm trên.

Chủ thể

Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Như vậy, nếu có đủ các dấu hiệu kể trên, người thực hiện hành vi mượn xe của bạn và mang đi cầm cố sẽ cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Lưu ý: Trong trường hợp người mượn đã có ý định mang tài sản này đi cầm cố trước khi mượn xe, hành vi mượn xe của bạn rồi mang đi cầm cố sẽ có thể cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Phạm tội khi cầm đồ xe người khác

Phạm tội khi cầm đồ xe người khác

>>>Xem thêm: Phạm tội gì khi cầm cố xe người khác

Trình tự, thủ tục trình báo hành vi mượn xe người khác đi cầm đồ

Thẩm quyền giải quyết

Khi cho bạn mượn xe rồi mang đi cầm cố, bị hại cần gửi đơn trình báo hành vi phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết nơi tội phạm xảy ra hoặc nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cứ trú hoặc bị bắt trong trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn trình báo hành vi phạm tội trên gồm:

Thứ nhất, đối với trường hợp phạm tội được quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thẩm quyền giải quyết thuộc về:

  • Cơ quan điều tra cấp huyện;
  • Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cấp huyện;
  • Viện kiểm sát Nhân dân cấp huyện.

Thứ hai, đối với trường hợp phạm tội được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thẩm quyền giải quyết thuộc về:

  • Cơ quan điều tra cấp tỉnh;
  • Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cấp tỉnh;
  • Viện kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh.

Cơ sở pháp lý: Điều 175 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Điều 145, Điều 163, Điều 268 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (viết tắt là BLTTHS 2015).

Hồ sơ cần chuẩn bị

Căn cứ tinh thần của Điều 62, Điều 144 BLTTHS 2015, để trình báo hành vi mượn xe rồi mang đi cầm cố, bị hại cần chuẩn bị hồ sơ gồm các tài liệu, giấy tờ dưới đây:

  • Đơn trình báo, đơn tố giác;
  • Giấy tờ pháp lý của người trình báo, người tố giác như căn cước công dân, chứng minh nhân dân còn hiệu lực, hộ chiếu…
  • Tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng.
  • Giấy tờ cho mượn xe hoặc tin nhắn cho mượn giấy tờ xe.

Hồ sơ cần chuẩn bị để trình báo tội phạm

Hồ sơ cần chuẩn bị để trình báo tội phạm

Thủ tục giải quyết

Trình tự, thủ tục trình báo hành vi mượn xe của người khác rồi mang đi cầm cố đến cơ quan chức năng được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp đơn trình báo:

Bị hại nộp đơn trình báo hành vi phạm tội đến cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp nhận. Đơn trình báo có thể gửi theo hình thức gửi trực tiếp hoặc đường dịch vụ bưu chính.

Bước 2: Tiếp nhận đơn trình báo tội phạm:

  • Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn trình báo và lập biên bản tiếp nhận đơn trình báo tội phạm và ghi vào sổ tiếp nhận.
  • Chuyển hồ sơ trình báo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn trình báo tội phạm.

Bước 3: Giải quyết đơn trình báo:

  • Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đơn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh.
  • Khi có đủ căn cứ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
  • Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.

Cơ sở pháp lý: Điều 145, 146, 147 BLTTHS 2015, Điều 5, Điều 12, Điều 16 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT –VKSNDTC ban hành ngày 29/12/2017 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

>>>Xem thêm: Vai trò của luật sư khi đơn tố giác tội phạm chưa được giải quyết

Luật sư hỗ trợ xử lý khi bạn mượn xe mang đi cầm cố

Để hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền lợi khi cho bạn mượn xe mang đi cầm cố, Luật L24H cung cấp các dịch vụ hỗ trợ pháp lý sau:

  • Tư vấn về quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng khi bị bạn mượn xe mang đi cầm cố;
  • Tư vấn hướng xử lý hành vi cầm cố xe khi chưa có sự đồng ý chủ xe;
  • Tư vấn chi tiết về thủ tục tố giác tội phạm đến cơ quan chức năng;
  • Soạn thảo văn bản, đơn từ phục vụ quá trình tố giác tội phạm ;
  • Nhận đại diện theo ủy quyền để thay mặt khách hàng thu thập tài liệu, chứng cứ và làm việc với cơ quan chức năng;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Như vậy, hành vi mượn xe của bạn và mang đi cầm cố có thể cấu thành nên Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi rơi vào trường hợp kể trên, quý khách có thể làm theo hướng dẫn được trình bày chi tiết, cụ thể trong bài viết để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu còn thắc mắc về vấn đề trên hoặc cần sử dụng dịch vụ luật sư hình sự, quý khách có thể liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE: 1900633716 để được hỗ trợ nhanh chóng. Xin cảm ơn.

Scores: 4.5 (26 votes)

Bài viết được thực hiện bởi Luật Sư Võ Tấn Lộc

Chức vụ: Luật sư thành viên

Lĩnh vực tư vấn: Đất Đai, Hình Sự, Dân Sự, Hành Chính, Lao Động, Doanh Nghiệp, Thương Mại, Hợp đồng, Thừa kế, Tranh Tụng, Bào Chữa và một số vấn đề liên quan pháp luật khác

Trình độ đào tạo: Đại học Luật, Luật sư

Số năm kinh nghiệm thực tế: 8 năm

Tổng số bài viết: 1,837 bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn miễn phí gọi: 1900.633.716